Việt Nam là điểm sáng trong 'cơn gió ngược' của nền kinh tế thế giới
Giới chuyên gia cho rằng, chính sách kinh tế linh hoạt và thích ứng là một trong những bí quyết giúp Việt Nam tiếp tục là 'điểm sáng' trong nền kinh tế thế giới, với quy mô GDP dự đoán đạt 506 tỷ USD trong năm 2025.
Tăng trưởng toàn cầu ở mức vừa phải trong năm 2025
Dù đang có đà tăng trưởng vừa phải hiện nay, nền kinh tế toàn cầu năm 2025 sẽ phải đối mặt nguy cơ gia tăng bất ổn về chính sách kinh tế. Các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) hay Viện Kinh tế thế giới Kiel (IfW) của Đức đều chia sẻ sự đồng thuận trong dự báo là tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức vừa phải trong năm 2025.
IfW kỳ vọng mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu là 3,1%, IMF dự báo khoảng 3,2%, trong khi WB đưa ra con số 3,3%, so với mức tương ứng 3,5% trước đại dịch Covid-19. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, dù lạc quan hơn, cũng chỉ dự báo tăng trưởng chỉ ở mức “vừa phải” trong năm tới. Trong đánh giá về triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, IMF cảnh báo: “Hãy chuẩn bị cho thời kỳ bất ổn”. Còn theo nhận định của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde trong cuộc họp mới đây của ngân hàng này, sẽ có rất nhiều bất ổn vào năm 2025.
Những trung tâm kinh tế như: Trung Quốc, châu Âu đã không còn tạo ra động lực tăng trưởng cho nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc bắt đầu một quá trình chuyển đổi sâu rộng, khi tăng trưởng của những năm gần đây đang dần mất đà. Trong khi đó, châu Âu thì đang rối tung bởi tình trạng bế tắc chính trị ở hai nền kinh tế lớn nhất Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) là Đức và Pháp.
Sự trở lại nắm quyền của ông Donald Trump ở Mỹ cũng khiến nhiều người lo ngại thế giới sẽ phải đối mặt với tình hình khó khăn hơn trong năm 2025. Với khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” và chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, ông Donald Trump có thể gia tăng thuế quan, nhất là với Trung Quốc, gây ra một cuộc chiến thương mại khiến lạm phát có thể tăng trở lại, còn kinh tế toàn cầu có nguy cơ giảm tốc, tỷ lệ thất nghiệp vốn đang ở mức thấp lịch sử cũng có thể sẽ tăng lên.
Về sắp hạng trong bảng tiềm lực về kinh tế, Mỹ tiếp tục dẫn đầu thế giới - vị trí mà nước này đã duy trì hơn 100 năm qua với GDP năm tới dự báo đạt 30,3 nghìn tỷ USD. Theo sau là Trung Quốc với GDP 19,5 nghìn tỷ USD. Đây là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới năm thứ 15 liên tiếp. Hai nước này chiếm khoảng 40% tổng GDP toàn cầu.
Trong năm 2024, Đức đã vượt qua Nhật giành lại vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Trong khi đó, Ấn Độ vượt qua Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 vào năm 2020. Cả 3 quốc gia này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì các vị trí này tới năm 2026 - thời điểm Ấn Độ được dự báo vượt Nhật lên thứ tư. Đức được dự báo sẽ vẫn duy trì là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2028.
Thế giới lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam
Theo dự báo của IMF, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt quy mô 506 tỷ USD trong năm 2025, đứng thứ 33 toàn cầu. Con số này tăng so với GDP 433 tỷ USD và vị trí 34 của năm 2023. Năm 2020, GDP của Việt Nam đạt 346 tỷ USD, đứng thứ 37 trên thế giới. HSBC đánh giá tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam sẽ đạt 7% - mức cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và năm 2025, GDP Việt Nam tiếp tục duy trì mức cao nhất khu vực. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thì nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2025 lên 6,6%, từ 6,2% vào tháng 9-2024.
Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội hồi giữa tháng 11-2024, trong 10 tháng 2024, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng tích cực, kết quả đạt được tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách Nhà nước thấp hơn giới hạn quy định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm dần theo từng tháng, bình quân 10 tháng tăng 3,78%; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 97,2% dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục gần 800 tỷ USD, tăng 15,8%, xuất siêu 23,3 tỷ USD.
Hệ quả là từ một nước bị tàn phá sau 30 năm chiến tranh và bao vây cấm vận, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đánh giá về Việt Nam, cộng đồng quốc tế coi đây là hình mẫu trong hàn gắn, khôi phục vết thương chiến tranh, gác lại quá khứ, tôn trọng sự khác biệt, hướng tới tương lai, biến thù thành bạn, thực hiện thành công các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Không những thế, giới chuyên gia cho rằng chính sách kinh tế linh hoạt và thích ứng là một trong những bí quyết giúp Việt Nam tiếp tục là điểm sáng kinh tế. Đó cũng là “chìa khóa” để các nền kinh tế vượt qua những “cơn gió ngược” của năm 2025.
Trong năm 2024, những nhận định tích cực về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam thường xuyên xuất hiện trên trên các phương tiện truyền thông thế giới. Trang web của chính quyền thành phố Goyang, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) đánh giá Việt Nam là ngôi sao đang lên ở Đông Nam Á. Theo trang web này, Việt Nam được mệnh danh là nền kinh tế mới nổi ở châu Á. Khi cải cách kinh tế tiến triển, hệ thống kinh tế của Việt Nam cũng thay đổi. Cơ cấu công nghiệp đã trở thành hình mẫu điển hình cho các nước đang phát triển.
Còn trang fibre2fashion.com (Ấn Độ) đánh giá kinh tế Việt Nam đang phát triển với những tín hiệu tích cực. Trang này cho rằng, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tốt hơn vì đang dẫn đầu về khả năng sản xuất nhanh nhiều loại sản phẩm nhờ đầu tư vào máy móc và có lực lượng lao động lành nghề. Xuất khẩu hàng dệt may và hàng may mặc của Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm 2023. Nhận định về những lý do thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam, trang này cho rằng do nhu cầu toàn cầu tăng, đầu tư chiến lược vào công nghệ và đổi mới, các hiệp định thương mại và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Tương tự, trang financemiddleeast.com của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất đánh giá Việt Nam tiếp tục là một “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Còn hãng CNBC (Mỹ) trích ý kiến của ông Kai Wei Ang, chuyên gia kinh tế ASEAN tại BofA Securities Inc., đánh giá Việt Nam vẫn là ngôi sao sáng ở Đông Nam Á, là điểm sáng ở Đông Nam Á bất chấp tình trạng thiếu điện xảy ra vào năm ngoái và bất động sản suy yếu. Ông Kai Wei Ang nhấn mạnh, Việt Nam và ASEAN rõ ràng là những bên hưởng lợi lớn nhất từ chiến lược “Trung Quốc + 1”. Đông Nam Á là lựa chọn tự nhiên vì gần Trung Quốc. Lợi thế của Việt Nam về thị trường lao động cạnh tranh và một loạt các FTA giúp xuất khẩu sang các thị trường khác như Liên minh châu Âu dễ dàng hơn nhiều. Những lợi thế này cung cấp, hỗ trợ cơ bản giúp Việt Nam thu hút đầu tư.