Việt Nam 'đi sau về trước' trong kỹ thuật ghép tạng

Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhận định, ngành y tế nước ta đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng. Các công nghệ, kỹ thuật ghép tạng được đánh giá ngang tầm với các nước có nền y học tiên tiến, phát triển trên thế giới.

Sáng 30/12, Bộ Y tế phối hợp UBND TPHCM, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tổ chức Lễ phát động "Đăng ký hiến mô, tạng - Cho đi là còn mãi". Đây là sự kiện nối tiếp thành công lễ phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động ngày 19/5/2024.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi Lễ phát động "Đăng ký hiến mô, tạng - Cho đi là còn mãi".

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi Lễ phát động "Đăng ký hiến mô, tạng - Cho đi là còn mãi".

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, những năm qua, ngành y tế phối hợp với các bộ ngành, địa phương đã có những cố gắng, nỗ lực rất đáng được ghi nhận để từng bước nâng cao năng lực công tác hiến, ghép tạng tại Việt Nam.

"Đến nay, ngành y tế nước ta đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng. Các công nghệ, kỹ thuật ghép tạng được đánh giá ngang tầm với các nước có nền y học tiên tiến, phát triển trên thế giới; thể hiện phương châm "đi sau về trước" trong việc thực hiện các kỹ thuật ghép tạng, với tỷ lệ sống cao và chi phí phù hợp, đem đến niềm tin, hy vọng, cơ hội về cuộc sống mới cho hàng nghìn người bệnh, đặc biệt với những người có hoàn cảnh khó khăn; có tác động lớn trong công tác bảo đảm an sinh xã hội", Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định.

Năm 2024, số ca được chẩn đoán chết não (tính đến ngày 13/12) là 189 ca, gấp gần 6 lần so với 34 ca được chẩn đoán chết não trong năm 2023; số bệnh nhân hiến tạng sau chết năm 2024 là 38 ca - đây được coi là số ca hiến tạng cao kỷ lục của Việt Nam tính đến nay. Tuy nhiên, tỷ lệ hiến tạng từ người cho chết não còn khiêm tốn so với nhu cầu người đăng ký nhận tạng.

Số lượng ca chờ ghép cao, danh sách những người chờ ghép tạng vẫn còn rất dài và mỗi ngày vẫn có rất nhiều người không có tạng để ghép. Tại các nước phát triển trên thế giới như Tây Ban Nha, Mỹ, Hàn Quốc, tỉ lệ hiến tạng sau chết chiếm hơn 90%. Trong khi đó, Việt Nam có tới 100 triệu dân nhưng người hiến tạng thuộc nhóm thấp nhất thế giới.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi kêu gọi người dân đăng ký hiến mô, tạng.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi kêu gọi người dân đăng ký hiến mô, tạng.

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cam kết với lãnh đạo Trung ương sẽ đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất, các điều kiện để có thể tiến hành phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng.

TPHCM sẽ nghiên cứu để có các chính sách, hình thức tôn vinh kịp thời động viên các tổ chức, các cá nhân tham gia công tác này, góp phần thúc đẩy công tác được tốt hơn trong thời gian sắp tới.

Đồng thời, TPHCM sẽ chỉ đạo ngành y tế, các cơ quan có liên quan trực tiếp cũng như là các ngành, các cấp sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương và cơ quan điều phối hiến tạng, các cơ quan chuyên môn để triển khai công việc này được đồng bộ, hiệu quả, kịp thời.

Năm 2024, Việt Nam có 39 ca chết não gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng (chiếm gần 13% trong tổng số ca ghép tạng).

Năm 2024, Việt Nam có 39 ca chết não gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng (chiếm gần 13% trong tổng số ca ghép tạng).

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi kêu gọi các cơ quan, ban ngành, các tầng lớp nhân dân của TPHCM tích cực tham gia công tác này.

Trong năm 2024, việc thực hiện thành công các ca ghép tạng cũng là một trong những sự kiện tiêu biểu nhất của ngành y tế. Đặc biệt, trong đó có ca ghép phôi thành công tại Bệnh viện Phổi Trung ương (đây là kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng hiện nay, hầu hết chỉ được thực hiện ở các nước phát triển) và ghép đồng thời tim và gan cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ tiến hành thành công ca ghép tim, gan đồng thời trên một bệnh nhân đặc biệt ở giai đoạn nặng).

Sự thành công của các ca ghép tạng này cho thấy, Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực ghép tạng; là đột phá trong phát triển kỹ thuật y học chuyên sâu, thể hiện trình độ, năng lực của các y, bác sĩ nước nhà trên bản đồ y khoa thế giới. Đồng thời cũng thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, khoa học, hiệu quả giữa các bộ phận tham gia trong quá trình ghép tạng.

Nam Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/viet-nam-di-sau-ve-truoc-trong-ky-thuat-ghep-tang-169241230140142429.htm
Zalo