Việt Nam điều chỉnh kế hoạch điện, xem xét cắt giảm mục tiêu khí đốt và điện gió ngoài khơi

Việt Nam xem xét giảm mục tiêu phát triển điện từ khí đốt và điện gió ngoài khơi trong thập kỷ này, trong khi than và các nguồn năng lượng tái tạo khác sẽ đảm nhận vai trò bù đắp sản lượng trước khi điện hạt nhân được tích hợp vào hệ thống từ năm 2035, theo dự thảo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII của Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương được giao hoàn thiện dự thảo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII liên quan đến điện hạt nhân trước ngày 28/2, đảm bảo cân đối lợi ích quốc gia, phân bổ hợp lý giữa các vùng miền và ưu tiên các công trình trọng điểm tại khu vực khó khăn.

Bản dự thảo được đưa ra vào cuối ngày 4/2 và vẫn có thể thay đổi, nhằm thay thế kế hoạch phát điện năm 2023. Điều chỉnh này phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc đáp ứng nhu cầu điện gia tăng từ các doanh nghiệp trong nước và các tập đoàn đa quốc gia.

Điện gió ngoài khơi bị lùi sang 2035

Theo kế hoạch sửa đổi, Việt Nam sẽ không triển khai dự án điện gió ngoài khơi nào trong thập kỷ này, thay vì mục tiêu lắp đặt 6 GW vào năm 2030 như trước đây. Mốc này nay được đẩy lùi sang 2035, phù hợp với triển vọng kém lạc quan của ngành.

Công suất lắp đặt từ khí đốt cũng sẽ giảm đáng kể so với kế hoạch ban đầu do nguồn cung trong nước hạn chế và nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) thấp hơn dự kiến.

Nhập khẩu LNG – vốn là một phần trong đàm phán thương mại với Hoa Kỳ nhằm tránh các biện pháp thuế quan – được dự báo sẽ tạo ra 18 GW công suất vào năm 2030, giảm so với 22,4 GW theo kế hoạch cũ.

Dự thảo cũng nêu rõ, sản xuất điện từ LNG sẽ bắt đầu trong năm nay với tổng công suất ban đầu là 0,8 GW từ các nhà máy điện đầu tiên. Tuần trước, PetroVietnam Power cho biết hai nhà máy LNG với công suất 1,5 GW dự kiến đi vào hoạt động thương mại từ tháng 6.

Than tiếp tục đóng vai trò chính trong cơ cấu điện

Nguồn cung khí đốt nội địa dự kiến chỉ hỗ trợ công suất lắp đặt 10,8 GW vào năm 2030, giảm so với mức gần 15 GW theo kế hoạch trước. Nguyên nhân một phần do những khó khăn tại dự án mỏ khí Cá Voi Xanh của ExxonMobil, mỏ khí lớn nhất Việt Nam ngoài khơi miền Trung.

Để bù đắp sự sụt giảm từ khí đốt và điện gió ngoài khơi, Việt Nam sẽ tăng cường sản xuất điện từ than, thủy điện và các nguồn tái tạo khác như điện mặt trời và gió trên bờ. Tổng công suất phát điện dự kiến đạt 175 GW vào năm 2030, cao hơn so với mức 150 GW theo kế hoạch ban đầu.

Nhằm tránh tình trạng thiếu điện từng xảy ra trong đợt nắng nóng năm 2023, Việt Nam đã tăng nhập khẩu than vào năm ngoái và có kế hoạch mở rộng công suất lắp đặt nhiệt điện than vào năm 2030 trước khi tiến tới đóng cửa các nhà máy vào giữa thế kỷ.

Công suất điện than dự kiến đạt 31 GW vào cuối thập kỷ này, cao hơn mức 30,1 GW trước đây. Thêm vào đó, khoảng 7,2 GW công suất tạm thời có thể đưa tổng công suất tiềm năng vượt hơn một phần tư, củng cố vai trò của than như nguồn năng lượng chính của Việt Nam.

Điện mặt trời cũng sẽ được đẩy mạnh, với công suất mục tiêu tăng gấp đôi lên 30,4 GW vào năm 2030.

Dự thảo cho biết các lò phản ứng hạt nhân, vốn mới được đưa trở lại kế hoạch phát triển điện, dự kiến sẽ vận hành từ năm 2035 và đóng góp gần 5 GW vào giữa thế kỷ. Chính phủ cũng đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào cuối thập kỷ này.

Trung Việt

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/viet-nam-dieu-chinh-ke-hoach-dien-xem-xet-cat-giam-muc-tieu-khi-dot-va-dien-gio-ngoai-khoi-1104822.html
Zalo