Việt Nam chặn ứng dụng Telegram do vi phạm nghiêm trọng trên không gian mạng

Ngày 23.5, Cục Viễn thông (Bộ Khoa học - Công nghệ) đã có văn bản yêu cầu các nhà mạng tiến hành chặn truy cập vào ứng dụng Telegram tại Việt Nam. Quyết định này được đưa ra sau khi cơ quan chức năng xác định Telegram vi phạm nhiều quy định pháp luật, gây ảnh hưởng đến an ninh mạng và trật tự xã hội.

Động thái quyết liệt này được đưa ra sau đề nghị từ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) thuộc Bộ Công an, cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc làm trong sạch không gian mạng và bảo vệ an ninh quốc gia.

Theo công văn số 2312/CVT-CS ngày 2.5, Cục Viễn thông đã chỉ rõ những căn cứ pháp lý và thực tiễn cấp bách đòi hỏi phải có hành động ngay lập tức đối với Telegram.

Công văn này được ban hành dựa trên cơ sở văn bản số 2898/A05-P5 ngày 24.4 của A05, trong đó nêu chi tiết về tình hình vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến ứng dụng Telegram tại Việt Nam.

Theo Cục Viễn thông, Telegram đã không tuân thủ yêu cầu của cơ quan quản lý Việt Nam trong việc gỡ bỏ các nội dung xấu, độc trên nền tảng. Cụ thể, nhiều nhóm, kênh trên Telegram bị phát hiện phát tán tin giả, kích động chống phá Nhà nước, lừa đảo tài chính, rao bán hàng cấm (ma túy, vũ khí), nội dung khiêu dâm và cả các hình thức cá độ, cờ bạc trái phép.

Theo thông tin được cung cấp từ các đơn vị chức năng Bộ Công an, có 68% kênh, nhóm xấu độc trong tổng số các kênh, nhóm Telegram tại Việt Nam. Nhiều hội, nhóm trong đó có hàng chục nghìn người tham gia, được tạo lập để tán phát tài liệu chống phá. Bên cạnh đó, thời gian qua, xảy ra nhiều vụ lừa đảo trên Telegram với tổng số tiền hơn 1.000 tỉ đồng, hơn 13.000 nạn nhân được ghi nhận, dữ liệu của 23 triệu người dân bị rao bán.

Đáng chú ý, dù hoạt động mạnh tại Việt Nam, Telegram không có đại diện pháp lý, không phối hợp xử lý khi bị yêu cầu, vi phạm nghiêm trọng Luật An ninh mạng cũng như các quy định liên quan đến dịch vụ xuyên biên giới.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã gióng lên hồi chuông báo động về việc Telegram đang trở thành một công cụ đắc lực cho nhiều loại hình tội phạm. Với các tính năng như mã hóa đầu cuối mạnh mẽ, khả năng ẩn danh cao, dễ dàng tạo lập và quản lý các hội nhóm với số lượng thành viên khổng lồ, Telegram vô hình trung đã tạo điều kiện cho các đối tượng xấu hoạt động.

Việc chặn Telegram là bước đi kiên quyết nhằm bảo vệ quyền lợi người dân, đặc biệt là trước tình trạng lừa đảo, truyền bá thông tin độc hại đang ngày càng tinh vi. Đồng thời, đây cũng là thông điệp rõ ràng gửi đến các nền tảng xuyên biên giới: phải tuân thủ pháp luật Việt Nam nếu muốn hoạt động lâu dài.

Hiện tại, người dùng tại Việt Nam khi truy cập vào Telegram đã bắt đầu gặp tình trạng gián đoạn.

* Theo thống kê vào đầu năm 2024, ứng dụng Telegram đã thu hút hơn 900 triệu người dùng hoạt động hằng tháng, nằm trong top 5 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất toàn cầu. Thống kê của Statista cho thấy, Việt Nam nằm trong top 10 thị trường ưa chuộng ứng dụng này, với 12 triệu lượt tải năm 2022. Còn theo thống kê của Digital Report đầu năm 2023, 31,5% người dùng internet tại Việt Nam ở độ tuổi 16 - 64 có sử dụng Telegram.

* Theo quy định tại Nghị định 147/2024 của Chính phủ về quản lý internet, Telegram phải tuân thủ các quy định pháp luật khi cung cấp dịch vụ xuyên biên giới cho người sử dụng Việt Nam.

Ứng dụng này có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, loại bỏ, ngăn chặn thông tin vi phạm pháp luật khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp không hợp tác, cơ quan chức năng sẽ xử lý, triển khai biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn hành vi vi phạm.

Kể từ ngày 1.1, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet phải thực hiện thủ tục thông báo, Cục Viễn thông cho biết đã nhiều lần có văn bản nhưng Telegram không chấp hành quy định.

P.V

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/viet-nam-chan-ung-dung-telegram-do-vi-pham-nghiem-trong-tren-khong-gian-mang-232914.html
Zalo