Việt Nam đứng ở đâu trên bản đồ khoa học, công nghệ thế giới?
So với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, số lượng bằng sáng chế và công trình nghiên cứu khoa học của Việt Nam còn thấp. Chất lượng thường bị đánh giá là chưa đáp ứng được kỳ vọng trong việc tạo ra giá trị thực tiễn.
"Phấn đấu đến năm 2030 phải có 100 phát minh, sáng chế, công trình khoa học trong bảng xếp hạng của khoa học thế giới; ít nhất 03 tạp chí khoa học của Việt Nam đạt trình độ khu vực và trên thế giới; đến năm 2045, đội ngũ trí thức Việt Nam đứng đầu khu vực, thuộc tốp đầu thế giới; có hàng trăm nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực”, đó là yêu cầu của Tổng bí thư Tô Lâm tại cuộc gặp mặt giới trí thức và các nhà khoa học Việt Nam hôm 30/12/2024. Vậy làm sao để đạt được mục tiêu này?
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra mục tiêu rất cao:
Đến năm 2030: Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao; Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế - xã hội; Xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam nằm trong top 30 thế giới; Kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP, năng suất lao động tăng trung bình 7,5%/năm.
Đến năm 2045: trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao;Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được phát triển ở trình độ cao với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hiện đại; Nền kinh tế số phát triển mạnh, góp phần quan trọng vào sự thịnh vượng và bền vững quốc gia.
Mục tiêu rất cao này cho giới khoa học và công nghệ Việt Nam là một minh chứng rõ ràng cho tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước trong việc khẳng định vai trò của khoa học, công nghệ, và văn hóa trong công cuộc phát triển đất nước. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn, đòi hỏi sự nỗ lực toàn diện từ các nhà khoa học, doanh nghiệp, chính phủ và cả xã hội.
Trước khi nói về việc làm thế nào để đạt được những chỉ tiêu mà Tổng bí thư đã nêu trên, chúng ta cùng nhau xem xét một bức tranh tổng thể Việt Nam đang nằm ở đâu trên bản đồ khoa học, công nghệ thế giới.
- Về bằng sáng chế:
Theo thống kê từ Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) thì Việt Nam, năm 2022, số lượng bằng sáng chế đăng ký quốc tế theo Hiệp ước Hợp tác Sáng chế (PCT) đạt khoảng 25-30 bằng sáng chế/năm. Trong khi đó, cùng năm, Singapore có hơn 1.200; Thái Lan: khoảng 160-200; Malaysia: khoảng 200-300 bằng sáng chế/năm.
Từ năm 2006 đến 2010, Việt Nam, với số dân khoảng 100 triệu, chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có 1 bằng sáng chế. Năm 2011, không có bằng sáng chế nào được đăng ký.
Trong khi đó, Singapore, năm 2011, với dân số khoảng 4,8 triệu người, có 647 bằng sáng chế đăng ký tại Mỹ, tương đương khoảng 134,8 bằng sáng chế trên một triệu dân. Malaysia: Với dân số khoảng 27,9 triệu người, có 161 bằng sáng chế đăng ký tại Mỹ trong năm 2011, tương đương khoảng 5,8 bằng sáng chế trên một triệu dân. Thái Lan: Với dân số khoảng 68,1 triệu người, có 53 bằng sáng chế đăng ký tại Mỹ cũng trong năm 2011, tương đương khoảng 0,8 bằng sáng chế trên một triệu dân.
Còn với các nước có nền khoa học, công nghệ phát triển cao hơn như Hàn Quốc thì năm 2011, có 12.262 bằng sáng chế đăng ký tại Mỹ. Với dân số khoảng 50 triệu người, tương đương khoảng 245,2 bằng sáng chế trên một triệu dân. Nhật Bản: cùng năm, có 46.139 bằng sáng chế đăng ký tại Mỹ. Với dân số khoảng 127 triệu người, tương đương khoảng 363,7 bằng sáng chế trên một triệu dân.
Điều đặc biệt đáng nói là càng ngày số lượng đơn xin đăng ký bằng sáng chế liên quan đến Trí tuệ nhân tạo (AI) của các nước tăng đột biến.
Theo “Báo cáo tình hình cấp bằng AI tạo sinh”, trong 10 năm qua (2014 - 2023), số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế liên quan đến AI tạo sinh toàn cầu đã lên tới 54.000, trong đó hơn 25% số bằng sáng chế được công bố vào cuối năm 2023.
Hầu hết các bằng sáng chế AI tạo sinh (GenAI) cho đến nay đều được nộp từ Trung Quốc, với hơn 38.000 (trong khoảng từ năm 2014 đến năm 2023). Con số này nhiều gấp 6 lần so với Mỹ, ở vị trí thứ hai, với 6.276 sáng chế. Hàn Quốc đứng thứ ba với 4.155 sáng chế, tiếp theo là Nhật Bản với 3.409 sáng chế. Ấn Độ, nơi có 1.350 bằng sáng chế GenAI được nộp, có tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm cao nhất ở mức 56%.
Còn đối với Việt Nam, hiện chưa có tài liệu nào đề cập đến số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế liên quan đến lĩnh vực AI tạo sinh.
- Số lượng công trình nghiên cứu khoa học trên đầu người:
Trong giai đoạn 2001-2015, các nhà khoa học Việt Nam đã công bố 18.076 bài báo khoa học trên các tạp chí trong danh mục ISI (Institute of Scientific Information, Mỹ). Với dân số khoảng 100 triệu người, tương đương khoảng 0,2 bài báo trên một nghìn dân.
Trong cùng giai đoạn, Singapore công bố 7.605 bài báo khoa học. Với dân số khoảng 5,5 triệu người (năm 2015), tương đương khoảng 1,38 bài báo trên một nghìn dân. Malaysia công bố 11.681 bài báo khoa học. Với dân số khoảng 30 triệu người (năm 2015), tương đương khoảng 0,39 bài báo trên một nghìn dân. Thái Lan công bố 23.550 bài báo khoa học. Với dân số khoảng 68 triệu người (năm 2015), tương đương khoảng 0,35 bài báo trên một nghìn dân.
Như vậy, so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, số lượng bằng sáng chế và công trình nghiên cứu khoa học trên đầu người của Việt Nam còn thấp. Hơn nữa, chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học và bằng sáng chế tại Việt Nam thường bị đánh giá là chưa đáp ứng được kỳ vọng trong việc tạo ra giá trị thực tiễn và tác động đến sản xuất, kinh doanh.
- Về các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới:
Việt Nam chúng ta hiện có khoảng 14 tạp chí được chỉ mục trong Scopus (cơ sở dữ liệu của các bài báo khoa học từ nhiều lĩnh vực khác nhau của Nhà xuất bản Elsevier- Hà Lan) và Web of Science (WoS- cơ sở dữ liệu trích dẫn khoa học uy tín và toàn diện, một công cụ không thể thiếu cho các nhà nghiên cứu, học giả và các cơ quan nghiên cứu trên toàn thế giới), tính đến năm 2024. Còn trong hệ thống ASEAN Citation Index (ACI), Việt Nam có 26 tạp chí được công nhận.
Nếu so sánh trong khu vực Đông Nam Á thì chúng ta thấy, Thái Lan dẫn đầu khu vực ASEAN với hơn 200 tạp chí được chỉ mục trong ACI và gần 50 tạp chí trong Scopus.
Malaysia có khoảng 40 tạp chí được chỉ mục trong Scopus; Indonesia sở hữu hơn 60 tạp chí được chỉ mục trong Scopus, nhờ chính sách hỗ trợ xuất bản khoa học và sự gia tăng nhanh chóng về chất lượng các tạp chí trong nước.
Singapore, dù số lượng tạp chí ít hơn, nhưng chất lượng các tạp chí của Singapore rất cao, với nhiều tạp chí trong danh mục WoS thuộc nhóm Q1 và Q2.
Còn nếu so sánh với các nước phát triển hàng đầu thế giới chúng ta thấy sự chênh lệch là cực kỳ lớn: Mỹ và Anh, các quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng tạp chí được chỉ mục, với hàng ngàn tạp chí uy tín trong cả Scopus và WoS. Các tạp chí từ các nước này thường chiếm phần lớn trong danh mục Q1.
Trung Quốc hiện đang vươn lên mạnh mẽ với hơn 7,000 tạp chí khoa học được chỉ mục trong Scopus. Ấn Độ có khoảng 600 tạp chí được chỉ mục trong Scopus, tập trung vào các lĩnh vực như y học, công nghệ và khoa học tự nhiên. Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có hàng trăm tạp chí khoa học được công nhận, với trọng tâm lớn ở công nghệ và khoa học tự nhiên.
- Về các nhà khoa học có ảnh hưởng lớn trên thế giới:
Theo số liệu hiện tại, Việt Nam hiện có khoảng 9.000 Giáo sư và Phó giáo sư, khoảng 24.000 Tiến sĩ và hơn 100.000 Thạc sĩ. Trong số này, tính đến năm 2024, có 743 Giáo sư và 5.629 Phó giáo sư đang công tác toàn thời gian tại các cơ sở giáo dục đại học, cùng với 23.776 tiến sĩ.
Số lượng tiến sĩ ở Mỹ chiếm khoảng 1,12% dân số, tức là gấp 41 lần so với tỷ lệ tiến sĩ ở Việt Nam. Trung Quốc: mặc dù không có số liệu cụ thể về tỷ lệ tiến sĩ trong dân số, nhưng Trung Quốc có số lượng viện sĩ cao, với 10 viện sĩ mới được bầu chọn vào Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (TWAS) trong năm 2024, đứng đầu cùng với Brazil. Trong cùng đợt bầu chọn, Việt Nam có 2 giáo sư được bầu làm viện sĩ TWAS.
Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện sự coi trọng và đầu tư mạnh mẽ cho khoa học và công nghệ, coi đây là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chiến lược, và chính sách quan trọng, như Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2030. Những văn bản này đặt mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, và chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực.
Khoa học và công nghệ được xác định là “quốc sách hàng đầu” và là nhân tố then chốt trong việc hiện đại hóa và phát triển đất nước. Ngân sách Nhà nước dành cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã được nâng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thông tin, và năng lượng tái tạo. Các khu công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu, và viện hàn lâm được đầu tư để hỗ trợ các nhà khoa học và doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển (R&D).
Tuy nhiên, nhìn rộng ra thì thấy, số lượng nhà khoa học Việt Nam trong các bảng xếp hạng quốc tế vẫn còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chẳng hạn, Trung Quốc và Ấn Độ có hàng nghìn nhà khoa học nằm trong các bảng xếp hạng này, nhờ vào sự đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển. Các nước như Singapore, Malaysia và Thái Lan cũng có số lượng nhà khoa học được công nhận quốc tế cao hơn Việt Nam, phản ánh chính sách hỗ trợ nghiên cứu hiệu quả và môi trường khoa học thuận lợi.
Còn TS Nguyễn Ngọc Chu thì nhận xét, nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam tập trung vào lĩnh vực lý luận, mô hình xã hội hoặc vấn đề mang tính học thuật cao mà ít chú trọng vào giải quyết các vấn đề cụ thể trong sản xuất, kinh doanh. Phần lớn các kết quả nghiên cứu không chuyển hóa thành sản phẩm hoặc công nghệ có thể ứng dụng rộng rãi. Điều này dẫn đến sự lãng phí tài nguyên và nguồn lực.
Bằng sáng chế tại Việt Nam thường tập trung vào cải tiến nhỏ, chưa đạt đến mức đổi mới sáng tạo đột phá để tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Các bằng sáng chế chưa được tích hợp vào quy trình sản xuất và kinh doanh, dẫn đến việc không được sử dụng hoặc thương mại hóa.
Về nguyên nhân dẫn đến hạn chế này thì nhiều, nhưng theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Việt Nam chưa có chiến lược rõ ràng để thúc đẩy nghiên cứu theo hướng giải quyết bài toán thực tiễn, đáp ứng nhu cầu thị trường và doanh nghiệp. Các quỹ tài trợ nghiên cứu thường ưu tiên các công trình mang tính lý luận hoặc theo định hướng của cơ quan quản lý, thay vì tập trung vào các nghiên cứu ứng dụng.
Còn TS Nguyễn Ngọc Chu thì cho rằng, hệ thống giáo dục chưa khuyến khích tư duy sáng tạo và đổi mới, dẫn đến việc các nhà nghiên cứu chưa tiếp cận được những vấn đề thực tiễn của nền kinh tế. Việc thiếu ứng dụng từ nghiên cứu khoa học và bằng sáng chế khiến cho Việt Nam chưa tận dụng được tiềm năng khoa học để cải thiện năng suất lao động và hiệu quả sản xuất. Khi các công nghệ, sản phẩm sáng chế không đạt tiêu chuẩn hoặc không có tính cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam khó nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Để hiện thực hóa những chỉ tiêu mà Tổng Bí thư đề ra “đến năm 2030 phải có 100 phát minh, sáng chế, công trình khoa học trong bảng xếp hạng của khoa học thế giới; ít nhất 03 tạp chí khoa học của Việt Nam đạt trình độ khu vực và trên thế giới; đến năm 2045, đội ngũ trí thức Việt Nam đứng đầu khu vực, thuộc tốp đầu thế giới; có hàng trăm nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực” Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng khoa học- công nghệ Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Trong khi đó, theo nhiều nhà khoa học mà chúng tôi trao đổi, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Trước hết, cần tăng cường đầu tư vào khoa học và công nghệ: “Rất may mắn là Nghị quyết 57 của Bộ chính trị đã xác định rất rõ là “kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP (thay vì 0,4-0,5% như trước đây- NV), trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển”. Đây là yếu tố then chốt để khoa học, công nghệ phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu chất lượng cao”- TS Nguyễn Ngọc Chu chia sẻ với VietTimes.
Chi phí cho nghiên cứu và phát triển như vậy là một quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước ta, nếu so sánh với các nước trong khu vực. Singapore: là trên 2% GDP, tập trung vào các ngành công nghệ cao như AI, công nghệ sinh học. Malaysia: khoảng 1,0% đến 1,5% GDP, tập trung vào công nghệ và sản xuất công nghiệp. Thái Lan: khoảng 1% GDP, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thông minh và công nghiệp sáng tạo. Các nước phát triển: Như Mỹ, Nhật Bản, Đức chi trên 2,5% GDP cho R&D.
Hai là tạo môi trường khuyến khích sáng tạo: Cải cách thủ tục đăng ký bằng sáng chế để đơn giản hóa quy trình. Ban hành chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp và cá nhân tham gia nghiên cứu khoa học.
Ba là khuyến khích công bố quốc tế: Hỗ trợ các nhà khoa học trong việc công bố nghiên cứu trên các tạp chí khoa học uy tín, đồng thời xây dựng hệ thống đánh giá và khen thưởng phù hợp. Tăng cường hợp tác với các nước tiên tiến trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong các lĩnh vực như AI, công nghệ sinh học, và năng lượng tái tạo.
Tạo điều kiện để các nhà khoa học Việt Nam tham gia nhiều hơn vào các diễn đàn và tổ chức khoa học quốc tế.
Bốn là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: Xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu, liên kết với các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới. Phát triển chính sách đãi ngộ tốt hơn để thu hút nhân tài, cả trong nước và từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Năm là xây dựng hệ sinh thái khoa học và công nghệ: Phát triển các khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo trên khắp cả nước. Thúc đẩy sự liên kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, và doanh nghiệp để ứng dụng nhanh chóng các kết quả nghiên cứu vào thực tế.
Ngoài ra, theo nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, thì “Việt Nam cần cải tổ mạnh mẽ trong cách tiếp cận và triển khai nghiên cứu khoa học để biến những sáng chế và công trình thành giá trị thực tiễn. Chỉ khi đó, khoa học và đổi mới sáng tạo mới thực sự góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế và xã hội. Các cơ quan quản lý cần định hướng nghiên cứu khoa học tập trung vào giải quyết các vấn đề thực tế, đặc biệt là trong sản xuất, kinh doanh, và công nghệ”.
Khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong việc đặt bài toán và hỗ trợ triển khai kết quả nghiên cứu. Hỗ trợ các nhà khoa học và doanh nghiệp hợp tác để tạo ra các sản phẩm cụ thể có khả năng thương mại hóa. Cần xây dựng cơ chế bảo vệ và khuyến khích những sáng tạo mới, giúp nhà khoa học tập trung vào các nghiên cứu có giá trị gia tăng cao.
Tóm lại mục tiêu của Tổng Bí thư đề ra cho cộng đồng khoa học, công nghệ là rất thách thức nhưng hoàn toàn khả thi nếu chúng ta có những bước đi đột phá. Bên cạnh sự nỗ lực của giới khoa học, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Nhà nước và doanh nghiệp. Việc đạt được những mục tiêu này không chỉ nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ khoa học thế giới mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
14 tạp chí khoa học của Việt Nam được chỉ mục trên Scopus và Web of Science
Nguồn: Dự án Thông tin khoa học giáo dục Adubiz