Việt Nam được đề cử làm Chủ tịch Hội nghị kiểm điểm lần thứ 11 Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào năm 2026
Từ ngày 28/4-9/5, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) đã diễn ra Phiên họp thứ ba và cuối cùng của Ủy ban Trù bị (PrepCom 3) để chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị kiểm điểm lần thứ 11 (RevCon11) Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào năm 2026.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang Việt Nam, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, phát biểu tại Phiên họp thứ ba và cuối cùng của PrepCom 3.
Phiên họp có sự tham dự của đại diện 191 nước thành viên Hiệp ước và hơn 80 tổ chức quốc tế, phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân (VKHN).
Phát biểu tại Phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) chia sẻ quan ngại chung về tình hình an ninh quốc tế hiện nay liên quan giải trừ và chống phổ biến VKHN; nhấn mạnh các nước sở hữu VKHN có trách nhiệm đi đầu, thể hiện ý chí chính trị và có hành động cụ thể trong thực hiện các nghĩa vụ giải trừ và không phổ biến VKHN theo NPT.
Đại sứ bày tỏ ủng hộ việc sớm đưa Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) đi vào hiệu lực và thực hiện Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) để bổ trợ NPT, thành lập và duy trì các khu vực phi VKHN, trong đó có Đông Nam Á (SEANWFZ) và nỗ lực thúc đẩy đối thoại, giải quyết hòa bình các quan ngại hạt nhân.
Nhấn mạnh việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình ngày càng thiết yếu để phát triển bền vững và giải quyết các thách thức toàn cầu, Trưởng đoàn Việt Nam đề nghị tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển trong chuyển giao công nghệ, năng cao năng lực phát triển và ứng dụng công nghệ hạt nhân để đóng góp cho tiến bộ và ổn định chung.
Nhân dịp này, Đại sứ Đặng Hoàng Giang tái khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong cam kết thực hiện các mục tiêu NPT và quyền chính đáng của các quốc gia trong sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Việt Nam ưu tiên thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng hạt nhân trong nhiều lĩnh vực như y tế, bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; Việt Nam cũng vừa khởi động lại dự án nhà máy điện hạt nhân nhằm đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đặc biệt, Phiên họp PrepCom3 đã nhất trí đề cử Việt Nam vào vị trí Chủ tịch của Hội nghị kiểm điểm NPT lần thứ 11 trong năm 2026 trên cơ sở tiến cử của 120 nước thành viên Phong trào Không liên kết (NAM).
Quyết định này thể hiện sự ghi nhận và tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy giải trừ, không phổ biến VKHN và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, cũng như sự kỳ vọng về vai trò và năng lực của Việt Nam trong điều hành, dẫn dắt một trong những tiến trình chính trị - an ninh quốc tế quan trọng nhất hiện nay trong khuôn khổ Liên hợp quốc.
Tại phiên bế mạc, Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu cảm ơn sự tin tưởng, ủng hộ của các nước và nhấn mạnh Việt Nam sẽ nỗ lực cùng các nước thực hiện tiến trình kiểm NPT đạt kết quả đáp ứng mong đợi của cộng đồng quốc tế.
Trưởng đoàn Việt Nam cũng khẳng định sẽ tham vấn sâu rộng với các nước, nhóm khu vực và các bên liên để thu hẹp khác biệt và thúc đẩy đồng thuận trong tiến trình này.
Hội nghị kiểm điểm NPT lần thứ 11 sẽ được tổ chức từ 27/4-22/5/2026. Việt Nam sẽ chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch khi Hội nghị bắt đầu song từ nay đến thời điểm đó. Việt Nam sẽ cần triển khai ngay các công tác hậu cần tổ chức, tiến hành tham vấn với các nước, nhóm nước, nhóm khu vực, các bên liên quan, dự thảo các tài liệu Hội nghị, đặc biệt là Văn kiện cuối cùng – văn kiện có ý nghĩa rất quan trọng về mặt chính trị, cũng như định hướng chiến lược cho việc thực hiện NPT.
Quá trình chuẩn bị và thành công của Hội nghị đòi hỏi vai trò rất lớn của Chủ tịch trong điều hành, điều phối, dẫn dắt, định hướng, điều hòa các quan điểm, quan tâm, thúc đẩy trao đổi, đàm phán, thỏa hiệp giữa các nước, nhóm nước, nhất là các nhóm có sự khác biệt lớn là các nước sở hữu và không sở hữu VKHN.
NPT được ký năm 1968, có hiệu lực từ năm 1970, hiện có 191 quốc gia thành viên (các nước không phải thành viên là Ấn Độ, Israel, Pakistan, Nam Sudan; Triều Tiên rút khỏi NPT năm 2003). NPT đóng vai trò trung tâm trong các cơ chế không phổ biến, giải trừ quân bị với 3 nội dung trụ cột bao gồm: (i) Chống phổ biến VKHN; (ii) Giải trừ VKHN; và (iii) sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Đến nay Hiệp ước tiếp tục là điều ước quốc tế mang tính toàn diện nhất, có sự tham gia của 5 nước sở hữu VKHN được thừa nhận, đồng thời là các nước Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.
Kể từ khi NPT có hiệu lực năm 1970, Hội nghị Kiểm điểm NPT được tổ chức 5 năm một lần nhằm bàn về các biện pháp thúc đẩy việc thực hiện và tăng cường tính phổ cập của Hiệp ước. Đến nay các nước đã tổ chức 10 Hội nghị kiểm điểm (1975, 1980, 1985, 1990, 1995, 2000, 2005, 2010, 2015 và 2022).