Việt Nam: Cơ hội thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ
Chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học - công nghệ đang mở ra cơ hội cho Việt Nam thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao.
Việt Nam - điểm đến hấp dẫn
Thời gian qua, nhiều tập đoàn công nghệ toàn cầu đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư. Trong đó, riêng trong năm 2024, bên cạnh thỏa thuận thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Việt Nam và Trung tâm Dữ liệu Trí tuệ nhân tạo (AI) giữa Chính phủ và nhà sản xuất chip hàng đầu của Hoa Kỳ, NVIDIA tại Việt Nam, Công ty cổ phần Signetics cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn CNCTech để triển khai Dự án Nhà máy bán dẫn tại tỉnh Vĩnh Phúc. Dự án có quy mô trên 50.000 m2 tại Khu công nghiệp Bá Thiện - Phân khu I (tại huyện Bình Xuyên) và tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đặt niềm tin vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Ảnh minh họa
Cũng trong năm 2024, nhà cung cấp thiết bị điện tử cho Apple, Foxconn, đã công bố khoản đầu tư 80 triệu USD vào sản xuất chip tại tỉnh Bắc Giang. Meta cũng có kế hoạch mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo tại Bắc Giang. Trong khi đó, LG Innotek cũng đầu tư khoảng 255 triệu USD để mở rộng chi nhánh sản xuất tại Hải Phòng.
Để tạo sức hút cho các dự án FDI trong lĩnh vực công nghệ, Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã nêu rõ: Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Để tiếp tục thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, tháng 12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết đặt mục tiêu, đến năm 2045, Việt Nam thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2024, Chính phủ cũng chủ động thúc đẩy các ngành công nghệ cao mới nổi, phù hợp xu hướng của thế giới. Trong đó ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành lĩnh vực quyết định lợi thế cạnh tranh về công nghệ của nhiều quốc gia.
Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về ngành công nghiệp bán dẫn và ban hành Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Chương trình Phát triển nguồn nhân lực bán dẫn để kịp thời triển khai các hợp tác, phát triển hệ sinh thái và thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn tại Việt Nam.
“Chỉ trong thời gian ngắn Việt Nam đã tạo được những bước đi ấn tượng trong việc hợp tác về bán dẫn với các quốc gia, nền kinh tế như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu… và các tập đoàn công nghệ lớn như: Cadence, Intel, Qovor, Apple, Marvell, Samsung, Synopsys. Việt Nam cũng được Hoa Kỳ chọn là một trong 6 quốc gia tham gia Đạo luật Chips để phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.

Môi trường đầu tư tại Việt Nam được các tổ chức kinh tế quốc tế có uy tín đánh giá cao. Ảnh minh họa
Cơ hội hút vốn vào lĩnh vực công nghệ
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ nhờ những chính sách phát triển nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư phù hợp. Về phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam đã hình thành và phát triển nguồn nhân lực có năng lực chuyên môn cao, trong đó nhiều nhà khoa học có uy tín, được thế giới công nhận, dần hình thành một số tổ chức khoa học công nghệ tiên tiến tầm cỡ quốc tế ở cả khu vực công và tư.
“Đặc biệt, Việt Nam đã có những mô hình liên kết “3 nhà” hiệu quả, như mô hình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn với sự tham gia của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Cadence, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, Đại học Arizona Hoa Kỳ cùng gần 40 trường đại học trong nước” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu.
Ngoài ra, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua được các tổ chức kinh tế quốc tế có uy tín đánh giá cao. Cụ thể là: Moody và S&P đánh giá Việt Nam là một trong hai quốc gia ở châu Á được ghi nhận cải thiện chỉ số tín dụng dài hạn ở mức ổn định, tích cực.
Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) xếp hạng Việt Nam về địa điểm hấp dẫn đầu tư ở vị trí thứ 2 thế giới và thứ 1 châu Á. Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng đánh giá Việt Nam thuộc nhóm 10 điểm đến đầu tư toàn cầu. Đây có thể nói là những lợi thế quan trọng để Việt Nam thu hút FDI nói chung và FDI vào lĩnh vực công nghệ nói riêng.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách và thực thi, nhất là đối với các dự án đầu tư, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội sửa đổi một số văn bản pháp lý. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu.
Trong đó, một số sửa đổi đáng chú ý như điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn; thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư; quy định cụ thể hơn về thủ tục đầu tư đặc biệt, lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt;…
Những luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2025 sẽ tháo gỡ được một số điểm nghẽn về thể chế đầu tư; góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, chi phí thấp, giảm rủi ro cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhờ vậy khuyến khích được thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy tinh thần kinh doanh và các động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) xếp hạng Việt Nam về địa điểm hấp dẫn đầu tư ở vị trí thứ 2 thế giới và thứ 1 châu Á. Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng đánh giá Việt Nam thuộc nhóm 10 điểm đến đầu tư toàn cầu. Đây có thể nói là những lợi thế quan trọng để Việt Nam thu hút FDI nói chung và FDI vào lĩnh vực công nghệ nói riêng.