Việt Nam duy trì mức phát triển con người cao

Báo cáo Phát triển con người năm 2025 của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) vừa công bố cho thấy, tiến trình phát triển con người toàn cầu đang chững lại ở mức chưa từng có kể từ năm 1990, đòi hỏi những hành động quyết đoán hơn để tránh nguy cơ tụt hậu kéo dài. Trí tuệ nhân tạo (AI) được kỳ vọng sẽ trở thành động lực phát triển mới, trong bối cảnh người dân thế giới đang có cái nhìn thực tế nhưng đầy hy vọng vào công nghệ này.

Việt Nam duy trì đà tiến bộ ấn tượng

Theo báo cáo với chủ đề “Kỷ nguyên AI và lựa chọn Phát triển Con người”, Việt Nam tiếp tục được xếp vào nhóm quốc gia có mức phát triển con người cao với Chỉ số Phát triển Con người (HDI) đạt 0,766 trong năm 2023, xếp hạng 93/193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là kết quả của quá trình phát triển liên tục và bền vững trong hơn ba thập niên qua, khi chỉ số HDI của Việt Nam đã tăng mạnh từ mức 0,499 vào năm 1990 – tương ứng mức tăng 53,5%.

Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng mức tiến bộ này chưa phản ánh đầy đủ những bất bình đẳng tồn tại trong xã hội. Khi điều chỉnh theo bất bình đẳng trong ba lĩnh vực cốt lõi – y tế, giáo dục và thu nhập – chỉ số HDI của Việt Nam giảm xuống còn 0,641, tương ứng mức tổn thất 16,3%. Mức tổn thất này tương đương với trung bình khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho thấy vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện chất lượng phát triển mang tính bao trùm.

Thế giới chững lại, mức tăng trưởng HDI thấp nhất trong hơn 30 năm

Khác với kỳ vọng về một đà phục hồi mạnh mẽ sau hai năm khủng hoảng toàn cầu do đại dịch COVID-19, báo cáo năm nay của UNDP cảnh báo rằng mức tiến bộ hiện tại trong phát triển con người yếu hơn nhiều so với kỳ vọng. Nếu loại trừ hai năm khủng hoảng 2020–2021, tốc độ tăng trưởng HDI toàn cầu năm 2024 được dự báo là thấp nhất kể từ năm 1990 – dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy thế giới đang đối mặt với một giai đoạn trì trệ kéo dài.

Tốc độ tăng trưởng HDI toàn cầu đang chững lại

Tốc độ tăng trưởng HDI toàn cầu đang chững lại

Sự phân hóa giữa các quốc gia cũng ngày càng rõ rệt. Bất bình đẳng giữa các nước có HDI thấp và rất cao đã tăng năm thứ tư liên tiếp, đảo ngược xu thế thu hẹp khoảng cách từng duy trì ổn định trong nhiều năm trước đó.

Ông Achim Steiner, Tổng Giám đốc UNDP, cảnh báo: “Trong nhiều thập kỷ, chúng ta đã tiến gần đến mục tiêu xây dựng một thế giới có chỉ số phát triển con người rất cao vào năm 2030. Nhưng đà chững lại hiện nay đang đe dọa nghiêm trọng tới tiến trình đó. Nếu mức tiến bộ chậm của năm 2024 trở thành ‘bình thường mới’, thì cột mốc 2030 có thể bị trì hoãn hàng thập kỷ – khiến thế giới kém an toàn hơn, chia rẽ hơn và dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc kinh tế và môi trường.”

AI: Cơ hội mới cho phát triển con người

Báo cáo cho biết bất bình đẳng giữa các quốc gia có chỉ số HDI thấp và rất cao tiếp tục gia tăng năm thứ tư liên tiếp, đảo ngược xu hướng lâu dài trước đó về thu hẹp khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo. Tại các quốc gia có chỉ số HDI thấp, những thách thức phát triển ngày càng nghiêm trọng, do căng thẳng thương mại gia tăng, khủng hoảng nợ trầm trọng hơn và hiện tượng công nghiệp hóa không tạo ra việc làm. Báo cáo nhấn mạnh rằng, AI đang mở ra những cơ hội lớn để tái khởi động tiến trình phát triển, nếu được khai thác đúng cách.

“Giữa bối cảnh bất ổn toàn cầu, chúng ta cần nhanh chóng tìm ra những hướng đi mới cho phát triển,” ông Steiner nhấn mạnh. “Khi AI tiếp tục phát triển nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, chúng ta cần cân nhắc tiềm năng phát triển mà công nghệ này mang lại. Dù AI không phải là giải pháp vạn năng, các lựa chọn mà chúng ta đưa ra có thể khơi lại đà phát triển con người và mở ra những hướng đi và cơ hội mới.”

Báo cáo cũng công bố một khảo sát toàn cầu về nhận thức của người dân đối với AI, cho thấy cái nhìn thực tế nhưng lạc quan của xã hội với công nghệ này. Dù một nửa số người được hỏi cho rằng công việc của họ có thể bị tự động hóa, thì 60% vẫn kỳ vọng AI sẽ tạo ra tác động tích cực tới việc làm, mở ra những ngành nghề mới trong tương lai.

Chỉ có 13% người tham gia khảo sát lo ngại mất việc làm vì AI. Đáng chú ý, tại các quốc gia có HDI thấp và trung bình, 70% tin rằng AI sẽ giúp họ tăng năng suất, và hai phần ba kỳ vọng sẽ sử dụng AI trong giáo dục, y tế hoặc công việc trong vòng một năm tới.

Lấy con người làm trung tâm trong phát triển AI

Báo cáo của UNDP kêu gọi một cách tiếp cận "lấy con người làm trung tâm" trong phát triển và ứng dụng AI – một phương thức có thể tái định hình toàn diện cách thức phát triển của các quốc gia. Theo ông Pedro Conceição, Giám đốc Văn phòng Báo cáo Phát triển Con người của UNDP, “những lựa chọn mà chúng ta đưa ra trong những năm tới sẽ định hình di sản của quá trình chuyển đổi công nghệ này đối với phát triển con người. Với chính sách phù hợp và sự tập trung vào con người, AI có thể trở thành cầu nối đến với tri thức, kỹ năng và ý tưởng mới – giúp trao quyền cho mọi người, từ người nông dân đến các chủ doanh nghiệp nhỏ.”

Báo cáo xác định ba lĩnh vực hành động then chốt để khai thác AI phục vụ cho phát triển con người: (i) Xây dựng nền kinh tế trong đó con người hợp tác, thay vì cạnh tranh với AI; (ii) Đảm bảo con người giữ vai trò chủ động trong toàn bộ vòng đời phát triển AI – từ thiết kế đến triển khai; (iii) Hiện đại hóa hệ thống giáo dục và y tế để đáp ứng các yêu cầu của thế kỷ 21.

Hiện tại, khoảng 1/5 người được khảo sát cho biết đã từng sử dụng AI. Tại các nước có chỉ số HDI thấp, hai phần ba người dân dự kiến sẽ ứng dụng AI vào giáo dục, y tế hoặc công việc trong năm tới. Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh rằng việc tiếp cận công nghệ vẫn chưa đủ – thách thức thực sự nằm ở chỗ AI có giúp bổ sung và hỗ trợ hiệu quả cho năng lực của con người hay không.

Lê Đỗ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/viet-nam-duy-tri-muc-phat-trien-con-nguoi-cao-163879.html
Zalo