Việt Nam-Hoa Kỳ phối hợp ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa
Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị thượng đỉnh đầu tư SelectUSA tại Hoa Kỳ từ ngày 11-14/5 (chiều 15/5 - giờ địa phương), đoàn công tác Bộ Tài chính Việt Nam do ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Hải quan đã có buổi làm việc với Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ tại Trụ sở của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ tại Washington D.C.

Đoàn công tác Bộ Tài chính chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ. (Ảnh: BTC)
Tại buổi làm việc, hai bên tập trung trao đổi vấn đề ngăn chặn chuyển tải bất hợp pháp và tăng cường hợp tác giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan Hoa Kỳ trong khuôn khổ một số chương trình hợp tác về trao đổi dữ liệu điện tử và sáng kiến an ninh container.
Kiên quyết ngăn chặn lợi dụng xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh thuế và các biện pháp phòng vệ thương mại
Tại buổi làm việc, Hải quan Hoa Kỳ giới thiệu với Hải quan Việt Nam về thẩm quyền của Hải quan Hoa Kỳ trong việc thực thi ngăn chặn hành vi chuyển tải bất hợp pháp.
Cụ thể, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ có nhiệm vụ thực thi ngăn chặn hoạt động chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế đối kháng và thuế chống bán phá giá và các biện pháp phòng vệ thương mại.
“Hoạt động chuyển tải bất hợp pháp sẽ gây thiệt hại không chỉ cho doanh nghiệp Hoa Kỳ và doanh nghiệp Việt Nam, làm cho các doanh nghiệp mất lợi thế do mất đi môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng”, đại diện Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ cho hay.
Ông Sung Huyn Ha, Giám đốc điều hành phụ trách các vấn đề khu vực thuộc Văn phòng Thương mại Hải quan Hoa Kỳ chia sẻ: “Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo trên website của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ đối với các công ty Hoa Kỳ khi chấp nhận các lời đề nghị tham gia vào chuỗi hoạt động chuyển tải bất hợp pháp là vi phạm luật pháp Hoa Kỳ và sẽ bị xử lý nghiêm”.
Thông tin thêm về vấn đề chuyển tải bất hợp pháp được Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ đưa ra, Phó Cục trưởng Âu Anh Tuấn cho biết, Hải quan Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn không để hàng hóa của nước thứ ba qua Việt Nam lẩn tránh thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Từ việc triển khai các kế hoạch, chuyên đề kiểm soát rủi ro theo từng ngành hàng, tăng cường thanh tra, kiểm tra sau thông quan về xuất xứ hàng hóa: thu thập, phân tích thông tin trong nước và ngoài nước để xác định trọng điểm nhóm mặt hàng, doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao đến việc thường xuyên rà soát các doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bất thường so với năng lực, quy mô sản xuất thực tế để phối hợp kiểm tra.
Ở góc độ hợp tác với Hải quan Hoa Kỳ, nhằm kịp thời ngăn chặn, phát hiện các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để lẩn tránh thuế và các biện pháp phòng vệ thương mại, trong khuôn khổ Hiệp định hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan giữa hai nước, Hải quan Việt Nam đã tiếp nhận và thực hiện hỗ trợ cung cấp thông tin và phối hợp kiểm tra xác minh các nghi vấn của Hải quan Hoa Kỳ liên quan đến gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế với tổng số khoảng hơn 35 vụ việc từ năm 2019 đến nay.
“Quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài chính Việt Nam là kiên quyết ngăn chặn các hoạt động và hành vi lợi dụng Việt Nam làm điểm trung chuyển, lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi các nước nhằm lẩn tránh thuế và các biện pháp phòng vệ thương mại”, Phó Cục trưởng Âu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, Hải quan Việt Nam đã thông báo cho phía Hoa Kỳ kết quả điều tra và xử lý các vụ việc liên quan đến gian lận xuất xứ, làm giả nhãn mác hàng hóa để xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ từ năm 2020-2024.
Về các giải pháp trong thời gian tới nhằm ngăn chặn hoạt động chuyển tải bất hợp pháp, ông Âu Anh Tuấn cho biết, hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã có định hướng ban hành kế hoạch tổng thể về sàng lọc và kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án tiềm ẩn rủi ro về hoạt động chuyển tải bất hợp pháp, đầu tư nhà máy tại Việt Nam nhưng chỉ thực hiện các hoạt động gia công lắp ráp đơn giản, giá trị gia tăng thấp, không đáp ứng các tiêu chí xuất xứ để được công nhận là sản xuất tại Việt Nam; khuyến khích các dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ, tạo giá trị gia tăng cao, phát triển công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam bảo đảm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đáp ứng các tiêu chí xuất xứ, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu/hàng hóa trung gian từ nước thứ ba.
“Về phía cơ quan hải quan, các biện pháp tăng cường kiểm tra, thắt chặt kiểm soát nhằm ngăn chặn không để hàng hóa của nước thứ ba qua Việt Nam lẩn tránh thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ đang và sẽ tiếp tục được thực hiện mạnh mẽ, trong đó có việc chỉ đạo, hướng dẫn hải quan các khu vực triển khai các kế hoạch kiểm tra doanh nghiệp sản xuất đặc biệt đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước thứ ba để gia công, chế biến, sản xuất và xuất sang Hoa Kỳ”, ông Tuấn cho hay.
Để hỗ trợ Việt Nam thực thi ngăn chặn hiệu quả chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế và thúc đẩy hoạt động hợp tác hiệu quả, thực chất hơn nữa giữa hai bên trong vấn đề này, tại buổi làm việc, phía Việt Nam đã đề xuất với Hải quan Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường các hoạt động trao đổi, chia sẻ thông tin kịp thời về các nghi vấn sai phạm như chia sẻ danh sách các doanh nghiệp/mặt hàng có rủi ro cao về chuyển tải bất hợp pháp, các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ có sự gia tăng đột biến về kim ngạch xuất khẩu và các mặt hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại khác của Hoa Kỳ có sự giảm đột biến để so sánh, đối chiếu và thực hiện các biện pháp kiểm soát.
Trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định về Thương mại đối ứng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ở cấp kỹ thuật sắp tới đây, hai bên cần trao đổi cụ thể về các quy tắc xuất xứ để có thể áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu sang mỗi bên, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí xuất xứ theo quy định, từ đó giúp hạn chế và ngăn chặn hành vi chuyển tải bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, Hải quan Hoa Kỳ tiếp tục dành cho Hải quan Việt Nam các hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực phân tích, đánh giá, nhận diện các rủi ro, nguy cơ về chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ nhằm lẩn tránh thuế và các biện pháp phòng vệ thương mại.
Sẽ sớm ký biên bản ghi nhớ chương trình trao đổi dữ liệu điện tử với nước ngoài
Thay mặt Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ, ông Sung Huyn Ha giới thiệu về mục tiêu và phương thức hoạt động của chương trình trao đổi dữ liệu điện tử với nước ngoài (FECDEP).
Cụ thể, thông qua hợp tác trao đổi dữ liệu manifest theo thời gian thực, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ các nước trong việc xác định các lô hàng có rủi ro cao và trao đổi ngược trở lại các dữ liệu mới theo thời gian thực cho các đối tác để kịp thời ngăn chặn các lô hàng này.
Việc hợp tác theo chương trình này sẽ mang lại lợi ích tương hỗ cho cả hai bên và Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ mong muốn trên cơ sở Tuyên bố Ý định về hợp tác đã được ký năm ngoái, hai bên sớm có thể ký Bản ghi nhớ về hợp tác theo FECDEP để triển khai thực hiện việc trao đổi dữ liệu nhằm ngăn chặn các lô hàng thuộc bất kỳ rủi ro nào không kể là các lô hàng này đi/đến từ đâu.
Hải quan Việt Nam cho biết đang trong quá trình tham vấn nội bộ về dự thảo biên bản ghi nhớ sau khi nhận được phản hồi của Hoa Kỳ đối với các ý kiến của Việt Nam về dự thảo biên bản ghi nhớ và hiện cần trao đổi, làm rõ một số nội dung về pháp lý cũng như kỹ thuật để triển khai.
Do đó, hai bên thống nhất sẽ tổ chức các cuộc họp cấp kỹ thuật theo hình thức trực tuyến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6/2025 để trao đổi, làm rõ các nội dung và chuẩn bị các thủ tục nội bộ cho việc ký biên bản ghi nhớ trong thời gian sớm nhất.
Xác định mô hình hợp tác trong “Sáng kiến An ninh Container”
Theo Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ, Sáng kiến An ninh Container ra đời năm 2002 nhằm mục tiêu bảo đảm an ninh từ xa cho Hoa Kỳ sau sự kiện khủng bố 11/9.
Theo đó, tất cả container tiềm ẩn nguy cơ khủng bố đều được phát hiện và kiểm tra tại các cảng đi trước khi hàng hóa được xếp lên tàu đến Hoa Kỳ. Hiện đang được triển khai tại 36 nước đối tác của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ với tổng số 69 cảng tại nước ngoài, Sáng kiến có 3 mô hình cụ thể:
Mô hình truyền thống: Cán bộ của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ sẽ sang làm việc cùng cán bộ hải quan tại các cảng của nước sở tại để thực hiện nhiệm vụ xác định trọng điểm và kiểm tra container xuất khẩu đi Hoa Kỳ.
Mô hình từ xa: Thông tin được cung cấp và xử lý trên trang thông tin điện tử phục vụ việc xác định các lô hàng rủi ro cao.
Mô hình đầu mối liên lạc tại các cảng nhất định: Các đầu mối này sẽ thực hiện nhiệm vụ điều phối việc xác định trọng điểm và soi chiếu container tại các cảng nước ngoài trên cơ sở phân tích, đánh giá thông tin do các cơ quan hải quan đối tác cung cấp.
“Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ sẵn sàng làm việc cụ thể với Hải quan Việt Nam để thúc đẩy việc hợp tác giữa hai bên theo chương trình này”, ông Sung Huyn Ha nhấn mạnh.

Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại cảng nước sâu Lạch Huyện, huyện Cát Hải, Hải Phòng.
Trước trao đổi từ phía bạn, đại diện Hải quan Việt Nam cho biết hai cảng nước sâu (Cái Mép-Thị Vải và Lạch Huyện) có các chuyến tàu container xuất hàng thẳng đi Hoa Kỳ và đây là thời điểm thích hợp để có thể triển khai Sáng kiến An ninh Container tại Việt Nam.
“Trên cơ sở thông tin do Hoa Kỳ cung cấp về các mô hình triển khai Sáng kiến An ninh Container, Hải quan Việt Nam sẽ nghiên cứu và xác định mô hình phù hợp để thực hiện việc hợp tác trong thời gian tới”, ông Âu Anh Tuấn cho hay.