Việt Nam có gì cho du lịch thể thao?
Sở hữu tiềm năng địa hình, cảnh quan, nhưng việc thiếu chiến lược toàn diện, cơ sở hạ tầng, kết nối dịch vụ và hệ thống y tế làm kìm hãm sự bùng nổ du lịch thể thao ở Việt Nam.
Cùng với du lịch y tế, du lịch xa xỉ và tuần trăng mật, du lịch thể thao trở thành một trong 4 trụ cột được Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) chú trọng vào năm 2025. Theo TAT, những thị trường ngách này thu hút dòng khách hạng sang với yêu cầu cao, song mức chi tiêu cũng mức “khủng” so với du lịch đại chúng.
Tại Việt Nam, du lịch thể thao ngày càng phát triển với minh chứng dễ thấy nhất là sự bùng nổ của các giải chạy marathon quốc tế, mức độ đầu tư lớn cho các sân golf và tới đây là vòng chung kết Giải Vô địch Pickleball Thế giới tại Hội An.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, PGS.TS Phạm Hồng Long, giảng viên Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, cho biết: "Từ sau Covid-19, du lịch thể thao ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Không chỉ gói gọn trong các giải chạy marathon hay hoạt động du lịch cao cấp như golf, các hoạt động thể thao khác như trekking, leo núi mạo hiểm, pickleball... cũng ngày càng nên phổ biến đối với du khách, nhận được sự quan tâm và đầu tư của các đơn vị, tổ chức".
Tiềm năng
Theo ông Long, Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng lớn để phát triển du lịch thể thao với địa hình đa dạng "tam sơn, tứ hải, nhất phần điền" - 3 phần là núi, 4 phần là biển và một phần đồng bằng.
Cảnh quan thiên nhiên đa dạng, độc đáo trải dài từ vùng núi phía Bắc đến những bãi biển tuyệt đẹp ở miền Trung, Tây Nguyên hoang sơ và đồng bằng Nam bộ, cho phép chúng ta tổ chức các hoạt động thể thao đa dạng, từ các môn thể thao mạo hiểm trên núi đến dưới biển, hay các giải đấu thể thao quy mô lớn.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái động thực vật phong phú, cảnh quan tuyệt đẹp của các vườn quốc gia, cơ sở hạ tầng, các di sản văn hóa, lễ hội truyền thống,... cũng tạo ra sức hút, thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực du lịch thể thao.
Yếu tố dân số đông cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển phong trào thể thao và các hoạt động du lịch gắn với trải nghiệm thể thao.
Trong những năm qua, nhiều địa phương trên cả nước đã tận dụng lợi thế địa hình và cảnh quan để tổ chức các sự kiện thể thao, làm tăng sức hút du lịch.
Với lợi thế là đô thị biển, thành phố Đà Nẵng tích cực đăng cai và tổ chức nhiều sự kiện thể thao quy mô lớn, mang tầm cỡ quốc tế như: Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng, Đại hội thể thao bãi biển châu Á ABG5, Danang International Marathon, IRONMAN 70.3 Vietnam, Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race 2016, Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á,...
Trong khi đó, tính riêng năm 2024, TP.HCM thu hút du khách bởi một loạt các sự kiện, giải đấu thể thao. Nổi bật là Giải Marathon Quốc tế TP.HCM Techcombank được tổ chức vào đầu tháng 12, ghi nhận con số kỷ lục với gần 18.000 VĐV tham dự, góp phần kích cầu du lịch dịp cuối năm. Đường chạy đi qua 17 di tích lịch sử, văn hóa, được xem là cách quảng bá du lịch hiệu quả, nhất là đối với các VĐV quốc tế.
Tiến sĩ Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, nhận định: "Du lịch thể thao là cách giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn lực du lịch, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. Mỗi hành trình du lịch thể thao mang đậm dấu ấn cá nhân, tạo ra các 'ngưỡng' để du khách chinh phục, để lại kỷ niệm khó quên cho du khách".
Ông cho rằng địa hình nước ta có nhiều thuận lợi để triển khai nhiều hoạt động du lịch thể thao, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên với cảnh quan đồi núi, thác ghềnh, khí hậu trong lành, giúp người tham gia nâng cao thể lực và trí lực. Một số địa phương có thể phát triển du lịch thể thao thành thương hiệu riêng như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông,...
Trong đó, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) và các vùng phụ cận đã giải nén được nguồn lực sẵn có về mặt địa hình, cảnh quan, phát triển du lịch gắn với các hoạt động như hiking, trekking, leo núi, vượt thác, đu zipline...
Ngoài ra, một số tỉnh thành miền Tây với cảnh quan đồng bằng, thuận lợi cho loại hình đạp xe liên tuyến ở Đồng Tháp, An Giang, nhưng chưa thực sự nở rộ.
Gỡ khó
Dù có tiềm năng lớn, du lịch thể thao Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều rào cản. Theo PGS.TS Phạm Hồng Long, việc thiếu chiến lược phát triển toàn diện là một trong những thách thức khiến du lịch thể thao tại Việt Nam chưa thực sự bùng nổ.
"Hiện nay, Việt Nam tập trung vào du lịch biển, sinh thái, văn hóa và đô thị, trong khi du lịch thể thao chưa có một kế hoạch phát triển toàn diện. Điều này dẫn đến các sự kiện thể thao tổ chức một cách manh mún", ông Long cho biết.
Đơn cử, mỗi năm có hàng trăm giải chạy marathon được tổ chức tại Việt Nam. Tuy nhiên đây là chiến lược của các doanh nghiệp vì vậy các giải được tổ chức khá rời rạc, thiếu tính đồng bộ.
Bên cạnh đó, du lịch thể thao là loại hình du lịch đặc thù, đòi hỏi những điều kiện nhất định về mặt cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao, giải pháp an ninh - an toàn, dịch vụ hậu cần và hệ thống y tế để hỗ trợ các sự kiện thể thao lớn. Việc này đặt ra một thách thức lớn dành cho Việt Nam khi muốn tổ chức những sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế.
Ông Long còn cho rằng đối với loại hình du lịch có tính chất chuyên biệt như du lịch thể thao, đòi hỏi nguồn nhân lực được đào tạo chuyên môn. Việt Nam hiện chưa có cơ sở đào tạo chuyên sâu về tổ chức sự kiện và quản lý du lịch thể thao, dẫn đến thiếu nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực này.
So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện thể thao đẳng cấp thế giới. Các nước như Thái Lan, Malaysia đã xây dựng thành công chiến lược phát triển du lịch thể thao, khiến Việt Nam khó cạnh tranh nếu không có sự đầu tư bài bản.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang là một điểm đến còn mới lạ đối với du khách. "Trong du lịch, mới lạ là yếu tố rất quan trọng để thu hút du khách. Vì vậy nếu có sự đầu tư bài bản và chiến lược phù hợp, chúng ta sẽ là một điểm đến mới trên bản đồ du lịch thể thao của thế giới", ông Long chia sẻ.
Về phần mình, TS Dương Đức Minh cho rằng nếu làm tốt, du lịch thể thao sẽ đóng góp giá trị kinh tế rất lớn, vì giá tour và các giá trị gia tăng của du lịch thể thao mang lại gấp nhiều lần so với du lịch đại chúng.
Tuy nhiên, thị trường gửi khách nhiều nhất tại Việt Nam chủ yếu là khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ... Nhóm du khách này không có thói quen du lịch thể thao nhiều, dẫn đến lượng khách nòng cốt còn khá hạn chế. Trong khi đó, giới siêu giàu đến Việt Nam lại thường quan tâm đến những tiện nghi và các trải nghiệm độc đáo. Vì vậy, ngành du lịch cần đầu tư nghiên cứu và xây dựng chiến lược phát triển phù hợp.