Việt Nam dành ưu tiên hàng đầu đối với phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Việt Nam dành ưu tiên hàng đầu đối với phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xem đây là biện pháp quan trọng để tránh bẫy thu nhập trung bình và đưa đất nước tiến vào giai đoạn phát triển mới.

Khóa họp 81 của Ủy ban Kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 21 đến 25/4 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan)
Đó là nội dung Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng, Đại diện thường trực của Việt Nam tại Ủy ban Kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) nhấn mạnh tại phiên thảo luận về việc đánh giá việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương diễn ra ngày 24/4.
Phiên họp nằm trong khuôn khổ Khóa họp 81 của Ủy ban Kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 21 đến 25/4 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan.
Với nội dung thảo luận về “Khoa học, công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo”, các nước hoan nghênh tốc độ phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời kêu gọi tăng cường hợp tác khu vực về khoa học, công nghệ, thúc đẩy trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các công nghệ mới, giảm thiểu các rủi ro có thể phát sinh.
Theo nhận định của Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng, châu Á-Thái Bình Dương đang nổi lên là trung tâm đổi mới sáng tạo toàn cầu, đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 9 về công nghiệp, đổi mới sáng tạo và cơ sở hạ tầng.
Đại sứ Phạm Việt Hùng khẳng định, Việt Nam dành ưu tiên hàng đầu đối với phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xem đây là biện pháp quan trọng để tránh bẫy thu nhập trung bình và đưa đất nước tiến vào giai đoạn phát triển mới.
Khẳng định Việt Nam ủng hộ những nỗ lực của Liên hợp quốc trong việc tăng cường quản trị toàn cầu về công nghệ, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, Đại sứ Phạm Việt Hùng đề nghị, Ủy ban Kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc thúc đẩy việc triển khai Văn kiện số Toàn cầu ở cấp độ khu vực và tăng cường các sáng kiến về các công nghệ mới nổi, trong đó có trí tuệ nhân tạo.

Với vai trò là Đại diện thường trực của Việt Nam tại ESCAP, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng tham dự và trình bày tham luận tại các phiên thảo luận của Kỳ họp (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan)
Bên cạnh đó, Đại sứ Phạm Việt Hùng cũng đã nêu bật tầm quan trọng của tiếp cận công nghệ công bằng, các nước phát triển chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển, tăng cường chia sẻ tri thức, nâng cao năng lực, đồng thời thúc đẩy các cơ chế tài chính sáng tạo hỗ trợ quá trình chuyển đổi số.
Cũng tại đề mục rà soát việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, đoàn Việt Nam cũng tham gia thảo luận tại các đề mục về môi trường và phát triển, phát triển xã hội, giảm rủi ro thiên tai.