Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển kinh tế tuần hoàn

Tại Diễn đàn 'Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới' do Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 25.9, các chuyên gia cho rằng, tuy đi sau nhưng Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế tuần hoàn.

 Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đức Minh khai mạc diễn đàn. Ảnh: Vũ Quang

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đức Minh khai mạc diễn đàn. Ảnh: Vũ Quang

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng quan trọng trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.

Xu hướng này không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam. Do đó, việc thảo luận các chính sách cũng như nhận diện những khó khăn trong quá trình thực hiện kinh tế tuần hoàn rất cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của mô hình này.

Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế dựa trên nguyên lý đầu ra của sản phẩm này là đầu vào của sản phẩm khác, hoạt động trên 3 nguyên tắc: bảo tồn vốn tự nhiên, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và nâng cao hiệu quả của hệ thống.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, mô hình này không chỉ giảm khai thác nguyên liệu mà còn kéo dài vòng đời của sản phẩm và giảm thiểu chất thải, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Đảng và Nhà nước coi kinh tế tuần hoàn là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Để hỗ trợ quá trình này, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và khung pháp lý quan trọng, bao gồm Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Quyết định 687/QĐ-TTg về phát triển kinh tế tuần hoàn.

 Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Văn Thành chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Vũ Quang

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Văn Thành chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Vũ Quang

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Văn Thành, kinh tế tuần hoàn là xu hướng cần thiết nhằm giải quyết các thách thức môi trường và tiêu dùng hiện nay. Trong khi nhiều quốc gia như Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể, Việt Nam vẫn đối diện với những khó khăn về nhận thức và thiếu các chính sách hỗ trợ hiệu quả. Dù vậy, những tín hiệu tích cực đã xuất hiện ở một số lĩnh vực như mô hình sản xuất hệ thống nông nghiệp tổng hợp và phát triển năng lượng tái tạo trong công nghiệp.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Thanh Dung, cho biết, Việt Nam đã tích cực lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào các chiến lược, chương trình phát triển quốc gia; tuy nhiên, phần lớn các mô hình hiện nay vẫn nhỏ lẻ.

Theo đó, Đề án và Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn được xây dựng với mục tiêu kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm chất thải và tăng cường đổi mới sáng tạo. Nhằm thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 và xa hơn, 38 nhiệm vụ cụ thể đã được phân công cho các bộ, ngành, địa phương.

 Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Vũ Quang

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Vũ Quang

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn tài chính, tiền tệ quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, tuy đi sau nhưng Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế tuần hoàn.

Cam kết COP26 và thích ứng biến đổi khí hậu đòi hỏi Việt Nam đầu tư cho nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, nông nghiệp xanh, vận tải các-bon thấp, quản lý nước, năng lực ứng phó, thích ứng biến đổi khí hậu… Đồng thời, định hướng, chiến lược, đề án, hành lang pháp lý cho tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững dần được hoàn thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt thuận lợi thì vẫn còn thách thức. Hiện, nhận thức các bên đối với ESG, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững chưa cao và chưa đồng đều. Bên cạnh đó, chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, nhất quán. Việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường và xã hội gặp nhiều khó khăn. Thiếu cơ chế phối hợp và ưu đãi cho các hoạt động tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn. Hệ sinh thái cho tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn còn hạn chế, manh mún…

Trước những khó khăn này, TS. Cấn Văn Lực đưa ra một số giải pháp như: Huy động nội lực thông qua tiết kiệm năng lượng, quản lý và xử lý chất thải, thay đổi thói quen/hành vi tiêu dùng; tăng trưởng/chuyển đổi xanh gắn (song hành) với chuyển đổi số; thí điểm khu vực, ngành/lĩnh vực thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn điểm như kinh nghiệm Trung Quốc, Thái Lan.

Vũ Quang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-co-nhieu-co-hoi-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-post391389.html
Zalo