Việt Nam có 369 chương trình đại học liên kết đào tạo với nước ngoài

Các chương trình liên kết đào tạo đại học với nước ngoài đang trở thành xu thế lựa chọn của nhiều người, mở ra cơ hội cho sinh viên có bằng cấp quốc tế với chi phí thấp hơn du học.

Số lượng liên kết đào tạo ngày một tăng

Hiện nay, số lượng liên kết đào tạo ngày một tăng trong đó cả nước có 62 cơ sở giáo dục đại học có chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài với 369 chương trình liên kết đào tạo.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với Nhà báo & Công luận bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hiện nay, trường có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có 5 cơ sở gồm Trường Đại học Anh quốc Việt Nam, Trường Đại học RMIT Việt Nam, Trường Đại học Fulbright, Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam và Trường Đại học Mỹ tại Việt Nam.

Đáng chú ý, hiện tại có 32 chương trình đào tạo, trong đó đại học 30 và thạc sĩ 2 được giảng dạy theo các chương trình đào tạo của nước ngoài dưới dạng chương trình liên kết, hoặc theo chương trình của trường mẹ ở nước ngoài (RMIT, Trường Đại học Y khoa Tokyo) và đa số cấp bằng của nước ngoài.

Tính đến 31/6/2024, số lượng sinh viên/học viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài là 3.457 người. Đội ngũ giảng viên có 207 người (không bao gồm giáo viên thỉnh giảng), trong đó tỉ lệ giảng viên người nước ngoài chiếm 74% (154/207 người), phần lớn đội ngũ giảng viên đều có trình độ tiến sĩ.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Nhà báo & Công luận.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Nhà báo & Công luận.

Đến 6/2024, cả nước có 62 cơ sở giáo dục đại học có chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài với 369 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài (gồm 285 chương trình ở trình độ đại học, 74 trình độ thạc sĩ và 10 trình độ tiến sĩ).

Đặc biệt trong 369 chương trình, theo quốc gia (Anh 120, Úc 40, Mỹ 34, Đức 28, Pháp 26, Hàn Quốc 21 và Đài Loan 14, còn lại 86 thuộc các quốc gia khác (Áo, Ba Lan, Bỉ, Trung Quốc, Canada, Séc, Đan Mạch, Hà Lan, Italia, Malaysia, Nhật Bản, New Zealand, Thụy Sĩ...).

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, việc liên kết đào tạo với nước ngoài theo nhóm ngành đào tạo, nhóm ngành kinh doanh, tài chính, kế toán, quản trị, quản lý chiếm 50% Nhóm ngành khoa học và công nghệ, nhóm ngành KHXH&NV và các ngành khác (như Y khoa, Dược, Luật) chiếm 50%.

Cách chọn chương trình liên kết

Các chương trình liên kết đào tạo đại học với nước ngoài đang trở thành xu thế lựa chọn của nhiều người, mở ra cơ hội cho sinh viên có bằng cấp quốc tế với chi phí thấp hơn du học. Để chọn chương trình liên kết đào tạo chuẩn, phù hợp với bản thân trong mùa tuyển sinh đại học năm 2024, người học nên quan tâm đến chuẩn đầu ra hơn là mác nước ngoài của chương trình.

Trước đó trao đổi với báo Đại Biểu Nhân Dân về cách chọn chương trình liên kết chuẩn được Bộ GD&ĐT công nhận để tránh "tiền mất tật mang" PGS.TS Lê Trung Thành cho hay, chất lượng của một chương trình liên kết đào tạo quốc tế phụ thuộc vào uy tín của đối tác nước ngoài, nội dung chương trình đào tạo của họ và năng lực triển khai chương trình của đối tác Việt Nam.

Để đánh giá uy tín của một trường đại học nước ngoài, hiện ở Việt Nam chủ yếu công chúng nhìn vào bảng xếp hạng của trường đó tại các trang web như Times Higher Education, QS World ranking.

Phụ huynh và thí sinh cần lưu ý rằng mỗi bảng xếp hạng đều là tổng hòa của những tiêu chí khác nhau (Ví dụ: Số lượng bài nghiên cứu được xuất bản, sự hài lòng cúa người học, khả năng kiếm việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, cơ sở vật chất, cơ sở dữ liệu, rồi còn xếp hạng theo ngành...) và vì thế không nhất thiết cứ phải những trường có thứ hạng rất cao thì chương trình liên kết đào tạo mới có chất lượng tốt. Trên thực tế có những trường không xếp hạng trên THE hay QS song lại rất có uy tín, ví dụ như một số trường Ivy League của Mỹ.

Vì vậy, phụ huynh và thí sinh cần xem xét nhiều hơn vào thực chất chương trình đào tạo, sự tham gia của đối tác nước ngoài trong công tác bảo đảm chất lượng cho chương trình liên kết đào tạo. Ví dụ như tại các chương trình cử nhân và thạc sĩ của chúng tôi, đối tác nước ngoài là các Trường Đại học Anh quốc cùng tham gia vào các hoạt động đảm bảo chất lượng và kiểm định cho chương trình. Giống như các chương trình của trường đối tác tại UK, các chương trình của chúng tôi đều đạt kiểm định chất lượng của QAA – Tổ chức kiểm định độc lập uy tín của Anh quốc.

Yếu tố quyết định chất lượng của chương trình liên kết đào tạo quốc tế nằm ở năng lực triển khai của đối tác Việt Nam, được thể hiện ở uy tín, kinh nghiệm, chất lượng đội ngũ (giảng viên và cán bộ quản lý), quan điểm và môi trường đào tạo của cơ sở giáo dục Việt Nam.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/viet-nam-co-369-chuong-trinh-dai-hoc-lien-ket-dao-tao-voi-nuoc-ngoai-204240809110119087.htm
Zalo