Việt Nam chưa được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường

'Ngày 2/8/2024 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành kết luận, theo đó mặc dù có ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua nhưng vẫn tiếp tục chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường', thông tin từ Bộ Công Thương nêu rõ.

Những bất lợi khi Việt Nam chưa được Hoa Kỳ công nhận có nền kinh tế thị trường

Theo thông báo tối 2/8 của Bộ Công Thương, dù đã có những bước tiến và tiến bộ vượt bậc trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thế nhưng Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận, chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Điều này có nghĩa rằng doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Hoa Kỳ, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá.

Cũng theo Bộ Công Thương, hơn 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những thay đổi và phát triển vượt bậc. Việt Nam đã ký kết và đưa vào thực thi thành công 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao với Liên minh châu Âu, các nước CPTPP, Liên Hiệp Vương quốc Anh với nhiều cam kết sâu rộng, toàn diện từ cắt giảm thuế tới nâng cao tiêu chuẩn lao động, bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa…

Cũng theo cơ quan này, những thay đổi đều được nêu trong hơn 20.000 trang thông tin, tài liệu gửi tới DOC. Các bản lập luận gửi cho phía Hoa Kỳ được chứng minh đầy đủ, nhất quán. Việc này nhằm chứng minh sự tiến bộ mạnh mẽ của Việt Nam trên tất cả sáu tiêu chí mà DOC đưa ra khi xem xét công nhận một quốc gia có nền kinh tế thị trường.

"Nếu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét hồ sơ và thực tiễn tại Việt Nam một cách khách quan, công bằng thì đã có thể thừa nhận thực tế rằng Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường như 72 nền kinh tế khác đã công nhận, trong đó có các nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Mexico, Úc, Nhật Bản, Ấn độ, Hàn Quốc, New Zealand…", Bộ Công Thương nêu rõ.

Theo Khoản 771 (18) của Đạo luật Thuế quan Hoa Kỳ 1930, 6 tiêu chí khi xem xét một quốc gia KTTT bao gồm:

(i) Mức độ chuyển đổi của đồng tiền;

(ii) Vấn đề đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động;

(iii) Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế;

(iv) Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân;

(v) Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả

(vi) Các yếu tố khác.

Thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của DOC. Sau đó, cơ quan này sẽ bổ sung, hoàn thiện lập luận để gửi hồ sơ yêu cầu phía Hoa Kỳ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

"Việc này nhằm cụ thể hóa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư song phương, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước", Bộ Công Thương cho hay.

Cùng đó, Bộ Công Thương khẳng định sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá, trợ cấp để đảm bảo lợi ích cao nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Hoa Kỳ là quốc gia tiến hành khởi xướng điều tra mới nhiều nhất trong năm 2023

Hoa Kỳ luôn là một trong những thị trường quan trọng nhất của Việt Nam, nhưng cũng đồng thời là thị trường có tiêu chuẩn cao và áp dụng ngày càng nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu từ nước ta.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ sụt giảm mạnh do tác động từ suy giảm kinh tế, lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu, lãi suất cao… Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã cơ bản phục hồi và dần lấy lại đà tăng trưởng ổn định.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/6, Hoa Kỳ là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 54,3 tỷ USD, trong đó xuất siêu ước đạt 47,2 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong 6 tháng, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 252 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ. Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá, chiếm 138 vụ; các vụ việc tự vệ chiếm 50 vụ việc; chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chiếm 37 vụ việc và chống trợ cấp là 27 vụ việc.

Theo báo cáo thường niên Phòng vệ thương mại năm 2023 của Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), riêng trong năm 2023 Việt Nam đã phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng bên cạnh nhiều vụ việc đang quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ,... Hoa Kỳ là quốc gia tiến hành khởi xướng điều tra nhiều nhất, với 7 vụ việc, trong đó có 4 vụ điều tra chống bán phá giá, 1 vụ điều tra chống trợ cấp, 2 vụ điều tra phạm vi sản phẩm/chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/viet-nam-chua-duoc-my-cong-nhan-la-nen-kinh-te-thi-truong.html
Zalo