Việt Nam: Điểm đến đầu tư của doanh nghiệp Bắc Âu

Với chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và sự tương đồng trong định hướng phát triển, Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư của doanh nghiệp Bắc Âu.

Dự án lớn về ô tô sắp đi vào hoạt động

Thông tin với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu - cho biết, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, ông Johan Ndisi vừa đến thăm Nhà máy Autoliv Việt Nam.

Thông tin từ doanh nghiệp tại chuyến thăm của đại sứ cho biết, Nhà máy sản xuất túi khí của Tập đoàn Autoliv (Thụy Điển) tại Khu công nghiệp Sông Khoai (Quảng Ninh) dự kiến sẽ chính thức đi vào sản xuất từ tháng 11/2025, sau hơn hai năm khởi công xây dựng. Đây là dấu mốc quan trọng không chỉ đối với Autoliv mà còn thể hiện xu hướng gia tăng đầu tư của các doanh nghiệp Bắc Âu vào Việt Nam.

Nhà máy Autoliv Việt Nam có tổng vốn đầu tư 154 triệu USD (Ảnh: TL)

Nhà máy Autoliv Việt Nam có tổng vốn đầu tư 154 triệu USD (Ảnh: TL)

Nhà máy Autoliv Việt Nam có tổng vốn đầu tư 154 triệu USD, được đầu tư thông qua Công ty TNHH Autoliv Việt Nam. Nhà máy này chuyên sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô tô và xe có động cơ khác, với công suất dự kiến khoảng 10 triệu sản phẩm/năm, chủ yếu phục vụ xuất khẩu.

Hiện tại, chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, lắp đặt thiết bị và đào tạo nhân sự để chuẩn bị cho hoạt động sản xuất. Các hạng mục xây dựng dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 2/2025. Dự án này sẽ tạo ra khoảng 2.000 việc làm tại Quảng Ninh, góp phần củng cố vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Được biết, dự án nhà máy của Autoliv tại Việt Nam được khởi công từ ngày 10/7/2023 trên diện tích 9 ha tại KCN Amata City Hạ Long. INVESTCORP là tổng thầu thiết kế và thi công cho dự án.

Autoliv là tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất hệ thống an toàn ô tô, có trụ sở chính tại Stockholm, Thụy Điển. Đây cũng là một trong số những doanh nghiệp lớn của Thụy Điển đầu tư vào Việt Nam. Cùng với Autoliv, một số tập đoàn lớn của Bắc Âu đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, chẳng hạn như LEGO, Orsted, Tập đoàn Vestas, Tetra Pack, Jotun…

Nhiều động lực thu hút đầu tư doanh nghiệp Bắc Âu

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho biết, cùng với dự án của Tập đoàn Autoliv, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp Bắc Âu nhờ vào vị trí chiến lược, lực lượng lao động dồi dào và chi phí cạnh tranh. Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều công ty đến từ Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan và Na Uy chọn Việt Nam làm điểm đến mở rộng sản xuất.

“Một số yếu tố chính thúc đẩy làn sóng dịch chuyển này bao gồm: Hiệp định EVFTA: Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) đã giúp cắt giảm đáng kể thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Bắc Âu xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Âu” – bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy nêu rõ.

Bên cạnh đó, nhiều công ty Bắc Âu tìm kiếm địa điểm sản xuất bổ sung ngoài Trung Quốc để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Chính phủ Việt Nam đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư, cung cấp các ưu đãi thuế, hỗ trợ thủ tục hành chính và phát triển hạ tầng khu công nghiệp, là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp tăng đầu tư vào Việt Nam.

Đơn cử, khi đầu tư vào Bình Dương, một trong những chính sách đáng chú ý mà Tập đoàn LEGO (Đam Mạch) được hưởng là mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi. Nhà máy LEGO sẽ được áp dụng thuế suất 10% trong vòng 15 năm, thay vì mức thuế thông thường là 20%.

Ngoài ra, doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập trong 4 năm đầu từ khi có lãi và giảm 50% thuế thu nhập trong 9 năm tiếp theo. Đây là sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ giúp giảm chi phí vận hành và tăng cường khả năng tài chính cho nhà máy.

Bên cạnh đó, LEGO còn được miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị, máy móc và vật tư xây dựng nhà máy trong giai đoạn đầu. Thậm chí, nguyên vật liệu và linh kiện nhập khẩu phục vụ sản xuất cũng được miễn thuế trong 5 năm đầu. Điều này góp phần giảm áp lực tài chính cho LEGO trong giai đoạn khởi động.

Ông Phạm Trọng Nhân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho hay, nhà máy LEGO là minh chứng rõ ràng cho môi trường đầu tư thuận lợi mà tỉnh đang xây dựng. Các chính sách ưu đãi không chỉ thu hút các khoản đầu tư lớn mà còn tạo điều kiện để các dự án phát triển bền vững và đạt hiệu quả.

Hoặc Tập đoàn Autoliv khi đầu tư vào Quảng Ninh cũng được hưởng chế độ ưu đãi lớn về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Tập đoàn còn nhận được sự phối hợp của chính quyền tỉnh và Thị xã Quảng Yên với chủ đầu tư là Khu Công nghiệp Sông Khoai trong việc tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, hướng dẫn công ty triển khai các thủ tục pháp lý của dự án. Nhờ sự đồng hành, tháo gỡ khó khăn nhanh và hiệu quả của tỉnh, Dự án của đã nhanh chóng thi công và sẽ sớm hoàn thành, đưa vào vận hành, hứa hẹn sẽ sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, đóng góp tích cực vào ngân sách tỉnh Quảng Ninh.

Đặc biệt, các doanh nghiệp Bắc Âu nổi tiếng với tiêu chí bền vững và trách nhiệm xã hội. Việc Việt Nam cam kết giảm phát thải và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, giúp đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư đến từ khu vực này.

“Các doanh nghiệp Bắc Âu như LEGO đã chứng minh rằng việc đầu tư vào năng lượng tái tạo và quy trình sản xuất không phát thải không chỉ giúp họ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế mà còn nâng cao giá trị thương hiệu. LEGO đã cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong các hoạt động của mình, điều này không chỉ giúp họ tránh được những quy định khắt khe mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh về mặt hình ảnh. Định hướng của Chính phủ Việt Nam có sự tương đồng với các doanh nghiệp Bắc Âu, là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư từ quốc gia này” – bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy nhấn mạnh, các nước Bắc Âu tuy nhỏ nhưng có tiềm lực về kinh tế, với thế mạnh về các ngành công nghiệp tiên tiến và luôn đi đầu trong các xu hướng tiêu dùng mới.

Do vậy, hướng đi hiệu quả nhất là thu hút các tập đoàn lớn, có khả năng đầu tư vào các ngành công nghiệp chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và các tập đoàn có sẵn mạng lưới phân phối toàn cầu. Nếu các tập đoàn này đầu tư sản xuất tại Việt Nam rồi xuất khẩu ngược lại vào hệ thống phân phối của họ thì sẽ giúp tăng đầu tư, tăng xuất khẩu nguyên liệu tại chỗ và tăng kim ngạch xuất khẩu không chỉ sang Bắc Âu mà còn cả các nước khác.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy nhấn mạnh: Việc Autoliv đầu tư vào Việt Nam là minh chứng cho xu hướng gia tăng của các doanh nghiệp Bắc Âu tại Việt Nam. Với sự hỗ trợ từ chính phủ hai bên và điều kiện kinh doanh ngày càng cải thiện, Việt Nam có thể kỳ vọng vào làn sóng đầu tư mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, đặc biệt trong các ngành công nghiệp sản xuất, công nghệ cao và năng lượng tái tạo. Đây còn là tín hiệu tích cực cho dòng vốn đầu tư từ Bắc Âu vào Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ sản xuất toàn cầu.

Lan Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-diem-den-dau-tu-cua-doanh-nghiep-bac-au-373001.html
Zalo