Việt Nam có thêm vaccine mới phòng 23 chủng phế cầu gây ra các bệnh lý nguy hiểm
Vaccine phế cầu 23 do hãng dược phẩm MSD (Mỹ) sản xuất đã có mặt ở gần 50 quốc gia trên thế giới, phòng 23 chủng vi khuẩn phế cầu gây ra các bệnh lý nghiêm trọng như viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi… đã chính thức được Bộ Y tế cấp phép và đưa vào sử dụng tại Việt Nam.
Ngày 28/8, bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng của Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, hiện vaccine phế cầu 23 đã có đầy đủ tại các trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc, được bảo quản an toàn trong hệ thống kho lạnh đạt chuẩn GSP chất lượng quốc tế và sẵn sàng triển khai tiêm rộng rãi cho trẻ em từ 2 tuổi, người lớn, người cao tuổi có bệnh nền.
Theo bà Vũ Thị Thu Hà, vaccine phế cầu 23 phòng 23 chủng vi khuẩn khác nhau của phế cầu, là những chủng tiêu biểu trong những tác nhân gây bệnh phế cầu xâm lấn. Lịch tiêm vaccine phế cầu 23 sẽ tùy theo độ tuổi và lịch sử chủng ngừa. Vaccine được khuyến cáo tiêm bổ sung cho trẻ em và người lớn đã tiêm vaccine phế cầu 10 và 13 để củng cố hiệu quả, tăng cường bảo vệ trước các chủng phế cầu khác mà hai loại vaccine này chưa có.
Ông Phan Trọng Giáo, Giám đốc Y khoa, Công ty MSD Việt Nam cho biết, các bệnh lý nguy hiểm do phế cầu gây ra như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết là vấn đề sức khỏe toàn cầu. Vaccine phế cầu 23 đã được đưa vào sử dụng tại gần 50 quốc gia trên toàn thế giới như Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Úc, Hồng Kông, Singapore… với hơn 400 triệu liều đã được tiêm để bảo vệ cho cộng đồng.
"Vaccine phế cầu 23 vừa được cấp phép tại Việt Nam, giúp tạo miễn dịch chủ động phòng ngừa viêm phổi và bệnh lý xâm lấn do phế cầu như viêm màng não, nhiễm trùng huyết do 23 tuýp huyết thanh phổ biến cho người có nguy cơ nhiễm bệnh từ 2 tuổi trở lên, không giới hạn độ tuổi với người lớn", ông Phan Trọng Giáo nhận định.
Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, vi khuẩn phế cầu được nhà khoa học Louis Pasteur phân lập lần đầu tiên vào năm 1881, đến nay đã có hơn 100 tuýp huyết thanh phế cầu khuẩn khác nhau được tìm thấy. Vi khuẩn phế cầu gây ra 2 dạng bệnh lý gồm bệnh lý phế cầu xâm lấn là viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi kèm nhiễm trùng huyết; bệnh lý phế cầu không xâm lấn là viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phổi....
WHO ước tính, mỗi năm trên thế giới có 1,6 triệu người chết do bệnh phế cầu khuẩn, chủ yếu do viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Hơn 90% số ca tử vong do phế cầu xảy ra ở các nước đang phát triển.
Vi khuẩn phế cầu có thể lây sang cho người khác qua giọt bắn từ đường hô hấp của người bệnh, người lành mang trùng. Tại Việt Nam, chi phí trung bình cho mỗi bệnh nhân mắc các bệnh do phế cầu lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, chưa kể chi phí chăm sóc người bệnh lâu dài sau điều trị.
Bác sĩ Chính cho rằng, việc có thêm một vaccine mới giúp trẻ em và người lớn, đặc biệt là người cao tuổi có bệnh nền phòng nhiều chủng vi khuẩn phế cầu hơn, góp phần hoàn thiện lá chắn miễn dịch trước các bệnh do phế cầu gây ra ngày càng nguy hiểm và tình trạng kháng nhiều loại thuốc kháng sinh của các loại vi khuẩn phế cầu ngày càng tăng cao.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã chứng minh, hiệu quả của vaccine phế cầu 23 lên đến 86% trong việc phòng ngừa bệnh lý do phế cầu khuẩn xâm lấn và viêm phổi ở người cao tuổi, người có bệnh nền. Cụ thể, giảm tỷ lệ mắc bệnh lý do phế cầu khuẩn xâm lấn từ 57% đến 85% tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và bệnh lý nền. Trong đó, nếu xét theo từng nhóm bệnh lý nền, vaccine phế cầu 23 giúp giảm nguy cơ mắc phế cầu đến 65% với nhóm bệnh phổi mạn tính, 73% với nhóm có bệnh mạch vành, 77% với nhóm cắt lách và 84% với nhóm đái tháo đường.
Theo đó, bác sĩ Chính khuyến cáo, trẻ em và người lớn rất cần tiêm vaccine sớm và đầy đủ các loại vaccine phế cầu để bảo vệ toàn diện khỏi hàng chục chủng phế cầu khuẩn thường gặp và nguy hiểm tại Việt Nam. Tiêm vaccine đầy đủ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm tỷ lệ nhập viện, ngăn ngừa biến chứng nặng do phế cầu gây ra, đặc biệt ở nhóm trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh nền vì có nguy cơ cao mắc các biến chứng nghiêm trọng, tăng tỉ lệ nhập viện, kéo dài thời gian điều trị và tăng chi phí điều trị.