Việt Nam có 11,8 triệu ha đất đang bị sa mạc hóa

Biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người gây ra khiến 11,8 triệu ha đất của nước ta đang bị sa mạc hóa.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nước ta có khoảng 1,2 triệu ha đất bị suy thoái nặng, 3,8 triệu ha đất suy thoái trung bình và 6,8 triệu ha đất suy thoái nhẹ. Vùng có diện tích đất suy thoái lớn nhất là Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Báo cáo tổng kết Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa giai đoạn 2006-2010, định hướng 2020 và đề xuất chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 của Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho thấy, trong giai đoạn này, ứng dụng tiến bộ, khoa học công nghệ trong phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể như giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; nghiên cứu cây trồng chịu hạn, chịu mặn...

Sau 15 năm thực hiện, nguyên nhân sa mạc hóa do hoạt động của con người gây ra đã dần được khắc phục, công tác phòng, chống sa mạc hóa dần chuyển từ bị động sang chủ động.

Nỗi lo đất bị sa mạc hóa. Ảnh: VNN

Nỗi lo đất bị sa mạc hóa. Ảnh: VNN

Tuy nhiên, tổng diện tích đất bị thoái hóa hiện nay vẫn chiếm 35,7% tổng diện tích tự nhiên cả nước. Đáng chú ý, có 43% diện tích đất bị thoái hóa là đất sản xuất nông nghiệp và 42% diện tích bị thoái hóa là đất lâm nghiệp.

Trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu và áp lực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tại các vùng nguy cơ sa mạc hóa cao, nhiệm vụ chống sa mạc hóa còn nhiều thách thức và cần thiết phải tiếp tục có những hành động mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Kết quả điều tra cho thấy, Trung du và miền núi phía Bắc là các vùng có nguy cơ cao về thoái hóa đất, chiếm 37% tổng diện tích đất bị thoái hóa cả nước. Tiếp đến là Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung với 30% diện tích, vùng Tây Nguyên là 15%.

Ông Trần Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, dẫn kết quả đánh giá thoái hóa đất, Ninh Thuận có diện tích đất bị thoái hóa lớn nhất trong 8 tỉnh vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ (xấp xỉ 69% diện tích đất điều tra).

Nguyên nhân chủ yếu bởi xói mòn đất do mưa và gió; do khô hạn, hoang mạc hóa; suy giảm độ phì của đất; kết von hóa; mặn hóa và phèn hóa.

Ông Hiếu nhấn mạnh vấn đề cơ bản của hoang mạc hóa ở Ninh Thuận chính là hạn hán, thoái hóa đất và cồn cát di động theo mùa gió trong năm. Quá trình này đang diễn ra mạnh ở cả quy mô và cường độ tại tỉnh khi phải gánh chịu hạn hán gay gắt trong những năm gần đây.

Tại Sơn La, diện tích đất bị thoái hóa cũng lên tới hơn 777.000 ha. Nguyên nhân cũng bởi hạn hán và thoái hóa đất. Điều báo động, quá trình này sẽ diễn ra mạnh hơn, nhanh hơn cả về cấp độ so với những khu vực bị ảnh hưởng khi chịu tác động của nắng nóng, nhiệt độ cao, khô hạn kéo dài, xâm nhập mặn gây nên bởi biến đổi khí hậu.

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, nhìn nhận, thoái hóa đất và hoang mạc hóa là một trong những vấn đề môi trường và tài nguyên thiên nhiên mà ngành nông lâm nghiệp phải đối mặt và giải quyết. Hiện tượng này đang xảy ra với mức độ gây thiệt hại rất lớn cho môi trường, kinh tế, xã hội.

Do đó, bảo vệ rừng, ngăn chặn nạn phá rừng, trồng và phục hồi rừng theo hướng bền vững đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống và khắc phục sa mạc hóa đất vùng đồi núi, khu vực ven biển...

Ông cũng lưu ý việc điều tiết, duy trì nguồn nước cũng đóng góp vào mục tiêu chống thoái hóa đất, sa mạc hóa.

Sa mạc hóa, trong văn kiện Công ước chống sa mạc hóa của Liên Hợp quốc được thông qua ở Hội nghị thượng đỉnh về môi trường và phát triển tại Rio de Janeiro năm 1992, có nghĩa là sự suy thoái đất đai tại các vùng khô hạn, bán khô hạn, vùng ẩm nửa khô hạn.

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến đất bị sa mạc hóa, trong đó có biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người gây ra.

Tâm An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/viet-nam-co-11-8-trieu-ha-dat-dang-bi-sa-mac-hoa-2354726.html
Zalo