Việt Nam đối mặt 256 cuộc điều tra về phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu

Nhóm thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại dương đã điều tra 138/256 vụ việc phòng vệ thương mại khác nhau đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu. Ảnh: H.Phạm

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu. Ảnh: H.Phạm

Sáng 16-9, tại tỉnh Bình Dương, Bộ Công Thương chủ trì tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu hàng hóa và nâng cao năng lực ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương”.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh, trong các thị trường xuất khẩu, khu vực châu Á, châu Phi và châu Đại Dương luôn là thị trường quan trọng của Việt Nam. Trong đó có thể điểm tên những đối tác quen thuộc như: Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Singapore, Nam Phi, Australia…

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, một trong những thách thức lớn nhất là quan điểm bảo hộ, tạo ra các rào cản của các nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Trong số các biện pháp bảo hộ đó, phòng vệ thương mại nổi lên là một trong các công cụ hợp pháp, hữu hiệu và được nhiều thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sử dụng.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: H.Phạm

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: H.Phạm

Theo Bộ Công Thương, có tới 14/24 nước thuộc nhóm thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương đã điều tra 138/256 vụ việc phòng vệ thương mại khác nhau đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng bị điều tra tương đối đa dạng như vật liệu xây dựng, các sản phẩm gỗ, hóa chất, nông, lâm, thủy sản…Kim ngạch các sản phẩm bị điều tra có thể lên tới hàng tỷ USD.

Tại hội thảo, các diễn giả đến từ các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương đã cập nhật, trao đổi thông tin về tình hình thị trường, cơ hội và thách thức thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng tiềm năng sang thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương; tình hình điều tra, áp dụng và ứng phó biện pháp phòng vệ thương mại của các nước; kinh nghiệm phối hợp, ứng phó biện pháp phòng vệ thương mại từ các thị trường này.

Theo các chuyên gia, việc tạo năng lực ứng phó trước các “đòn” phòng vệ thương mại là vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp của Việt Nam để chủ động vận dụng và ứng phó kịp thời với các vụ việc về phòng vệ thương mại, nhằm bảo vệ hợp lý các nhà sản xuất hàng Việt xuất khẩu.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cho hay, thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng phó các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài đã và đang điều tra.

Về phía doanh nghiệp cũng nên chủ động tìm hiểu và nâng cao nhận thức, kỹ năng về việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Mặt khác, cần sử dụng hiệu quả các công cụ cảnh báo sớm và phối hợp đối tác ở nước ngoài để theo dõi sát tình hình.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước và dành nguồn lực phù hợp cho việc ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại.

Minh Tuấn

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/viet-nam-doi-mat-256-cuoc-dieu-tra-ve-phong-ve-thuong-mai-doi-voi-hang-xuat-khau-678333.html
Zalo