Việt Nam ghi dấu trên bản đồ LNG toàn cầu

Sáng ngày 18/12 đã diễn ra Diễn đàn 'Chuỗi phân phối LNG toàn cầu và vị thế của Việt Nam' do Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương - Bộ Công Thương tổ chức.

Tại diễn đàn, các chuyên đề về những vấn đề cốt lõi như hiện trạng thị trường LNG, xu hướng phát triển toàn cầu, và khả năng Việt Nam tham gia chuỗi giá trị LNG quốc tế đã được thảo luận kỹ lưỡng. Các chuyên gia quốc tế và đại diện doanh nghiệp đã cung cấp những nhìn nhận sâu rộng về xu hướng tương lai, đề xuất các giải pháp tài chính linh hoạt và các cơ chế hợp tác công - tư nhằm thu hút đầu tư quốc tế vào Việt Nam.

Bà Đặng Thị Thủy - Trung tâm Thông tin và Công nghiệp (Bộ Công Thương)

Bà Đặng Thị Thủy - Trung tâm Thông tin và Công nghiệp (Bộ Công Thương)

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Đặng Thị Thủy - Trung tâm Thông tin và Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng việc sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vẫn chưa thực sự là giải pháp tối ưu và bền vững vì tính khả dụng về mặt kinh tế, kỹ thuật còn chưa cao. Năng lượng mặt trời không thể phát điện vào ban đêm, năng lượng gió phụ thuộc vào tốc độ của gió, trong khi công nghệ pin lưu trữ chưa đáp ứng.

Vì vậy, dùng khí tự nhiên là giải pháp tối ưu để cắt giảm lượng phát thải carbon. So với than đá, khí đốt chỉ tạo ra 1/2 lượng CO2 và 1/10 chất gây ô nhiễm không khí khác (Oxit Nitơ, Oxit lưu huỳnh, bụi...). Các nhà máy khí đốt rẻ hơn các nhà máy sử dụng than làm nhiên liệu, quá trình xây dựng nhanh hơn và linh hoạt hơn - dễ dàng khởi động, hoặc dừng hoạt động.

“LNG không chỉ là một "giải pháp môi trường" có tiềm năng, thay thế hữu hiệu các nguồn năng lượng truyền thống, mà còn trở thành một yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng trên thế giới”, bà Thủy nhấn mạnh.

Với Việt Nam, Chính phủ đã khẳng định: “Không đánh đổi môi trường, an sinh xã hội lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.

Để thực hiện mục tiêu này, bà Thủy cho rằng nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) chính là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

ThS. Nguyễn Đức Tùng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương

ThS. Nguyễn Đức Tùng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương

ThS. Nguyễn Đức Tùng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho biết, hiện tổng công suất LNG hóa lỏng toàn cầu đạt khoảng 482,5 MT với tỷ lệ vận hành trung bình của các nhà máy là 88,7% trong năm 2023. Mỹ là quốc gia có công suất hóa lỏng lớn nhất, khoảng 91,4 triệu tấn mỗi năm (MTPA), tiếp theo là Australia với công suất 87,6 MTPA và Qatar với 77,1 MTPA.

Bên cạnh các nhà máy đang vận hành, trong năm 2023, toàn thế giới có khoảng 58,8 MTPA được chấp thuận đầu tư hoặc đang triển khai đầu tư và khoảng 1.046 MTPA tiềm năng đang thực hiện đánh giá tiền khả thi.

Năm 2023, Việt Nam chính thức ghi tên vào bản đồ LNG toàn cầu với vai trò là nhà nhập khẩu mới. Với địa lý thuận lợi, gần các tuyến hàng hải quốc tế, hệ thống cảng biển hiện đại, gần các trung tâm LNG lớn của Đông Nam Á, cùng với sự cam kết chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, Việt Nam đang được biết đến là một nhà nhập khẩu tiềm năng và tương lai sẽ là “mắt xích” quan trọng trong chuỗi LNG toàn cầu nói chung và của khu vực Đông Nam Á nói riêng

Toàn cảnh Diễn đàn

Toàn cảnh Diễn đàn

Do mới phát triển nên lượng tiêu thụ LNG của Việt Nam còn thấp. Năm 2023, tổng sản lượng nhập khẩu đạt xấp xỉ 0,1 MT, chỉ chiếm 0,2% tổng lượng LNG nhập khẩu toàn cầu. Tuy nhiên, với vai trò là nguồn năng lượng quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi năng lượng, đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, nhu cầu LNG của Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng. Dự báo, nhu cầu LNG của Việt Nam sẽ khoảng từ 15-20 MTPA vào năm 2030 và khoảng từ 20-25 MTPA vào năm 2035. Vì vậy, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng LNG tại Việt Nam, gia tăng vị thế trong chuỗi LNG toàn cầu cũng là nhu cầu phát triển tất yếu.

Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng trong phát triển hạ tầng LNG, đánh dấu vai trò mới trong chuỗi cung ứng LNG toàn cầu. Kho cảng LNG Thị Vải, một trong những dự án tiên phong, đã đi vào vận hành với công suất giai đoạn đầu đạt 1 MTPA và dự kiến mở rộng lên 3 MTPA, trở thành hình mẫu cho các cơ sở tương lai.

Một góc kho cảng Thị Vải

Một góc kho cảng Thị Vải

Ngành LNG tại Việt Nam mới ở giai đoạn đầu phát triển và còn tồn tại nhiều thách thức, hạn chế. Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho biết: Bên cạnh việc Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đầu tư và phát triển ngành Dầu khí, có định hướng phát triển theo từng thời kỳ, nhu cầu sử dụng các sản phẩm khí xanh, sạch ngày càng cao, thì các cơ chế, chính sách mới đang được hoàn thiện; giá điện LNG cao hơn so với giá các nguồn điện truyền thống dẫn đến khó cạnh tranh; chi phí đầu tư cao do công nghệ phức tạp và có bản quyền, thị trường toàn cầu biến động.

Diễn đàn Chuỗi Phân phối LNG Toàn cầu không chỉ là nơi chia sẻ kinh nghiệm và nghiên cứu, mà còn là bước tiến quan trọng trong việc định hình vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị năng lượng khu vực và quốc tế. Với các dự án đang triển khai và những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, Việt Nam đang từng bước khẳng định vai trò là một đối tác chiến lược trong chuỗi cung ứng LNG toàn cầu, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển năng lượng bền vững và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Thùy Trang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/viet-nam-ghi-dau-tren-ban-do-lng-toan-cau-131305.htm
Zalo