Việt Nam có khả năng đối mặt với nắng nóng khốc liệt trong năm 2025

Sáng 18/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn - Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Thông tin về công tác năm 2024 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, Giám đốc Mai Văn Khiêm cho biết, đây là năm có diễn biến thiên tai phức tạp, cực đoan với nhiều loại hình thiên tai đã xảy ra như hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng, rét đậm rét hại, mưa lớn diện rộng, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất...; đặc biệt là sự xuất hiện và tác động của bão số 3 (bão Yagi) đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Người dân TP Hồ Chí Minh bịt kín tránh nắng nóng. Ảnh tư liệu.

Người dân TP Hồ Chí Minh bịt kín tránh nắng nóng. Ảnh tư liệu.

Nhận định về xu thế các hình thái thời tiết có khả năng xảy ra trong năm 2025, Giám đốc Mai Văn Khiêm lưu ý, nhiệt độ toàn cầu có xu hướng tăng, do vậy Việt Nam khả năng sẽ phải đối mặt với nắng nóng, nắng nóng gay gắt và khốc liệt. Cùng với đó là mưa lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất, bão và bão lớn có xu thế xuất hiện ngày càng nhiều hơn...

Trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu cũng như đáp ứng nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường đề nghị Trung tâm chủ động đổi mới phương pháp làm việc từ công tác quản lý đến vận hành hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn với phương châm chủ đạo là "Dự báo sớm hơn, chi tiết hơn, tin cậy hơn, số hóa hơn, trực quan hơn".

Trung tâm cần thực hiện tốt hơn nữa việc ứng dụng và nghiên cứu ứng dụng các công nghệ hiện đại nhất, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo, đồng thời triển khai chuyển đổi số toàn diện. Cùng với đó, tiếp tục phát huy tốt vai trò là trung tâm hỗ trợ dự báo khu vực, thực hiện có hiệu quả các dự án, nhiệm vụ chuyên môn được giao bằng nguồn vốn đối ứng, vốn nước ngoài; chú trọng công tác phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành; tích cực, chủ động tham gia công tác truyền thông trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra.

Đề cập đến công tác phối hợp trong phòng, chống thiên tai, bà Đặng Thị Hương, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong năm 2024, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin kịp thời từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đặc biệt là đối với công tác dự báo sớm bão số 3 (Yagi), hoàn lưu bão để phục vụ công tác tham mưu, chỉ đạo ứng phó với các loại hình thiên tai.

Bà Đặng Thị Hương đề nghị, trong năm 2025, hai bên cần phối hợp chặt chẽ nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; nhất là đối với các loại hình thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, dự báo định lượng mưa, dự báo phục vụ sự chỉ đạo, vận hành hồ chứa, liên hồ chứa...

Thắng Trung

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/viet-nam-co-kha-nang-doi-mat-voi-nang-nong-khoc-liet-trong-nam-2025-i753770/
Zalo