Việt Nam làm đường sắt tốc độ cao, Pháp tham gia phần việc nào?

Pháp cam kết sẽ hỗ trợ đội ngũ tư vấn, kỹ thuật với các dự án đường sắt tại Việt Nam, tiêu biểu là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng mức đầu tư gần 70 tỷ USD.

Chia sẻ với PV Tiền Phong tại buổi họp báo “Hợp tác trong lĩnh vực đường sắt cao tốc” do Đại sứ quán Pháp tổ chức vào chiều tối 17/1, ông Hervé Conan - Giám đốc cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam - cho rằng, đường sắt là loại hình giao thông trên mặt đất chiếm diện tích nhỏ hơn 5 lần so với đường bộ và tiêu hao năng lượng thấp nhất, tiết kiệm hơn 5 -10 lần so với các phương thức vận tải khác.

Đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) năm 2050, nhất là trong lĩnh vực giao thông nói chung và ngành đường sắt nói riêng thì dự án đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần giảm phát thải ra môi trường; giúp tạo ra nhiều công ăn việc làm liên quan đến lĩnh vực nhân công, kỹ thuật công nghệ cao, máy tính, điều khiển...

Dự án đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần giảm phát thải ra môi trường. Ảnh minh họa: SNCF.

Dự án đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần giảm phát thải ra môi trường. Ảnh minh họa: SNCF.

Ông Hervé Conan nhấn mạnh, để triển khai thì dự án đường sắt tốc độ cao cần thiết phải có nhóm chuyên gia cao cấp hàng đầu, trong giai đoạn chuẩn bị. Pháp cam kết sẽ hỗ trợ đội ngũ tư vấn, kỹ thuật với các dự án đường sắt tại Việt Nam, tiêu biểu là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng mức đầu tư gần 70 tỷ USD.

Ông Diego Diaz - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) - nhấn mạnh, đối với đường sắt tốc độ cao cần lưu ý về kinh tế, kỹ thuật và nhân lực. Các dự án này có thời gian phục vụ từ 50-100 năm nên cần có tầm nhìn cụ thể về vấn đề khai thác, vận hành và duy tu bảo trì.

Ông Diego Diaz chỉ ra, lợi thế của dự án đường sắt tốc độ cao là có rất nhiều thành phần, do đó Việt Nam có thể phát triển theo từng thành phần. Tuy nhiên, để làm tốt thì đòi hỏi nước ta phải có tất cả các khâu chuẩn bị cần thiết trong quá trình triển khai dự án, để sẵn sàng cho quá trình khai thác và duy tu bảo trì sau này.

Ông Diego Diaz - Tổng Giám đốc SNCF. Ảnh: Lộc Liên.

Ông Diego Diaz - Tổng Giám đốc SNCF. Ảnh: Lộc Liên.

"Việt Nam có thể sản xuất các thanh tà vẹt và dần dần làm chủ các công nghệ khác. Tuy nhiên, cũng có một số khâu kỹ thuật phức tạp khác đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải mất khá nhiều thời gian để tiếp nhận, làm chủ nguồn lực công nghệ như hệ thống tín hiệu đường sắt", ông Diego Diaz nói và cho rằng, ngay khi có hệ thống đường sắt tốc độ cao thì Việt Nam cần phải có đầy đủ năng lực để khai thác, vận hành và duy tu bảo trì hệ thống nà, tránh trường hợp sau khi dự án đã hoàn thành, hễ có bất kỳ hỏng hóc nào lại phải đi kêu gọi đối tác nước ngoài sửa chữa và bảo trì.

Người đứng đầu Tập đoàn SNCF đánh giá, mục tiêu hoàn thành dự án đường sắt tốc độ cao của Việt Nam vào năm 2035 là rất lớn, nhưng không thể không thực hiện được. Do đó, phía Pháp sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ, hợp tác về kinh nghiệm phát triển dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM.

Dự án có mục tiêu xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Lộc Liên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/viet-nam-lam-duong-sat-toc-do-cao-phap-tham-gia-phan-viec-nao-post1710418.tpo
Zalo