Việt Nam-Cộng hòa Séc: Từ quan hệ hữu nghị truyền thống đến đối tác tiềm năng

Trải qua gần 75 năm, mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc đã không ngừng được củng cố và phát triển, đạt được nhiều thành tựu tích cực.

Nhận lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Cộng hòa Séc.

Chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 2/2/1950, trải qua gần 75 năm, vượt qua bao thăng trầm của lịch sử, mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc đã không ngừng được củng cố và phát triển, đạt được nhiều thành tựu tích cực.

Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Cộng hòa Séc ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn nữa.

Cộng hòa Séc - nền kinh tế phát triển mạnh và ổn định ở Đông Âu

Vốn có sẵn những cơ sở công nghiệp từ thế kỷ 19, nền công nghiệp Séc có nhiều thuận lợi phát triển. Các ngành công nghiệp chính là sản xuất ôtô, luyện kim, khai mỏ, chế tạo máy, thiết bị điện tử, phương tiện giao thông, hóa dầu, xây dựng nhà máy nhiệt điện và thủy điện, sản xuất đầu máy xe lửa, tàu điện, xử lý môi trường, dệt may, hóa chất, dược phẩm, thiết bị y tế, chế biến thực phẩm, gốm sứ, bia và pha lê.

Sau khi tách khỏi Tiệp Khắc và trở thành quốc gia độc lập vào năm 1993, Cộng hòa Séc tập trung mở cửa, tư nhân hóa và cơ cấu lại nền kinh tế.

Thời kỳ 1993-1996, kinh tế Séc tăng trưởng khá (GDP năm 1996 tăng 4,8%).

Giai đoạn 1997-1999, do tư nhân hóa ồ ạt nhưng chậm thay đổi công nghệ, cơ cấu kinh tế không vững chắc, nguồn lực bị phân tán nên kinh tế Séc bị suy thoái.

 Quảng trường Phố Cổ tại Prague. (Ảnh: Ngọc Biên/TTXVN)

Quảng trường Phố Cổ tại Prague. (Ảnh: Ngọc Biên/TTXVN)

Từ năm 2000, kinh tế Séc bắt đầu hồi phục. Việc Séc gia nhập EU (1/5/2004) đã tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư và chuyển đổi cơ cấu. GDP tăng trưởng 3,5-4 %/năm, thu hút khoảng 5 tỷ USD vốn FDI/năm.

Giai đoạn 2005-2007, GDP tăng trưởng trung bình 6%/năm. Giai đoạn 2008-2013, Séc bị ảnh hưởng nặng bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu và từ năm 2013 đến nay kinh tế phục hồi nhờ xuất khẩu.

Việc Séc gia nhập Liên hiệp châu Âu (EU) tháng 5/2004 đã tạo thuận lợi thu hút đầu tư và chuyển đổi cơ cấu kinh tế. GDP tăng trưởng 3,5-4%/năm, thu hút khoảng 5 tỷ USD vốn FDI/năm.

Trọng tâm chính sách đối ngoại của Séc hiện nay là tăng cường hội nhập EU, chú trọng phát triển quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong nhóm Visegrad (V4), các nước lớn trong EU.

Từ tháng 1/2022, Séc công bố Chiến lược hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tại Liên hợp quốc, Séc mới được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2025-2027. Tại EU, Séc đã đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên EU vào nửa cuối năm 2022.

Tại châu Á, Séc ưu tiên quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Việt Nam. Séc luôn coi Việt Nam là đối tác thương mại truyền thống và tiềm năng, là cầu nối để xuất khẩu sản phẩm của nước này sang thị trường Hiệp hội các quốc gia Đông-Nam Á (ASEAN).

75 năm quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp

Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ với các nước bạn bè truyền thống tại khu vực Trung-Đông Âu, trong đó Cộng hòa Séc là một trong những đối tác ưu tiên.

Mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước được đánh dấu qua các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, giữa hai bên, trong đó phải kể đến chuyến thăm Séc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (tháng 4/2009), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm (tháng 9/2010), Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (tháng 2/2011), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (tháng 7/2014), Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (tháng 9/2014), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 5/2015), Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (tháng 6/2016), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 4/2017), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tháng 4/2019), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (tháng 6/2023), Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (tháng 11/2024).

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tham quan quảng trường cổ ở Thủ đô Prague, Cộng hòa Séc (2009). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tham quan quảng trường cổ ở Thủ đô Prague, Cộng hòa Séc (2009). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Về phía Séc có chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Mirek Topolanek (tháng 3/2008), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Karel Schwarzenberg (tháng 3/2012), Phó Chủ tịch Thượng viện Miluse Horska (tháng 11/2013), Phó Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch đảng Cộng sản Séc Morava Vojtech Filip (năm 2014, 2016, 2018, 2019), Bộ trưởng Ngoại giao Lubomir Zaoralek (tháng 10/2015), Chủ tịch Thượng viện Séc Milan Stech (tháng 11/2015), Tổng thống Milos Zeman (tháng 6/2017), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Séc Jan Hamacek (tháng 9/2019), Thủ tướng Petr Fiala (tháng 4/2023), Phó Chủ tịch Hạ viện Jan Bartosek (tháng 5/2023).

Trên cơ sở Bản ghi nhớ về hợp tác ký tháng 7/2014, Bộ Ngoại giao hai nước đã 3 lần tiến hành Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng, lần gần nhất tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3/2019.

Để tạo thuận lợi cho việc hợp tác, hai bên đã ký các văn kiện như: Hiệp định về tránh đánh thuế trùng (năm 2004); Hiệp định về hợp tác kinh tế (năm 2006); Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư (năm 2007); Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (năm 2014); Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, thanh niên và thể thao (năm 2016), Hiệp định về hợp tác phòng, chống tội phạm (năm 2017)...

Bên cạnh đó, hai nước luôn ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Séc ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; đồng thời ủng hộ việc ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).

Hợp tác hiệu quả trên mọi mặt

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam và Séc đang phát triển và cùng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực. Điều đó đã tạo cơ hội thuận lợi cho phát triển hợp tác song phương về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Séc là một trong những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung và Đông Âu.

Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt gần 1,134 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Séc 958 triệu USD, nhập khẩu từ Séc đạt hơn 176 triệu USD.

Thương mại giữa hai nước những năm gần đây có tăng trưởng nhưng còn khiêm tốn so với tiềm năng.

 Sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường Séc của Công ty CP WOODSLAND Tuyên Quang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường Séc của Công ty CP WOODSLAND Tuyên Quang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Việt Nam xuất khẩu sang Séc các mặt hàng như càphê, hạt tiêu, hoa quả tươi-khô, lạc, chè, gạo, cao su, hải sản, giày dép, hàng dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, linh kiện vi tính...

Việt Nam nhập khẩu từ Séc: hàng điện tử, máy móc, hóa chất, hàng may mặc, sợi dệt vải, hàng da, máy móc thiết bị, sữa và các sản phẩm từ sữa, dược phẩm, các sản phẩm cơ khí, chất dẻo, sản phẩm thủy tinh...

Séc coi Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên về hợp tác kinh tế ngoài EU. Séc là một trong những quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).

Năm 1998, Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước được thành lập. Sau khi Séc gia nhập EU, hai bên đã thành lập mới Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế dựa trên Hiệp định Hợp tác kinh tế ký năm 2006. Hai bên dự kiến sẽ tiến hành Khóa họp Ủy ban Liên Chính phủ lần thứ VIII tại Hà Nội vào quý 1/2025.

Về đầu tư, Séc có 41 dự án FDI tại Việt Nam với tổng số vốn 92 triệu USD (đứng thứ 50/147), tập trung chủ yếu trong ngành chế biến, chế tạo, khai khoáng.

Hiện Séc đang triển khai dự án thành lập liên doanh sản xuất ôtô của Tập đoàn SKODA Auto với Tập đoàn Thành Công tại Quảng Ninh tổng trị giá 450 triệu USD (dự kiến đi vào hoạt động vào quý 1/2025).

Ngoài ra, Tập đoàn Sev.en Global Investment của Séc đang hoàn tất bổ sung các hồ sơ còn thiếu mua lại 51% cổ phần nhà máy điện than Mông Dương 2 tại Quảng Ninh. Việt Nam có 4 dự án đầu tư sang Séc với tổng số vốn 1,5 triệu USD.

Séc là nước Đông Âu đầu tiên cấp ODA cho Việt Nam với tổng cộng khoảng 20 triệu USD. Năm 1994 cấp 14 triệu USD hỗ trợ đào tạo và việc làm cho lao động Việt Nam ở Séc về nước; năm 1995 và 2008 cấp 2,8 triệu USD để xây dựng và hiện đại hóa Trung tâm chỉnh hình cho trẻ em tàn tật ở Bắc Thái (hoạt động từ 5/1999); trợ giúp hiện đại hóa Bệnh viện Việt-Tiệp tại Hải Phòng (1,4 triệu USD), Trung tâm đào tạo kỹ thuật giày da ở Hải phòng (700.000 USD).

 Bệnh viện Việt-Tiệp Hải Phòng.

Bệnh viện Việt-Tiệp Hải Phòng.

Năm 2003, Chính phủ Séc viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 700.000 USD để thực hiện dự án chế biến phân vi sinh tại Hải Dương. Ngoài ra, Séc hỗ trợ 0,5 triệu USD khắc phục hậu quả chất độc màu da cam/dioxin ở Việt Nam thực hiện từ 2012-2014, dự án Năng lượng bền vững cấp địa phương ở Thừa Thiên-Huế, trị giá 0,5 triệu USD, đã kết thúc năm 2013...

Từ năm 2013, Séc không xếp Việt Nam vào danh sách các nước nhận viện trợ phát triển do sự tiến bộ kinh tế của Việt Nam.

Hợp tác về giáo dục-đào tạo là một lĩnh vực phát triển tiềm năng giữa hai nước. Hai bên đã nỗ lực mở rộng các khả năng hợp tác, nhất là việc khuyến khích các trường đại học uy tín của nước bạn phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam để liên kết đào tạo trình độ trên đại học.

Một số trường đại học của Việt Nam đã liên kết đào tạo với các trường đại học của Cộng hòa Séc như Đại học Bách Khoa Hà Nội liên kết đào tạo với Trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Liberec; Học viện Nông nghiệp Việt Nam liên kết với Đại học Nông nghiệp nhiệt đới Praha; Đại học Kỹ thuật Ostrava ký kết văn kiện hợp tác với Đại học Tôn Đức Thắng.

Từ năm 1999 đến nay, Chính phủ Cộng hòa Séc tiếp tục cấp học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh của Việt Nam. Hai bên đang đàm phán việc ký Thỏa thuận hợp tác về giáo dục cho giai đoạn mới.

Ngoài ra, hợp tác trong lĩnh vực lao động cũng là một điểm đáng chú ý trong quan hệ giữa hai nước. Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn lao động, Séc có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam được đào tạo về chuyên môn và tiếng Séc, nhất là trong lĩnh vực y tế.

Cộng hòa Séc đã thành lập một số cơ sở đào tạo nghề, hỗ trợ nâng cao tay nghề cho lao động Việt Nam về các lĩnh vực như cơ khí, công nghiệp ô tô để bổ sung một lực lượng lao động lành nghề cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại Séc.

Hiện có gần 100.000 người Việt Nam sinh sống tại Séc. Về cơ bản, chính quyền Séc tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt cư trú, kinh doanh theo pháp luật.

Ngày 3/7/2013, Chính phủ Séc đã quyết định bổ sung đại diện người Séc gốc Việt vào Hội đồng Dân tộc thiểu số, qua đó công nhận sự tồn tại của người Séc gốc Việt là dân tộc thiểu số thứ 14 của Séc.

 Lễ hội “Ngày Văn hóa Việt Nam” tại thành phố Brno - thủ phủ vùng Nam Morava (Cộng hòa Séc). (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN)

Lễ hội “Ngày Văn hóa Việt Nam” tại thành phố Brno - thủ phủ vùng Nam Morava (Cộng hòa Séc). (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN)

Trong giao lưu nhân dân, Hội hữu nghị Việt Nam-Séc đã có đóng góp quan trọng thúc đẩy quan hệ song phương phát triển toàn diện thông qua các hoạt động đối ngoại nhân dân như: các hoạt động giao lưu nhân dân, gặp gỡ hữu nghị nhân các dịp kỷ niệm, ngày lễ quan trọng của hai nước, các hoạt động từ thiện, hỗ trợ nhân đạo...

Trong giai đoạn dịch COVID-19, Hội hữu nghị Việt Nam-Séc đã chủ động, kịp thời quyên góp và mua khẩu trang, trang thiết bị y tế để gửi tặng nhân dân Cộng hòa Séc.

Năm 2021, Hội hữu nghị Việt Nam-Séc đã góp phần cùng Chính phủ Việt Nam kịp thời thông tin, vận động Chính phủ Séc hỗ trợ nhiều trang thiết bị y tế, hơn 250.000 liều vaccine cũng như nhượng lại 500.000 liều vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam, góp phần thiết thực vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Có thể thấy rõ, qua hơn 70 năm, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc không ngừng được củng cố và phát triển sâu rộng, hiệu quả.

Tiếp nối truyền thống tốt đẹp trên, Việt Nam sẽ gìn giữ, phát huy và cùng Cộng hòa Séc hợp tác phát triển sâu, rộng mối quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.../.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-cong-hoa-sec-tu-quan-he-huu-nghi-truyen-thong-den-doi-tac-tiem-nang-post1007499.vnp
Zalo