Việt Nam đã bắt kịp nhiều xu hướng công nghệ mới
Nhiều công nghệ hiện đại nhất của thế giới đang trở thành những công cụ sản xuất quan trọng trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực qua đó thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế số tại Việt Nam. Đây là đánh giá của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia tại Hội thảo Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam được tổ chức ngày 30/9 tại Hà Nội.
Nhiều chuyên gia đánh giá, làn sóng công nghệ mới đang thay đổi mạnh mẽ diện mạo của nền kinh tế số tại Việt Nam. Các công nghệ như trí tuệ AI, internet vạn vật IOT, dữ liệu lớn Big Data, điện toán đám mây Cloud đang có những đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng và phát triển của nhiều lĩnh vực. Nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tiếp tục đánh giá tích cực vào tiềm năng và quy mô thị trường nước ta.
Bà Rita Mokbel, Chủ tịch Ericsson Việt Nam cho biết: "Tại Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến sự ứng dụng của AI trong nhiều lĩnh vực. Khi hạ tầng số tiếp tục mở rộng, AI sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Khả năng phân tích dữ liệu theo thời gian thực của AI mở ra nhiều cơ hội mới, từ cung cấp dự báo trong sản xuất, trải nghiệm khách hàng cá nhân hóa đến quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả hơn. Những thay đổi này sẽ có tác động sâu sắc đến nền kinh tế số của Việt Nam".
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, vẫn còn không ít những thách thức để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 và 2030, kinh tế số đóng góp tương ứng 20% và 30% vào GDP.
Mr. Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam chia sẻ: "Công nghệ đang phát triển rất nhanh và nền kinh tế số cũng đang đổi mới rất nhanh chóng. Chúng tôi cho rằng, Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế thử nghiệm sandbox để đón nhận các công nghệ tiềm năng mới cũng như sự phát triển của các công nghệ hiện có. Bên cạnh đó cũng cần thường xuyên xem xét và đánh giá lại các chính sách hiện có bởi vì công nghệ luôn thay đổi nên luật pháp và quy định phù hợp với thời đại."
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đề cập tới việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng số, đặc biệt là 5G tại Việt Nam. Đây được xem là nhân tố chuyển đổi quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, cho phép tự động hóa, nâng cao năng suất và tối ưu hóa quản lý tài nguyên. Qua đó thúc đẩy công nghiệp 4.0, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.