Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về số ca ghép tạng
Với hơn 1.000 ca ghép tạng mỗi năm, Việt Nam hiện đang đứng đầu Đông Nam Á về vấn đề này. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước có 28 ca hiến mô, tạng - tăng gấp đôi so với năm 2023, đây cũng là con số kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay.
Chuyển giao sự sống
TS Phạm Gia Khánh - Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam cho biết: Tại Việt Nam, ca ghép thận đầu tiên, cũng là ca ghép tạng đầu tiên được thực hiện vào năm 1992 với sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài. Tính tới đầu năm 2024, đã có hơn 9.000 ca ghép tạng được thực hiện, trong đó có hơn 7.000 ca ghép thận, 500 trường hợp ghép gan… đồng nghĩa với từng đó con người được nối dài, kéo dài sự sống. Trong 2 năm gần đây, mỗi năm các bác sĩ tại Việt Nam ghép hơn 1.000 ca ghép tạng trở thành nước đứng đầu Đông Nam Á về số ca ghép tạng mỗi năm. Thành tựu này thể hiện rõ những tiến bộ vượt bậc về trình độ, kỹ thuật chuyên môn sâu và kinh nghiệm của ngành y tế Việt Nam trong lĩnh vực ghép tạng.
Một ca lấy ghép tạng xuyên Việt được thực hiện gần đây nhất, chiều tối 16/10, người bệnh L.T. S. (36 tuổi, ở Hà Nam) thấy đau đầu dữ dội, tê bì chân tay đã được đưa đi cấp cứu. Trên đường đi cấp cứu, bệnh nhân đã mất ý thức, hôn mê, co giật chân tay. Sau 10 ngày nỗ lực điều trị hồi sức tích cực, nhưng người bệnh hôn mê sâu dần, mất các phản xạ và có nguy cơ chết não.
Qua nhiều cuộc hội chẩn toàn viện, với nhận định bệnh nhân có nguy cơ cao chết não đến gần, nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai đã giải thích về tiên lượng người bệnh với gia đình, trao đổi với gia đình người bệnh về chương trình hiến mô, bộ phận cơ thể người của quốc gia, mục đích và ý nghĩa nhân văn cao đẹp là cứu người - “Cho đi là còn mãi”. Gia đình người bệnh đã thấu hiểu những lời chia sẻ của các y bác sĩ, nhân viên y tế, hiểu rõ quá trình tận tâm, tận lực bằng mọi giá cứu người bệnh của tập thể thầy thuốc Bạch Mai và bày tỏ nguyện vọng được hiến tạng người bệnh để cứu người.
Nhận tin từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia có người cho chết não tại Bệnh viện Bạch Mai, GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cử ekip bác sĩ phối hợp tiến hành hội chẩn, đánh giá chết não và chuẩn bị phương án hồi sức duy trì chức năng các tạng có thể hiến tặng. Sáng 26/10, sau khi có kết luận chẩn đoán người bệnh chết não lần 3, Bệnh viện Bạch Mai và ekip của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp tiến hành lấy tạng hiến tặng. Quả tim được điều phối, vận chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế để ghép cho bệnh nhân mắc bệnh cơ tim giãn, suy tim giai đoạn cuối. Ngày 12/11, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, người được ghép tim từ bệnh nhân chết não, hiến tạng chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai vào Huế đã khỏe mạnh và được ra viện.
Nghĩa cử được nhân lên
Cùng với những thành tựu trong y học ở lĩnh vực ghép tạng, càng ngày, những câu chuyện đẹp về nghĩa cử hiến tạng càng nhiều thêm và sự quan tâm của người dân, cũng như hành động đăng ký hiến mô tạng cũng ngày một gia tăng.
Chị P.T.H. (Tam Điệp, Ninh Bình), người phụ nữ 50 tuổi làm nghề buôn bán chia sẻ khi nhận được thẻ đăng ký hiến mô/tạng: “Đọc được nhiều thông tin qua báo chí, tôi mới biết một người khi chết mà còn có thể cứu được nhiều người khác. Tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ những người khác mà chưa giúp được gì cho ai. Tôi nghĩ, nếu mình chết mà vẫn còn cống hiến được cho đời thì nên làm, vì cứu một người hơn xây tháp 7 tầng”.
Hiện nay, sau 11 tháng đầu năm 2024, cả nước có 28 ca chết não hiến mô, tạng - tăng gấp đôi so với năm 2023. Đây là con số kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay. Mặc dù vậy, có một thực tế không thể phủ nhận, theo PGS.TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia là so với thế giới, con số này còn quá ít ỏi. Trong khi các nước, hiến tạng từ người cho chết não là chủ yếu, thì ở Việt Nam, nguồn tạng hiến vẫn là từ người cho sống.
“Tính từ tháng 6/1992 đến tháng 8/2024, Việt Nam đã thực hiện được 9.089 ca ghép tạng, trong đó có 8.536 ca ghép từ người cho sống, chiếm 94%; 533 từ người cho chết não, chiếm 6%. Số người chết não hiến tạng của Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thấp nhất thế giới. Thực tế này đi ngược với xu hướng của thế giới, bởi ở nhiều quốc gia, tạng hiến từ người chết não chiếm đa số” – PGS.TS Đồng Văn Hệ chia sẻ.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là nhận thức xã hội về hiến tạng còn hạn chế. Do đó, để người đăng ký hiến mô, tạng được hiến tặng mô, tạng của mình sau khi chết, cần nâng cao được nhận thức của cộng đồng về hiến mô tạng. Các chuyên gia nhận định rằng truyền thông đóng vai trò quyết định trong việc thay đổi nhận thức cộng đồng. Vì vậy, cần triển khai mạnh mẽ các chương trình tuyên truyền, đặc biệt nhấn mạnh giá trị nhân văn của việc hiến tạng và tác động tích cực đến xã hội.
Ngoài ra, có thể đưa giáo dục về hiến tạng vào chương trình học để thế hệ trẻ hiểu rõ giá trị của hành động này. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ vào quản lý và điều phối nguồn tạng hiến sẽ giúp tăng cường hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động ghép tạng.