Việt Nam hợp tác với Australia về giám sát chất lượng nước

Thông qua việc cải thiện phương pháp quản lý chất lượng nước, dự án kỳ vọng sẽ cung cấp dữ liệu và dự báo thời gian thực giúp người dân nuôi tôm tại An Lão, Hải Phòng bảo vệ đàn tôm của mình.

Cơ quan khoa học quốc gia Australia (CSIRO) gần đây đã khởi động một dự án tại Việt Nam để thử nghiệm một hệ thống giám sát và dự báo chất lượng nước thế hệ mới mang tên AquaWatch Australia.

 Quan hệ đối tác này không chỉ mang công nghệ tiên tiến đến Việt Nam mà còn nâng cao năng lực của quốc gia trong việc nuôi trồng thủy sản bền vững - Ảnh: Đại sứ quán Australia

Quan hệ đối tác này không chỉ mang công nghệ tiên tiến đến Việt Nam mà còn nâng cao năng lực của quốc gia trong việc nuôi trồng thủy sản bền vững - Ảnh: Đại sứ quán Australia

Thông qua việc cải thiện phương pháp quản lý chất lượng nguồn nước, dự án kỳ vọng sẽ cung cấp dữ liệu và dự báo thời gian thực giúp người dân nuôi tôm tại An Lão, Hải Phòng bảo vệ đàn tôm của mình.

Đây là địa điểm đầu tiên ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung thử nghiệm AquaWatch cho ngành nuôi trồng thủy sản trong đất liền, cung cấp những hiểu biết có giá trị cho khả năng ứng dụng rộng rãi đa ngành hơn sau này.

TS. Alex Held - Giám đốc chương trình AquaWatch Australia cho biết, AquaWatch hoạt động bằng cách kết hợp hệ thống dữ liệu hình ảnh vệ tinh và các cảm biến trong nước để cung cấp thông tin cập nhật cũng như các dự báo chính xác trong thời gian thực. “Hệ thống này giúp người dân nuôi tôm dự đoán được các thách thức như hiện tượng tảo nở hoa và mất cân bằng dinh dưỡng,” Giám Đốc chương trình AquaWatch nói.

TS. Alex Held đánh giá, hệ thống có thể phát hiện những thay đổi nhỏ trong màu sắc nước, dấu hiệu cho thấy các vấn đề về chất lượng nước như tảo nở hoa, hiện tượng quá tải bùn đất trong đầm, và ô nhiễm xả thải từ đầm tôm.

Ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam đóng góp đáng kể vào nền kinh tế quốc gia, nhưng các vấn đề về chất lượng nước có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho người nông dân. AquaWatch mang đến dữ liệu đáng tin cậy và kịp thời để giúp họ đưa ra quyết định nhằm giảm thiểu các rủi ro này.

TS. Nguyễn Duy Duy, nhà khoa học AquaWatch tại CSIRO, cho biết hệ thống thử nghiệm mang tính tiên phong này giúp Việt Nam tiếp cận với một hệ thống giám sát nước tích hợp và hiện đại, kết hợp dữ liệu vệ tinh, đo lường từ cảm biến trên bề mặt và trong cột nước, và dự báo dựa trên mô hình học máy AI.

“Thí điểm tại Hải Phòng đóng vai trò quan trọng trong việc hiệu chỉnh công nghệ phù hợp với điều kiện địa phương và đặt nền móng cho việc mở rộng AquaWatch sang các hệ thống nguồn nước khác tại Việt Nam. Với các bản cập nhật và dự báo chất lượng nước thường xuyên, người nuôi tôm có thể quản lý tốt hơn lịch trình cho ăn, điều chỉnh mực nước, thay nước, hiệu chỉnh các chỉ số chất lượng nước, và ứng phó với các sự kiện cực đoan như tảo nở hoa. Điều này có thể dẫn đến các vụ mùa hiệu quả hơn và giảm tác động đến môi trường”, TS. Duy nói.

Đầm tôm thí điểm được lựa chọn ở Hải Phòng là sự hợp tác giữa CSIRO, Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội và Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia Việt Nam (NAWAPI).

Quan hệ đối tác này không chỉ mang công nghệ tiên tiến đến Việt Nam mà còn nâng cao năng lực của quốc gia trong việc nuôi trồng thủy sản bền vững. Địa điểm AquaWatch tại Việt Nam tham gia vào mạng lưới các địa điểm thí điểm toàn cầu khác của AquaWatch tại Australia, Chile, Malaysia, Ý, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/viet-nam-hop-tac-voi-australia-ve-giam-sat-chat-luong-nuoc-post826417.html
Zalo