Việt Nam lần đầu góp mặt tại 'Olympic ẩm thực' Bocuse d'Or
Ngày 27/1, Việt Nam lần đầu tiên tham dự vòng chung kết Bocuse d'Or – giải đấu danh giá được ví như 'Thế vận hội của ngành ẩm thực' – tại Lyon, Pháp. Đây là sự kiện quy tụ 24 đội tuyển với các đầu bếp ở đẳng cấp quốc tế.
Cuộc thi là thử thách toàn diện về kỹ năng, sự sáng tạo và khả năng phối hợp. Trong thời gian 5 tiếng 35 phút, mỗi đội phải hoàn thiện hai bài thi vừa đảm bảo hương vị, kỹ thuật chế biến, vừa đáp ứng yêu cầu về thẩm mỹ và tính chính xác cao.
Đại diện Việt Nam tại cuộc thi là đầu bếp Vũ Xuân Trường cùng đầu bếp trợ lý Nguyễn Quang Tâm. Dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Daniel Nguyễn và bếp trưởng Sakal Phoeung, đội tuyển đã mang đến hai bài thi với chủ đề "Biển bạc" và "Rừng vàng". Mỗi bài thi là sự hòa quyện giữa tinh hoa văn hóa Việt Nam và kỹ thuật chế biến hiện đại.
"Biển bạc" tái hiện hương vị đồng bằng sông Cửu Long thông qua món bún riêu cải biến. Điểm nhấn của món ăn là phần bánh cá bọc tôm hùm, sốt được nấu theo phong cách bún riêu truyền thống nhưng thêm champagne để tạo sự cân bằng vị giác. Phần trang trí mang tên "Bông hồng sông Mê Kông" do đầu bếp Vũ Xuân Trường sáng tạo từ thạch cà chua và cần tây, mang lại vẻ đẹp tinh tế và hiện đại.
Bài thi thứ hai – "Rừng vàng" – lấy cảm hứng từ ruộng bậc thang Mù Cang Chải và hương vị Tây Bắc. Các nguyên liệu đặc trưng như mắc khén, hạt dổi, và quả khế đã được kết hợp khéo léo với thịt nai - nguyên liệu bắt buộc từ ban giám khảo. Phong cách chế biến cổ điển Pháp hòa quyện cùng cách xử lý sáng tạo đã giúp món ăn trở thành điểm nhấn độc đáo, nhận được đánh giá cao từ các giám khảo.
Là đầu bếp chính của đội tuyển, Vũ Xuân Trường không chỉ chịu trách nhiệm chính trong việc sáng tạo các món ăn mà còn đóng vai trò kết nối các thành viên. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành ẩm thực, anh luôn mang tinh thần sáng tạo và đổi mới vào từng chi tiết. Huấn luyện viên Daniel Nguyễn chia sẻ: "Trường là người đầu bếp rất chăm chỉ và có tư duy đột phá. Anh ấy đã đưa hương vị Việt Nam vào cuộc thi một cách khéo léo, đồng thời đáp ứng tốt những yêu cầu khắt khe của ban giám khảo".
Không chỉ dừng lại ở kỹ năng chế biến, Vũ Xuân Trường còn cho thấy khả năng chịu áp lực cao trong suốt hành trình thi đấu. Bếp trưởng Sakal Phoeung cho biết: "Trường luôn giữ được sự bình tĩnh và tập trung, ngay cả khi đối mặt với những thử thách khó khăn nhất. Anh ấy là một nhân tố quan trọng, giúp đội hoàn thành bài thi một cách trọn vẹn".
Bản thân Vũ Xuân Trường cũng bày tỏ: "Tôi luôn mong muốn món ăn của mình không chỉ ngon mà còn kể được câu chuyện về văn hóa Việt Nam. Được đại diện đất nước tại cuộc thi lần này là một vinh dự lớn, và tôi đã nỗ lực hết mình để làm tốt nhất có thể".
Để chuẩn bị cho cuộc thi, đội tuyển đã trải qua một hành trình luyện tập nghiêm túc. Từ 3-4 buổi mỗi tuần tại Việt Nam, cả đội đã sang Pháp trước hai tuần để làm quen với nguyên liệu và môi trường thi đấu. Nguyễn Quang Tâm, đầu bếp trợ lý trẻ nhất đội tuyển, chia sẻ: "Anh Trường luôn sẵn lòng hướng dẫn tôi từng chi tiết nhỏ. Nhờ có anh, tôi đã học hỏi được rất nhiều và tự tin hơn khi tham gia cuộc thi này".
Bếp trưởng Sakal Phoeung bày tỏ sự tự hào khi chứng kiến đội tuyển đạt được thành công đáng nhớ. "Việt Nam có tài năng và sự sáng tạo, nhưng cần thêm thời gian và sự đầu tư để hoàn thiện kỹ thuật. Dù đây chỉ là bước khởi đầu, nhưng tôi tin rằng chúng ta sẽ tiến xa hơn trong những năm tới", ông nói.
Lần đầu tiên góp mặt tại vòng chung kết Bocuse d’Or đã đánh dấu một cột mốc ý nghĩa với ẩm thực Việt Nam. Sự nỗ lực của đội tuyển, đặc biệt là vai trò của Đầu bếp Vũ Xuân Trường, đã mở ra những tín hiệu tích cực cho hành trình đưa hương vị Việt đến gần hơn với thế giới.