'Việt Nam có thể đóng vai trò trung gian tin cậy giữa các quốc gia'

Ông John McAuliff - Giám đốc Điều hành Quỹ Hòa giải và Phát triển (FRD) bày tỏ tin tưởng Việt Nam có thể đóng vai trò trung gian tin cậy giữa các quốc gia.

Sáng 23/4, tham dự Hội thảo khoa học quốc tế "50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại", ông John McAuliff - Giám đốc Điều hành Quỹ Hòa giải và Phát triển (FRD) đã có tham luận về Triển vọng ngoại giao trung gian hòa giải của Việt Nam. Theo đó, ông bày tỏ tin tưởng Việt Nam có thể đóng vai trò trung gian tin cậy giữa các quốc gia.

Trao đổi với phóng viên VOV bên lề hội thảo, ông John McAuliff đánh giá cao các nhà ngoại giao Việt Nam. Đặc biệt, lắng nghe video thông điệp của "Madam Bình" - nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình gửi tới hội thảo, ông John McAuliff cho rằng, thông điệp này là một minh chứng tuyệt vời về vai trò của ngoại giao Việt Nam trong nỗ lực chấm dứt chiến tranh, kiến tạo hòa bình và tiến tới thống nhất đất nước.

Ông John McAuliff - Giám đốc Điều hành Quỹ Hòa giải và Phát triển (FRD).

Ông John McAuliff - Giám đốc Điều hành Quỹ Hòa giải và Phát triển (FRD).

PV: Ông ấn tượng thế nào với thông điệp mà bà Nguyễn Thị Bình- nguyên Phó Chủ tịch nước gửi tới hội thảo ?

Ông John McAuliff: Tôi nghĩ bà Bình (PV- nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình) đã có một bài phát biểu tuyệt vời về vai trò của ngoại giao. Không chỉ ngoại giao chính thức, mà còn là ngoại giao nhân dân, trong việc chấm dứt chiến tranh, kiến tạo hòa bình và tiến tới thống nhất đất nước. Chúng ta gọi đó là “quyền lực mềm”. Điều này có thể thấy qua mối quan hệ giữa người dân Mỹ và Việt Nam trước và sau Hiệp định Paris.

Trong giai đoạn sau chiến tranh, từ năm 1975 đến khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, ban đầu, rất khó để thuyết phục người dân Mỹ tin rằng, mối quan hệ với Việt Nam là điều đáng để đầu tư. Sau chiến tranh là sự nghi ngờ và bất an rất lớn giữa hai Chính phủ. Tuy nhiên, những điều này đã được xóa bỏ dần dần qua từng cuộc đối thoại.

Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, hội cựu chiến binh, những dự án nhân đạo, trao đổi giáo dục, đưa sinh viên Việt Nam tới học tại Mỹ - lúc đầu dưới các chương trình tài trợ và sau này là học bổng Fulbright - đều là những hình thức ngoại giao nhân dân hiệu quả.

Chỉ trong chưa đầy một thế hệ, chúng ta đã đạt được những nền tảng quan trọng của quá trình bình thường hóa qua hệ. Từ đó đến khi Việt Nam - Hoa Kỳ thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững là cả một hành trình

PV: Theo ông, Việt Nam có thể đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu?

Ông John McAuliff: Tôi tin Việt Nam có thể giữ vai trò lãnh đạo tại Liên Hợp Quốc, đóng vai trò trung gian tin cậy giữa các quốc gia.

Việt Nam đang ở vị trí rất đặc biệt. Quốc gia này được cả những nước đối lập như Mỹ và Cuba tin tưởng và có quan hệ tốt. Trong một thế giới đa cực đầy nguy hiểm, Việt Nam có thể đóng vai trò trung gian, hòa giải.

Việt Nam từng chiến thắng một cường quốc hàng đầu là Mỹ. Chiến thắng đó không chỉ mang ý nghĩa quân sự mà còn mang tính biểu tượng rất mạnh. Ngày nay, Việt Nam cần tiếp tục vai trò tích cực không chỉ trong ASEAN mà cả trên trường quốc tế.

PV: Ông đánh giá như thế nào khi Việt Nam thực hiện mối quan hệ cân bằng với các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc hay Nga?

Ông John McAuliff: Đây là một sự cân bằng rất khéo léo - điều mà Việt Nam đã có hàng ngàn năm kinh nghiệm để thực hiện. Việt Nam ngày nay cũng đang cân bằng tốt giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ...

Tôi đánh giá rất cao các nhà ngoại giao Việt Nam. Tôi từng đến Học viện Ngoại giao và rất ấn tượng với lãnh đạo ở đó. Ngoài ra, điều tuyệt vời là nhiều sinh viên Việt Nam du học Mỹ đã quay trở lại để đóng góp cho sự phát triển của quê hương.

Việt Nam là minh chứng sống cho việc một quốc gia có thể mở cửa kinh tế, giải phóng năng lượng sáng tạo của người dân, hội nhập quốc tế mà vẫn giữ được chủ quyền, bản sắc dân tộc và định hướng XHCN. Đây là bài học ngoại giao có giá trị cho nhiều nước khác.

PV: Nhìn lại quá trình bình thường hóa, ông kỳ vọng điều gì cho mối quan hệ hợp tác trong tương lai giữa Việt Nam và Hoa Kỳ?

Ông John McAuliff: Theo tôi, mối quan hệ này giờ đây không thể tách rời. Nó không chỉ là chiến lược mà còn là sự gắn bó sâu sắc về con người. Gia đình tôi, bạn bè tôi đều có mối liên hệ với Việt Nam. Dù có những thời điểm khó khăn liên quan đến áp thuế của Tổng thống Trump, nhưng tôi tin rằng, nền tảng vững chắc giữa hai quốc gia sẽ tồn tại lâu dài từ 20 năm, 30 năm đến 50 năm nữa.

Mối quan hệ giữa hai nước hiện nay rất phong phú, với các trụ cột hợp tác kinh tế, giáo dục và giao lưu nhân dân. Những mối quan hệ này vẫn sẽ tiếp tục phát triển. Đặc biệt, hợp tác giáo dục ngày càng mở rộng, với số lượng lớn học sinh, sinh viên Việt Nam tiếp tục tới Mỹ du học.

PV: Ông đã đến Việt Nam trong nhiều thời điểm khác nhau. Vậy ông có cảm nhận gì về sự thay đổi của Việt Nam?

Ông John McAuliff: Tôi đến Hà Nội lần đầu vào đúng ngày 30/4/1975 - ngày chiến tranh kết thúc. Khi đó, thành phố không có điện, không có cửa hàng. Tôi đã chứng kiến một sự chuyển mình đáng kinh ngạc.

Tôi thấy sự phát triển không chỉ ở Hà Nội, Đà Nẵng hay TP.HCM mà còn lan tỏa ra nhiều tỉnh thành khác. Dĩ nhiên, tốc độ phát triển nhanh cũng gây ra hệ quả như ô nhiễm không khí, điều mà các thành phố Mỹ từng gặp phải 30 năm trước.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lê Hoàng/VOV.VN Thực hiện

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-co-the-dong-vai-tro-trung-gian-tin-cay-giua-cac-quoc-gia-post1194242.vov
Zalo