Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về tốc độ phát triển du lịch
Chính sách visa nới lỏng, các chuyến bay thẳng không ngừng nghỉ và sự xuất hiện của những khách sạn sang trọng trên các hòn đảo... là những yếu tố giúp nâng tầm vị thế du lịch Việt Nam trong năm nay.
Việt Nam là điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất Đông Nam Á
Theo đánh giá của các chuyên gia, Thái Lan có thể đang chiếm trọn ánh hào quang khi nói đến du lịch Đông Nam Á. Vai chính trong mùa thứ ba của series "The White Lotus" đã khiến sự quan tâm vốn dĩ đã cao của các du khách tăng vọt. Tuy nhiên, có một điểm đến gần đó đang vượt mặt Thái Lan về tốc độ tăng trưởng, chính là Việt Nam.

Việt Nam là điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.
Việt Nam hiện đứng thứ ba trong danh sách các quốc gia được ghé thăm nhiều nhất ở Đông Nam Á, với 17,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, vượt qua Singapore. Đứng đầu danh sách là Thái Lan với 35 triệu lượt khách, tiếp theo là Malaysia với 25 triệu lượt khách.
Những con số này đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về tốc độ phục hồi du lịch, một chỉ số vẫn được theo dõi - năm năm sau khi đại dịch Covid-19 khiến cả thế giới đóng cửa - để đo lường mức độ phục hồi của ngành du lịch so với mốc năm 2019. Việt Nam đã khôi phục 98% lượng khách so với trước đại dịch, vượt xa các nước láng giềng như Thái Lan (87,5%) và Singapore (86%). Theo số liệu mới công bố từ Cục Du lịch Việt Nam, sức hút của đất nước hình chữ S vẫn đang tăng mạnh: Gần 4 triệu du khách quốc tế đã đến thăm trong hai tháng đầu năm, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều yếu tố lý giải sức hút ngày càng tăng của Việt Nam đối với du khách. Nổi bật nhất là sự thuận tiện: Chuyến bay thẳng đầu tiên giữa Mỹ và Việt Nam được Vietnam Airlines khai thác vào năm 2021, từ San Francisco đến TP.HCM. Chính sách visa điện tử mới được áp dụng từ năm 2023 đã đơn giản hóa quy trình nhập cảnh, cho phép du khách lưu trú tới 90 ngày (gấp ba lần giới hạn trước đó). Việt Nam cũng cho phép miễn visa cho hơn chục quốc gia, bao gồm Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Tây Ban Nha - và danh sách này đang được mở rộng thêm trong tháng này.
Bên cạnh đó là sự xuất hiện của các thương hiệu khách sạn hàng đầu: Những khách sạn mới khai trương gần đây bao gồm Regent Phú Quốc, Capella Hà Nội và JW Marriott Hotel & Suites Sài Gòn. Các dự án khác từ Luxury Collection, Ritz-Carlton Reserve và Park Hyatt cũng đang được xây dựng. Việc mở rộng của Hướng dẫn Michelin vào năm 2024 đã mang đến một sân chơi toàn cầu cho nền ẩm thực đang lên của Việt Nam. Tất cả những điều này khiến Việt Nam ngày càng hấp dẫn với những du khách hạng sang - những người đã từng đến Koh Samui hay Phuket của Thái Lan, hoặc đang tìm kiếm một lựa chọn ít đông đúc, độc đáo hơn so với Nhật Bản và Singapore.
Việt Nam đặt mục tiêu đón 23 triệu lượt khách quốc tế năm 2025
Nhà sáng lập công ty du lịch boutique cao cấp Ansova Travel tại TP.HCM, Mike Nguyễn cho biết, tất cả các yếu tố này đã giúp công ty ông ghi nhận mức tăng 25% trong các đặt chỗ quốc tế năm 2024 so với cùng kỳ năm trước, vượt qua cả mức trước đại dịch. Ông dự đoán lượng đặt chỗ sẽ tăng thêm 20-30% vào năm 2025.

Việt Nam đặt mục tiêu đón 23 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025.
Khách hàng chính của Mike Nguyễn đến từ Mỹ, nhưng các gia đình thượng lưu Ấn Độ cũng bắt đầu chọn Việt Nam - đặc biệt là Phú Quốc và Hạ Long - để tổ chức những đám cưới xa hoa ngày càng nhiều trong năm 2024. Điều này, cộng với quy trình visa đơn giản hóa và các chuyến bay thẳng gia tăng, đã thúc đẩy hơn nửa triệu lượt khách Ấn Độ đến Việt Nam trong năm nay, tăng vọt 297% so với mức trước đại dịch.
Du khách Trung Quốc chi tiêu cao cũng là nguồn tăng trưởng quan trọng, một phần bị thu hút bởi lo ngại về an ninh sau vụ bắt cóc được công khai rộng rãi của diễn viên Trung Quốc, Vương Hành tại Bangkok.
Không có dấu hiệu nào cho thấy sự tăng trưởng của Việt Nam sẽ chậm lại. Đến cuối năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu phá vỡ kỷ lục lượng khách, đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế. Sau đó, vào tháng 3 năm sau, sân bay quốc tế Long Thành mới dự kiến sẽ đón những chuyến bay đầu tiên đến TP.HCM, nâng công suất đón khách của Việt Nam lên 25 triệu lượt.
Điều này phản ánh tham vọng lớn hơn, dài hạn của Việt Nam: Đến cuối thập kỷ này, đất nước hình chữ S hướng tới việc vượt qua Malaysia trong danh sách các điểm đến được ghé thăm nhiều nhất Đông Nam Á, chỉ còn Thái Lan là đối thủ cuối cùng.