Việt Nam đón 10 triệu lượt khách quốc tế: Còn nhiều dư địa để tăng trưởng

Với nhiều tín hiệu tích cực, ngành Du lịch có khả năng sẽ đạt và vượt mục tiêu 18-19 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024 nếu có những giải pháp đột phá mới.

Tín hiệu tích cực từ những địa phương có doanh thu tỉ đô

Du lịch đang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2024 với doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 356.400 tỉ đồng, tăng 15,2% so với nửa đầu năm 2023.

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, với lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7/2024 đạt 1,15 triệu lượt, tổng số khách quốc tế trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt gần 10 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước dịch COVID-19.

Thống kê cũng cho thấy, hầu hết thị trường đều ghi nhận tăng trưởng, trong đó châu Á tăng 57% với động lực chính từ các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Các thị trường Đông Nam Á cũng đạt tăng trưởng tốt.

 Du lịch đang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2024. Ảnh: TL

Du lịch đang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2024. Ảnh: TL

Dù đang là mùa thấp điểm của du lịch quốc tế, lượng khách từ các thị trường châu Âu trong tháng 7 vẫn gia tăng so với tháng trước. Hầu hết thị trường đều tăng trưởng khả quan, trong đó có các thị trường chính như Anh tăng 25%, Pháp tăng 33%, Nga tăng 75% hay Ý tăng 61%... Cùng với đó, hai thị trường tiềm năng khác là Úc và Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng tốt, đều đạt 27% và nằm trong top 10.

Đối với thị trường quốc tế, lượng tìm kiếm từ nước ngoài về du lịch Việt Nam cho thấy du khách quốc tế tìm kiếm nhiều nhất về TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai trung tâm trung chuyển lớn và là điểm đến lý tưởng cho du lịch thành phố, khám phá các di tích lịch sử, cũng như thưởng thức ẩm thực truyền thống đặc sắc.

Chỉ riêng TP.HCM từ đầu năm đến nay, đã liên tục tổ chức hàng loạt chương trình lễ hội hấp dẫn như: Lễ hội Áo dài, Lễ hội Tết Việt, Lễ hội Bánh mì, Lễ hội Sông nước, Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Hò Dô, Lễ hội Trái cây Nam Bộ, Liên hoan phim Quốc tế, Giải Marathon Quốc tế TP.HCM và nhiều sự kiện khác.

Những lễ hội này không chỉ mang đến trải nghiệm văn hóa phong phú cho du khách mà còn đóng góp lớn vào việc kích cầu du lịch và thúc đẩy kinh tế thành phố. Các sự kiện ngày càng được kéo dài thời gian tổ chức và bổ sung nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm giảm giá để thu hút du khách.

Xếp sau Đà Nẵng trong danh sách những điểm đến hàng đầu, đảo ngọc Phú Quốc (ở vị trí thứ 4) cho thấy sự yêu thích của du khách quốc tế đối với hòn đảo tuyệt đẹp này của Việt Nam. Tiếp theo là thành phố biển Nha Trang, phố cổ Hội An, thành phố mờ sương Đà Lạt, Phan Thiết, cố đô Huế và phố biển Vũng Tàu cũng có những hoạt động du lịch mạnh mẽ để quảng bá và thu hút khách du lịch.

Nếu như năm ngoái, chỉ có 9 địa phương có doanh thu về du lịch trong 6 tháng đầu năm trên 10.000 tỉ đồng thì năm nay con số chưa chính thức cho thấy đã có khoảng 15 địa phương đạt mức này. Đáng chú ý nhiều địa phương đã tiệm cận ngưỡng doanh thu tỉ USD như: Khánh Hòa, Quảng Ninh, Thanh Hóa... Về tốc độ tăng trưởng, ghi nhận Khánh Hòa, Bình Định là những địa phương đột phá.

Theo Sở Du lịch tỉnh Bình Định, 6 tháng đầu năm, tổng lượt du khách đến tỉnh này đạt con số 5,6 triệu (tăng hơn 106%), doanh thu ước đạt 15.000 tỉ đồng (tăng 96,9% so với cùng kỳ năm 2023). Còn tại Khánh Hòa, báo cáo từ địa phương cho biết tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Khánh Hòa đã đón gần 5,2 triệu lượt khách lưu trú, tăng 88% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt gần 2,4 triệu lượt khách, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ; khách nội địa ước đạt 2,8 triệu lượt khách, tăng 40% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch ước đạt hơn 26.072 tỉ đồng, tăng 97% so với cùng kỳ.

Ngành du lịch còn nhiều dư địa để tăng trưởng

 Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18-19 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Ảnh: IT

Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18-19 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Ảnh: IT

Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỉ đồng. Với những con số đã đạt được 6 tháng đầu năm, mục tiêu nêu trên của toàn ngành hoàn toàn có thể đạt được. Đáng chú ý, mùa cao điểm du lịch quốc tế của Việt Nam từ tháng 10 đến tháng 4 cuối năm sẽ là cơ hội cho ngành du lịch tăng tốc bứt phá.

Trong nửa cuối năm 2024, dự kiến Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài như Trung Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand, tổ chức chương trình Xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Mỹ; tham gia một số hội chợ du lịch quốc tế, trong đó có WTM 2024 tại Anh...

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, mục tiêu của doanh nghiệp trong hiệp hội đặt mục tiêu gần 20 triệu lượt khách trong năm nay. Cơ sở cho con số 20 triệu lượt khách là chính sách Visa đã có nhiều đổi mới dù chưa rộng bằng một số nước trong khu vực.

Hiện Việt Nam đang miễn Visa song phương cho 15 nước với thời gian lưu trú 45 ngày, nâng thời hạn Visa điện tử lên tới 90 ngày và đang nghiên cứu mở rộng danh sách miễn Visa đơn phương, thí điểm cấp Visa dài hạn, nhập cảnh nhiều lần...

Trước cơ hội này nhiều tỉnh thành đã sớm xây dựng kế hoạch đưa ra các sản phẩm du lịch ấn tượng. Chẳng hạn như Quảng Ninh, Đà Nẵng với việc khẳng định sức hấp dẫn đối với dòng khách du lịch tàu biển, mở nhiều cơ hội phát triển du lịch tàu biển quanh năm. Hà Nội đầu tư vào các tour du lịch đêm…

 Đảo Hòn Mun, Khánh Hòa.

Đảo Hòn Mun, Khánh Hòa.

Theo Tổ chức Du lịch thế giới, 50% khách du lịch trên toàn cầu lựa chọn các điểm đến biển đảo. Trên thực tế, đây cũng là “thỏi nam châm” thu hút tới 70% tổng lượng khách du lịch Việt Nam... Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ khai thác được khoảng 20% bãi biển dọc đất nước, tập trung chủ yếu ở những điểm đến đã phát triển du lịch từ lâu như vịnh Hạ Long, Sầm Sơn, Cửa Lò, Lăng Cô, Đà Nẵng, Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc. Điều này khiến dịp cao điểm, những vùng biển này bị quá tải, kéo theo nhiều hệ lụy về văn hóa kinh doanh, suy thoái môi trường, xung đột về sử dụng tài nguyên biển, lạm phát giá…

Theo các doanh nghiệp, trong năm 20234 nếu muốn hút khách quốc tế nhiều hơn, du lịch Việt Nam cần tập trung mạnh hơn nữa xúc tiến và quảng bá du lịch, huy động các nguồn lực với sự tham gia của các bộ, ngành.

Hiện chúng ta còn ít tàu du lịch lớn quy mô vài ngàn chỗ để phục vụ du khách Việt đi du lịch bằng đường biển ở cả trong nước và ra nước ngoài. Do đó, các chuyên gia cho rằng, ở góc độ quản lý vĩ mô, cần có chiến lược, kế hoạch khai thác du lịch biển đảo hài hòa và bền vững hơn.

Đối với du lịch nội địa, hiện vẫn đang còn rào cản là giá vé máy bay tiếp tục ở mức cao. Mặc dù các hãng bay đã đưa ra nhiều chính sách nhằm giảm giá, trong đó khuyến khích khách du lịch bay đêm, nhưng hiệu quả của việc thu hút khách từ bay đêm chưa cao do thiếu kết nối, đồng bộ giữa đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú (giờ check-in).

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần có một “nhạc trưởng” cho cả một chiến dịch du lịch tầm quốc gia để du lịch Việt mới có sự tăng trưởng bền vững.

Thủy Tiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam-don-10-trieu-luot-khach-quoc-te-con-nhieu-du-dia-de-tang-truong-post306159.html
Zalo