Việt Nam đang trong cơn khát nhân lực xuất bản

Do một số mặt hạn chế về quy mô, công tác đào tạo cũng như cơ chế chính sách hỗ trợ, nguồn nhân lực xuất bản tại Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

 Ông Phan Xuân Thủy - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Huy.

Ông Phan Xuân Thủy - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Huy.

Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát tiển trong giai đoạn mới”, diễn ra vào chiều ngày 28/8, ông Phan Xuân Thủy - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - nhận định công tác đào tạo nhân lực ngành xuất bản còn nhiều mặt hạn chế. Trong đó, có thể kể như quy mô đào tạo, hệ thống tư liệu, chương trình học cần phải bổ sung và thiết kế sao cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Hạn chế bắt nguồn từ sự thiếu sức hút của ngành

Theo ông Phan Xuân Thủy - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành xuất bản vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Phan Xuân Thủy chỉ ra rằng quy mô đào tạo nhân lực còn hạn chế và chất lượng đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển của ngành.

Một số cơ sở đào tạo vẫn nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng thực hành và chưa chú trọng đến kỹ năng sáng tạo và tự học của học viên. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ đào tạo vẫn còn thiếu thốn và chưa cập nhật kịp với công nghệ mới, hiện đại của ngành. Điều này ảnh hưởng đến khả năng đào tạo, trang bị kiến thức và kỹ năng cho người học để đáp ứng yêu cầu của ngành xuất bản trong thời kỳ mới.

PGS.TS Nguyễn Bá Cường (Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Sư phạm) cho rằng thiếu cơ chế hỗ trợ, phụ cấp cho các biên tập viên là một trong những nguyên nhân khiến các đơn vị làm sách khó giữ chân được nhân lực của mình. Trong khi đó, để đào tạo được một biên tập viên cứng cáp không phải là quá trình đơn giản. Có những người phải mất nhiều năm mới đứng vững và hiểu được nghề.

“Nếu so với giáo viên, biên tập viên gần như không có phụ cấp gì đáng kể dù họ được coi là những người có vị trí đặc biệt trong việc đưa tri thức đến cho người dân”, PGS.TS Nguyễn Bá Cường nhận định.

 Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc gia “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát tiển trong giai đoạn mới”. Ảnh: Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc gia “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát tiển trong giai đoạn mới”. Ảnh: Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Từ góc độ của người làm công tác đào tạo, PGS.TS Đỗ Thị Quyên (Chủ tịch hội đồng trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết các cơ quan quản lý vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức, thiếu những cơ chế, chính sách cụ thể để phát triển công tác đào tạo và hỗ trợ đối với những người biên tập viên. Do đó, sức hút của ngành cũng giảm đi. Các biên tập viên là những người học ngành khác làm “tay ngang” sang lĩnh vực xuất bản, họ có thể chủ động đi tìm kiếm những công việc đúng chuyên môn của họ hơn nếu mức lương, đãi ngộ của lĩnh vực xuất bản không còn hấp dẫn.

“Cơ chế chính sách cho ngành hiện nay còn nhiều bất cập, chưa có cơ chế hỗ trợ đào tạo cho biên tập viên, cơ chế đào tạo liên thông giữa các trường đại học, cơ chế đồng bộ trong việc đào tạo biên tập viên giữa nhà quản lý và cơ sở giảng dạy, đại học trong nước và cơ sở đào tạo quốc tế”, PGS.TS Đỗ Thị Quyên nhận định.

Bên cạnh đó, đại diện Đại học Văn hóa Hà Nội cũng chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa sự phát triển cơ sở đào tạo và sức hút của ngành. Nếu ngành xuất bản phát triển, nhu cầu của người học cũng theo đó tăng lên, những khoa đào tạo sẽ có thêm cơ hội nâng cao chuẩn đầu vào.

Giải pháp cho đầu ra ngành xuất bản

Để khắc phục những hạn chế trong đào tạo nhân lực ngành xuất bản, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo cần tiếp tục rà soát, sửa đổi và tạo điều kiện về cơ chế, chính sách đặc thù trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành xuất bản.

“Công tác đào tạo cần góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, chuyên môn giỏi, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Các chương trình đào tạo cần cập nhật kiến thức và kỹ năng mới, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Phan Xuân Thủy - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - phát biểu tại hội thảo.

 PGS.TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật báo cáo đề dẫn hội thảo.

PGS.TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật báo cáo đề dẫn hội thảo.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, PGS.TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật - đã nhận định rằng số cơ sở đào tạo xuất bản hiện nay chưa tương xứng với nhu cầu thực tiễn hay giải tỏa được cơn khát của ngành.

“Việt Nam có ít cơ sở đào tạo nguồn nhân lực xuất bản, trong khi đó, các nhà xuất bản thường cần tuyển dụng nhiều nhân lực có trình độ chuyên môn cao. Đối với nguồn nhân lực ngành xuất bản được đào tạo từ các cơ sở đào tạo thường chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Quy mô đào tạo của các cơ sở đào tạo còn nhỏ, việc đào tạo chức danh biên tập viên chủ yếu tập trung ở một số cơ sở. Chỉ tiêu tuyển sinh chỉ khoảng 50-100 sinh viên/năm”, Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật nói.

Từ thực trạng đó, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã đề ra một số giải pháp như triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách, hỗ trợ ngành, phát triển nguồn nhân lực gắn với sự phát triển của các chủ thể khác trong ngành, tập trung vào chất lượng và bồi dưỡng nhãn quan chính trị cho biên tập viên.

Về phía cơ sở đào tạo, TS Vũ Thùy Dương và PGS.TS Đỗ Thị Quyên từ Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đều nhận thấy vấn đề thiếu giáo trình cũng đang gây cản trở rất nhiều trong quá trình đào tạo và nâng cao chất lượng đầu ra. Một khảo sát của TS Vũ Thùy Dương và các giảng viên khoa Xuất bản cho thấy chỉ có khoảng 70 tư liệu trong hệ thống nhà trường liên quan đến xuất bản.

“Cần tiếp tục xây dựng nguồn học liệu phong phú, đặc biệt là giáo trình đối với chuyên ngành xuất bản điện tử”, TS Vũ Thùy Dương cho biết về giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực.

Còn với các công ty sách, ông Trịnh Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất bản và Giáo dục Quảng Văn) cho biết, các cơ sở đào tạo có thể học tập một số điểm thú vị trong cách xây dựng chương trình xuất bản tại một số trường đại học bên Anh.

Theo đó, các khoa có thể áp dụng phương pháp liên ngành, khai phóng, tích hợp. Đồng thời, giảng viên cần tích hợp luật Bản quyền, luật Sở hữu trí tuệ vào các môn khai thác bản thảo. Đặc biệt có bốn dạng tư duy của người biên tập viên cần phải rèn luyện từ trong nhà trường, đó là tư duy hệ thống, tư duy phát triển sản phẩm, sáng tạo, phê phán.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/viet-nam-dang-trong-con-khat-nhan-luc-xuat-ban-post1494604.html
Zalo