Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo

Với nhiều điểm mới tích cực, Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thể hiện đường lối đúng đắn và quyết tâm của Đảng và Nhà nước, đưa khoa học-công nghệ trở thành động lực phát triển của đất nước.

Học viện Chính sách và Phát triển với chiến lược phát triển theo mô hình đại học thông minh.

Học viện Chính sách và Phát triển với chiến lược phát triển theo mô hình đại học thông minh.

Đó là nhận định của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Huấn, chuyên ngành kỹ thuật truyền thông số tại Đại học Middlesex (Anh) và Chủ tịch Hội trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland (VIS).

Theo TTXVN, Giáo sư Nguyễn Xuân Huấn cho rằng, việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và không truy cứu trách nhiệm đối với thiệt hại kinh tế trong thử nghiệm khoa học là điểm mới tích cực của Nghị quyết số 57, giúp giải tỏa áp lực tâm lý cho các nhà khoa học để họ thật sự yên tâm nghiên cứu, cống hiến.

Ông cũng đánh giá cao quyết tâm xóa bỏ mọi rào cản, cải cách cơ chế quản lý tài chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính và giao quyền tự chủ sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, xem đó là nhân tố đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Giáo sư Nguyễn Xuân Huấn cho rằng, Việt Nam có thế mạnh ở nguồn nhân lực khoa học cơ bản và tin học, vì vậy bên cạnh các ngành như bán dẫn, AI, Việt Nam có thể vươn lên bứt phá bằng cách đầu tư phát triển các ngành tiềm năng và vẫn còn mới mẻ như máy tính lượng tử - một lĩnh vực phù hợp với thế mạnh nghiên cứu cơ bản của Việt Nam. Ngoài ra, y học và năng lượng tái tạo cũng là các lĩnh vực tiềm năng có thể tạo đột phá nếu được đầu tư bài bản.

Theo Giáo sư Nguyễn Xuân Huấn, Việt Nam cần ban hành chính sách, cơ chế cụ thể và xây dựng chương trình quốc gia nhằm khuyến khích hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, đồng thời có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân có năng lực tham gia các dự án nghiên cứu khoa học.

Đây là nguồn lực tiềm năng để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ở các nước phát triển, số sinh viên theo học các ngành kỹ thuật không cao như ở Việt Nam. Đây là lợi thế Việt Nam cần tận dụng và tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực này để có lực lượng lao động công nghệ cao, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong vòng 10-20 năm tới.

Theo Baonhandan

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/viet-nam-co-nhieu-tiem-nang-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-209460.html
Zalo