Việt Nam chung nhịp đập sẻ chia, hợp tác vì một thế giới hòa bình

Chuyến đi '2 trong 1' của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (gồm 2 nước Cuba và Hoa Kỳ) có dấu ấn lớn về ngoại giao vaccine.

Đêm qua 25/9, theo giờ Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam đã về đến Việt Nam, kết thúc hết sức thành công chuyến thăm chính thức Cuba từ ngày 18-20/9 và dự Phiên thảo thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) từ ngày 21-24/9 tại New York. Chuyến thăm chính thức Cuba mở ra một giai đoạn hợp tác phát triển mới giữa hai nước, hướng tới mục tiêu “cùng thắng” dựa trên cơ sở niềm tin sâu sắc, tình đoàn kết, anh em gắn bó bền chặt, không khó khăn nào ngăn cản được trong suốt hơn 60 năm qua. Còn chuyến tham dự phiên thảo luận của Đại hội đồng đã tiếp tục thể hiện một Việt Nam năng động, trách nhiệm, một đối tác mạnh của LHQ trong 44 năm tham gia tổ chức này. Chuyến đi “2 trong 1” của Chủ tịch nước có dấu ấn lớn về ngoại giao vaccine.

“Việt Nam-Cuba đoàn kết nhất định thắng”

Năm 1960, trong lúc Việt Nam hết sức khó khăn, CuBa sẵn lòng trở thành quốc gia đầu tiên ở Tây bán cầu công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam. Sau 60 năm, lúc này Cuba đang ở giai đoạn khó khăn do bao vây cấm vận, cả Việt Nam và Cuba đang rất vất vả ứng phó với đại dịch COVID-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đến với người bạn, người anh em, đồng chí của mình để đối thoại chính trị ở cấp độ cao nhất, cùng nắm chặt tay nhau vượt qua khó khăn.

Chủ tịch nước đứng cạnh lô vaccine và thiết bị y tế do Cuba, Hoa Kỳ tài trợ.

Chủ tịch nước đứng cạnh lô vaccine và thiết bị y tế do Cuba, Hoa Kỳ tài trợ.

Tiến sĩ Ruvislei González Saez, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Cuba – Việt Nam đánh giá đây là chuyến thăm lịch sử sau Đại hộ VIII Đảng Cộng sản Cuba: "Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia tới Cuba kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, từ tháng 3/2020. Đó là một chi tiết mà tôi nghĩ đi vào lịch sử và một lần nữa chứng minh sự gần gũi giữa 2 nước trong những hoàn cảnh gian khó. Ở chiều ngược lại, đây cũng là chuyến thứ 2 của Chủ tịch nước Việt Nam kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ, sau chuyến thăm Lào vào tháng 8 vừa qua, và cho thấy tầm quan trọng của Cuba trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ngoài ra năm nay cũng là năm kỷ niệm 55 năm chuyến thăm đầu tiên của Đại tướng Rául Castro tới Việt Nam, trong đó ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón. Những đặc điểm đó cho thấy sự cam kết của các lãnh đạo thế hệ mới của cả hai nước trong việc tiếp nối tình đoàn kết truyền thống, lịch sử giữa hai dân tộc."

Với tầm quan trọng đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba đã đón tiếp Chủ tịch nước hết sức trọng thị, ấm áp tình đồng chí anh em, từ lễ đón với nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia đến sắp xếp để Chủ tịch nước ta hội đàm, hội kiến với lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quốc hội Cuba; gặp gỡ Đại tướng Raul Castro, gặp gỡ, giao lưu với các viện, hội, đoàn thể Cuba…

Từ đó, kết quả quan trọng trước hết chính là tiếp tục vun đắp niềm tin, làm sâu sắc hơn mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước. Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình. Câu nói nổi tiếng của lãnh tụ Fidel Castro được chính các nhà lãnh đạo cao nhất của Cuba, đại diện các hội, đoàn thể Cuba nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Điều đó mang lại một cảm nhận rất rõ về tình đồng chí, anh em gắn bó được duy trì suốt 60 năm qua.

Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam cảm nhận: "Việc Chủ tịch nước và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã dành thời gian và thực hiện hoạt động đầu tiên của mình trong chuyến thăm rất quan trọng này là cuộc gặp với bạn bè Cuba, thể hiện sự coi trọng đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước chúng ta, cũng như hoạt động của các tổ chức hữu nghị. Và chúng tôi rất cảm động trước việc Viện Cuba hữu nghị với các dân tộc và Hội hữu nghị Cuba Việt Nam đã tổ chức một cuộc gặp với đông đảo đại diện của các tổ chức, nhân dân Cuba, thể hiện tình cảm đặc biệt sâu sắc, gắn bó, đoàn kết, thủy chung giữa nhân dân hai nước chúng ta".

Phó Chủ tịch Viện Cuba hữu nghị với các dân tộc, bà Fernandez, cho biết: "Cuba có truyền thống là thực hiện một số hoạt động giáo dục thế hệ trẻ và chúng tôi rất cố gắng giáo dục thế hệ trẻ Cuba về tình cảm đặc biệt của hai dân tộc chúng ta. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định lại tình cảm đặc biệt của Việt Nam dành cho Cuba và sẵn sàng hỗ trợ Cuba vượt qua khó khăn. Ngược lại, nhân dân Việt Nam sẽ nhận thấy tình cảm đặc biệt nhân dân Cuba dành cho Việt Nam. Hôm nay, ngày mai và mãi mai sau nhân dân Cuba sẽ ủng hộ Việt Nam trong bât kỳ hoàn cảnh nào".

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Làm được điều gì đóng góp cho mối quan hệ tốt đẹp đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng để đóng góp vào mối quan hệ tốt đẹp ấy. Dù Việt Nam còn nhiều khó khăn nhưng cố gắng đóng góp một phần nhỏ bé của mình hỗ trợ cùng Cuba anh em. Đây là thông điệp chuyến đi này. Đảng, nhân dân Việt Nam luôn sát cánh kề vai cùng Đảng, nhân dân Cuba anh em. Phó Chủ tịch nước Cuba đón tôi tại sân bay có cho biết, Việt Nam là nước mà Cuba luôn đặt niềm tin tưởng. Chúng tôi hiểu và nỗ lực để xứng đáng với niềm tin của nhân dân Cuba anh em".

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặt vòng hoa tại Khu tưởng niệm lãnh tụ Jose Marti tại Santiago, Cuba.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặt vòng hoa tại Khu tưởng niệm lãnh tụ Jose Marti tại Santiago, Cuba.

Chính từ niềm tin son sắt ấy, trong chuyến thăm lần này, lãnh đạo hai nước đã dành cho nhau những chương trình hợp tác đặc biệt. Đầu tiên là vaccine. Dù mới tiêm chủng được 40% dân số nhưng Cuba đã đồng ý chuyển giao công nghệ cũng như sẽ cấp cho Việt Nam 10 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam, trong đó có 5 triệu liều vaccine Abdala, một loại vaccine đã được tiêm cho nhân dân Cuba với mức độ bảo vệ lên tới 99,92%. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đây là minh chứng sinh động về sự ủng hộ kịp thời mà Cuba luôn dành cho Việt Nam như câu nói của Lãnh tụ Fidel Castro “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Thực tế Cuba đã khẩn trương tập hợp vaccine và 1,05 triệu liều vaccine Adala đã về đến Việt Nam đêm qua theo chuyên cơ của Chủ tịch nước. Ngoài ra, doanh nghiệp hai nước cũng đã ký kết chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Soberana 2 (dành cho trẻ em).

Ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, tháp tùng Chủ tịch nước trong chuyến đi, cho biết: "Chúng tôi cũng đề nghị bạn mau chóng gửi hồ sơ liên quan để Việt Nam khẩn trương xem xét cấp phép vaccine cho trẻ em và có thể đàm phán thêm 5 triệu liều vaccine nữa dành cho trẻ em. Chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế Cuba với 8 nội dung trong hợp tác hai nước giai đoạn 2021-2026 tương đối toàn diện về nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ và chuyên gia."

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cho biết, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta không chỉ hỗ trợ lương thực cho Cuba lúc bạn khó khăn mà VN sẽ nỗ lực hết sức để giúp Cuba tự chủ lương thực: "Khi các bạn Cuba gặp khó khăn, chúng ta đã có phong trào vận động rất sâu rộng. Đảng, Nhà nước ta đã dành khoản hỗ trợ bạn 23.000 tấn gạo, vừa giúp ứng phó với dịch bệnh, vừa ứng phó bao vây cấm vận. Trong chuyến thăm này thì Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân ta hỗ trợ Đảng, Nhà nước, nhân dân Cuba 5.000 tấn gạo. Đồng thời các bộ, ngành cũng hỗ trợ thêm 1.000 tấn gạo, hỗ trợ giống ngô lai và sản xuất lương thực, thiết bị y tế máy tính".

Dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Cuba Diaz Canel, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp hai nước đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác, trong đó có Kế hoạch hành động triển khai Chương trình nghị sự kinh tế trung hạn giai đoạn 2021-2025; các văn bản hợp tác trong lĩnh vực y tế, thủy sản, tư pháp, viễn thông, năng lượng, du lịch.

Trong chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã vinh dự đón nhận Huân chương Jose Marti, Huân chương cao quý nhất của nhà nước Cuba, do trực tiếp Chủ tịch nước Cuba Diaz Canel chủ trì lễ trao tặng và gắn Huân chương, thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước Cuba đối với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về những cống hiến cho mối quan hệ Việt Nam-Cuba.

Trong chuyến thăm Cuba, hai Chủ tịch nước hai nước tiếp tục khẳng định kiên định con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước. Và một chi tiết đặc biệt nữa là Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Diaz Canel ở hai thời điểm khác nhau nhưng đều có những phát biểu cụm từ đoàn kết để “cùng thắng”. Chủ tịch nước Diaz Canel nêu rõ: Nếu với Fidel, Cuba từng bày tỏ sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình vì Việt Nam, thì ngày nay chúng tôi sẵn sàng cung cấp và chuyển giao công nghệ vaccine chống COVID-19 của chính mình cho nhân dân Việt Nam. Trước những thách thức toàn cầu, Cuba và Việt Nam đoàn kết nhất định sẽ chiến thắng.

Còn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thì nhấn mạnh: "Trong hơn 6 thập kỷ qua, dẫu hai nước cách xa muôn dặm trùng khơi, nhưng trái tim của tình đồng chí luôn luôn ấm tình, chung nhịp đập, hướng tới chiến thắng. Tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam Cuba mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. Fidel Castro và Hồ Chí Minh sống mãi. Việt Nam Cuba đoàn kết nhất định thắng".

“Việt Nam cùng toàn thế giới chung nhịp đập sẻ chia, yêu thương”

Sau khi kết thúc chuyến thăm chính tức Cuba với nhiều thành công quan trọng, mở ra giai đoạn hợp tác, phát triển mới giữa hai nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam đã lên đường đi New York - Hoa Kỳ, tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 76.

Với chủ đề: “Cùng vững tin và tự cường – Hướng tới phục hồi sau COVID-19, tái thiết bền vững, bảo vệ hành tinh, thúc đẩy quyền con người và cải tổ Liên hợp quốc”, Chủ tịch nước đã đề xuất rất nhiều giải pháp giải quyết các thách để giải quyết các thách thức toàn cầu. Điều này không chỉ thể hiện Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm với quốc tế, mà còn thể hiện “luôn là một đối tác mạnh của LHQ” như đánh giá của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres.

Chủ tịch nước tiếp các đối tác của Delta Offshore - Bac Lieu Energy tại Hoa Kỳ

Chủ tịch nước tiếp các đối tác của Delta Offshore - Bac Lieu Energy tại Hoa Kỳ

Việt Nam đã trúng cử với 192/193 phiếu bầu. Đây là thời khắc quan trọng, đánh dấu uy tín quốc tế của Việt Nam khi được bầu là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Do đó, chuyến tham dự Phiên thảo luận cấp cao lần này của ĐHĐ LHQ còn là dịp để Việt Nam khẳng định với thế giới về những đóng góp sau 44 năm gia nhập LHQ; cảm ơn các nước đã và sẽ tiếp tục đặt niềm tin vào Việt Nam như phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Trong hai năm qua, Việt Nam luôn nêu cao tinh thần “Đối tác vì nền hòa bình bền vững”, đề cao đối thoại, hợp tác, chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào nỗ lực ngăn ngừa và giải quyết các xung đột. Việt Nam đã thúc đẩy các nội dung mới và thiết thực, đáp ứng quan tâm chung về đề cao Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, tăng cường hợp tác với tổ chức khu vực, ngăn ngừa xung đột, giải quyết hậu quả bom mìn, bảo vệ người dân và cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang... Quốc kỳ của Việt Nam đang tung bay tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và sắp tới sẽ hiện diện tại nhiều Phái bộ Liên hợp quốc ở các quốc gia khác. Với nguyện vọng tiếp tục đóng góp cho công việc chung, Việt Nam đang ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 – 2025 và các cơ chế quan trọng khác của Liên Hợp Quốc, và mong muốn nhận được sự ủng hộ của các nước.

Chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, song Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ cùng người dân trên toàn thế giới chung nhịp đập sẻ chia, yêu thương, hợp tác để cùng nhau sớm chiến thắng đại dịch, xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển phồn vinh, người dân hạnh phúc. Đó sẽ là chiến thắng vĩ đại của tất cả chúng ta.

Như thông điệp “Việt Nam sẽ cùng người dân trên toàn thế giới chung nhịp đập sẻ chia, yêu thương” tại phiên thảo luận chung cấp cao của ĐHĐ LHQ lần này, trước sự tham dự của hơn 100 nguyên thủ, lãnh đạo các nước tham gia, Việt Nam tiếp tục đóng góp toàn diện để giải quyết 4 thách thức toàn cầu hiện nay gồm: dịch COVID-19; biến đổi khí hậu; bất ổn chính trị và xung đột; lương thực bền vững. Với uy tín quốc tế và những kinh nghiệm của mình, Việt Nam đã được mời phát biểu ở cả 4 nội dung này, trong đó được mời phát biểu ở cả những có hội nghị rất hạn chế số lượng phát biểu.

Để ứng phó thách thức cấp bách là đại dịch COVID-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề xuất tại phiên thảo luận: "Thế giới chưa thể an toàn khi còn có bất cứ người dân hay quốc gia nào chưa an toàn trước đại dịch. Để sớm đẩy lùi COVID-19, cần tăng cường hợp tác và đoàn kết trên tinh thần trách nhiệm và sẻ chia, nhất là ưu tiên cung cấp vaccine cho người dân những nước có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, tạo điều kiện để các nước đang phát triển hợp tác sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng vaccine".

Chủ tịch nước phát biểu tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Khóa họp 76 Đại hội đồng LHQ

Chủ tịch nước phát biểu tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Khóa họp 76 Đại hội đồng LHQ

Đây là đề xuất rất trúng được quốc tế đánh giá cao, bởi phát biểu trước đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã phê phán tình trạng phân phối vaccine COVID-19 không công bằng, mô tả đây là "điểm F”, một thang điểm rất thấp, về đạo đức. Và ngay tại phiên thảo luận lần này, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cam kết cung cấp nửa tỉ liều vaccine nữa cho cơ chế COVAX. Nhiều quốc gia khác cũng đã cam kết ủng hộ vaccine cho cơ chế này.

Trước thách thức biến đổi khí hậu, Chủ tịch nước đề nghị các nước khẩn trương thực hiện cam kết để nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C, nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, Chủ tịch nước đưa ra sáng kiến Liên Hợp Quốc thiết lập cơ sở dữ liệu tổng thể về tác động đa chiều của nước biển dâng để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách ứng phó ở cấp độ toàn cầu.

Đối với thách thức về bất ổn an ninh lương thực, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu kinh nghiệm của Việt Nam trong tự chủ lương thực, đồng thời kêu gọi hợp tác quốc tế để cùng chung tay giải quyết vấn đề này. Việt Nam sẵn sàng tham gia các khuôn khổ hợp tác của Liên Hợp Quốc và muốn phát triển thành một trung tâm sáng tạo về lương thực thực phẩm ở khu vực.

Để giải quyết các vấn đề bất ổn chính trị, xung đột, Chủ tịch nước nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của LHQ và cho rằng, cần bồi đắp lòng tin giữa các quốc gia trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ quốc gia, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Chủ tịch nước một lần nữa bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Cuba, kêu gọi chấm dứt bao vây, cấm vận đơn phương đối với Cuba.

Đánh giá về những đóng góp quan trọng của Việt Nam giải quyết các thách thức toàn cầu đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cho rằng: "Phát biểu của Chủ tịch nước ta tại Đại hội đồng tập trung vào mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế và từ kinh nghiệm của Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp và cam kết. Các chia sẻ này được bạn bè quốc tế ủng hộ rất lớn. Tổng thư ký LHQ nói rằng, các bạn mà cam kết đẩy nhanh phát triển theo vững và hướng xanh thì LHQ luôn đứng sau và ủng hộ đến cùng cho Việt Nam".

Bên cạnh những dấu ấn tại các hoạt động đa phương, chuyến đi lần này của Chủ tịch nước còn để lại dấu ấn đậm nét về thúc đẩy quan hệ song phương, trong đó có thành công của ngoại giao vaccine. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, đánh giá: "Chủ tịch nước đã có hơn 30 cuộc tiếp xúc với tổng thống, thủ tướng các nước, cho thấy chúng ta đã chủ động tích cực để làm sâu sắc hơn quan hệ của nước ta với các đối tác, kể cả các nước lớn, các nước láng giềng và bạn bè truyền thống, tạo ra được một cục diện đối ngoại vững chắc hơn đối với nước ta trong thời gian tới. Chuyến đi lần này thể hiện được việc trên cơ sở quan hệ hữu nghị đàn kết và uy tín của mình thì chúng ta tranh thủ được sự ủng hộ của thế giới về nguồn lực phục vụ cho việc phòng chống dịch COVID-19 cũng như các nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội. Tổng thống Hàn Quốc cam kết hỗ trợ 1 triệu liều. Tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Hungari thì bạn cũng thông báo đã hoàn tất thủ tục để chuyển nhượng cho Việt Nam 400.000 liều vaccine với giá rẻ".

Ngoài ra, nhiều nước như Mỹ và một số quốc gia khác cũng cam kết tiếp tục cung cấp vaccine cho Việt Nam. Lãnh đạo của Công ty Pfizer cam kết với Chủ tịch nước sẽ cung cấp đủ 31 triệu liều vaccine người lớn cho Việt Nam, đồng thời khi Pfizer có đủ dữ liệu về hiệu quả và tính an toàn của vaccine trẻ em thì sẽ cung cấp cho Việt Nam 20 triệu liều. Ngoài vaccine, Tập đoàn Northwestern Medicine hỗ trợ thiết bị y tế trị giá 3,8 triệu USD, công ty Thermo Fisher cung cấp 270.000 bộ kit test trị giá 2 triệu USD, ông David Duong là Việt kiều tại Hoa Kỳ đã hỗ trợ 1.000 máy trợ thở,…

Một thành công quan trọng nữa trong chuyến đi, đó là sau khi Chủ tịch nước gặp gỡ gần 50 nhà đầu tư hàng đầu Hoa Kỳ, lãnh đạo các doanh nghiệp này cho biết sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đánh giá: "Tinh thần chung đều thể hiện đánh giá cao chính sách mở cửa cải cách của Việt Nam đang làm, tin tưởng vào thị trường, chính sách, môi trường và cơ hội đầu tư của họ ở Việt Nam. Đây là tín hiệu rất tích cực có thể cảm nhận rõ. Các tập đoàn rất quan tâm đến năng lượng, hạ tầng, y tế, tài chính ngân hàng… họ rất quan tâm và sẵn sàng đầu tư hàng chục tỷ USD. Vấn đề hiện nay là chúng ta tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, từ đó doanh nghiệp Hoa Kỳ đã vào Việt Nam ổn định và tiếp tục phát triển, qua đó thu hút các doanh nghiệp Hoa Kỳ chưa đầu tư thì sẽ vào Việt Nam trong tương lai".

Nếu như sau chuyến thăm Việt Nam mới đây, Phó Tổng thống Mỹ Harris vui mừng vì đã thảo luận với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về các nội dung hợp tác toàn diện giữa hai nước, thì trong chuyến đi New York lần này, Chủ tịch nước cũng đã dành nhiều thời gian tiếp các nghị sĩ, lãnh đạo Thượng viện, bạn bè cánh tả Hoa Kỳ, tiếp hàng chục doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ, để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực. Theo Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc, hợp tác về y tế là điểm sáng giữa hai nước thời gian qua khi hai nước đã hỗ trợ nhau vật tư, trang thiết bị y tế để phòng chống dịch, và Hoa Kỹ đã hỗ trợ tổng cộng cho Việt Nam 6 triệu liều vaccine.

Trong lịch trình gần 60 hoạt động tại New York, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian gặp gỡ kiều bào đại diện cho 2,2 triệu kiều bào Việt Nam tại Hoa Kỳ. Cuộc gặp gỡ đã diễn ra chân tình, cảm động, khi kiều bào đều bày tỏ trân trọng Nhà nước đã quan tâm, đón bà con về nước trong bối cảnh dịch bệnh. Dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước, ông David Dương, một Việt kiều thành danh ở Mỹ đã trao 1.000 máy thở cho Bộ Y tế phục vụ công tác điều trị COVID-19 trong nước.

Ông David Dương cho biết: "Tôi, gia đình và Việt kiều ở đây đều rất xúc động khi trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành xảy ra nặng nề, nhưng trong chuyến làm việc tại Đại hội đồng LHQ, Chủ tịch nước cũng đã dành thời gian gặp người Việt xa xứ, chia sẻ với những khó khăn hiện nay với bà con. Đó là những điều chúng tôi thấy rất cảm kích, ấm áp, cho Việt kiều thấy rằng Việt Nam luôn nhìn về người Việt ở mọi nơi, như Đảng, Nhà nước đã nói những người Việt Nam đang sống xa xứ là khúc ruột ngàn dặm".

Có thể nói chuyến thăm chính Cuba và tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 76 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thành công hết sức toàn diện, hiệu quả. Đây là sự phối hợp chặt chẽ giữa ngoại giao Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân, thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, thể hiện Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế./.

Vũ Dũng/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-chung-nhip-dap-se-chia-hop-tac-vi-mot-the-gioi-hoa-binh-893591.vov
Zalo