Việt Nam cam kết tham gia xây dựng môi trường hòa bình, ổn định trên biển

Hội thảo khu vực về vai trò của Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) trong giải quyết tranh chấp liên quan tới Luật biển diễn ra trong hai ngày 5-6/5 tại Học viện Ngoại giao, tập trung thảo luận vào vai trò của ITLOS trong việc giải quyết tranh chấp trên biển, cũng như các vấn đề liên quan đến phân định biển và biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại phiên khai mạc sáng 5/5, Chánh án Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), ông Tomas Heidar nhấn mạnh, Hội thảo lần này là cơ hội quý giá để mang đến một góc nhìn sâu sắc hơn về các thủ tục pháp lý được nêu trong Phần XV của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) - tập trung vào thẩm quyền của ITLOS và cách thức đưa các vụ kiện ra trước Tòa án.

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng thảo luận về vai trò và đóng góp của ITLOS liên quan đến phân định biển và biến đổi khí hậu; góp phần định hình và phát triển luật biển quốc tế trong bối cảnh các thách thức toàn cầu ngày càng gia tăng.

"Là cơ quan tư pháp thường trực duy nhất được thành lập theo UNCLOS, kể từ khi ra đời, ITLOS đã không ngừng khẳng định vai trò của mình như một cơ chế tài phán đáng tin cậy và hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh từ việc áp dụng và giải thích Công ước. ITLOS đã nhận được sự tín nhiệm ngày càng tăng từ các nước thành viên, thể hiện qua việc đã thụ lý 30 vụ kiện liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau của luật biển, bao gồm cả các tranh chấp đáy biển quốc tế", ông Heidar nói.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Quang Hào

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Quang Hào

Đánh giá cao vai trò của nước chủ nhà tổ chức Hội thảo lần này, ông Heidar nhận định Việt Nam có vị trí địa lý nằm tại giao điểm của những tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới và sở hữu tới hơn 3.260 km đường bờ biển. Sự gắn bó này còn được thể hiện rõ nét qua cam kết lâu dài và tích cực của Việt Nam đối với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, thông qua việc tích cực tham gia Hội nghị Liên Hợp Quốc lần thứ ba về Luật Biển và là một trong những quốc gia đầu tiên đặt bút ký vào Công ước.

Việt Nam cũng phê chuẩn Công ước vào năm 1994, tiếp sau đó là Thỏa thuận liên quan đến việc thực thi Phần XI của UNCLOS vào năm 2006 và Hiệp định về nguồn cá vào năm 2018. Gần đây nhất, Việt Nam một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong của mình khi trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ký kết Hiệp định về đa dạng sinh học biển của các khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ).

Chánh án Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), ông Tomas Heidar phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Quang Hào

Chánh án Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), ông Tomas Heidar phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Quang Hào

Khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc tham gia xây dựng một môi trường hòa bình và ổn định trên biển, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh: "Tầm nhìn của chúng tôi là xây dựng một nền kinh tế biển mạnh mẽ, thịnh vượng vào năm 2030, đồng thời góp phần xây dựng một môi trường hợp tác hòa bình và ổn định ở tất cả các vùng biển, bao gồm cả Biển Đông. Chúng tôi hiểu rằng mục tiêu này chỉ có thể đạt được thông qua sự hợp tác quốc tế và việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển".

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, cam kết của Việt Nam đối với UNCLOS và ITLOS đã được hiện thực hóa thông qua các hành động cụ thể, từ việc tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế, điều chỉnh pháp luật quốc gia theo Công ước đến ủng hộ việc phổ biến UNCLOS.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Quang Hào

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Quang Hào

Việt Nam cũng tham gia Phiên tư vấn về Biên bản về Biến đổi Khí hậu của ITLOS, đánh dấu lần đầu tiên nước ta tham gia cả hai giai đoạn viết và trình bày trong các sự kiện quan trọng liên quan đến luật biển. Nỗ lực của Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc đóng góp chuyên môn mà còn trong việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp hòa bình, ủng hộ sử dụng các cơ chế của ITLOS và UNCLOS. Việt Nam cũng là quốc gia khởi xướng sáng kiến Nhóm bạn bè UNCLOS, quy tụ gần 120 quốc gia chung tay giải quyết các thách thức về biển và đại dương, đồng thời thúc đẩy tuân thủ Công ước.

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức hàng hải ngày càng phức tạp, từ tranh chấp trên biển, cạnh tranh chiến lược, suy giảm tài nguyên cho đến những tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu, vai trờ của UNCLOS và ITLOS trong việc đảm bảo một không gian hòa bình, ổn định trên biển càng trở nên cấp thiết.

Ông Nguyễn Minh Vũ khẳng định, các thể chế này không phải là những cấu trúc bất biến, mà là những cơ chế sống động, có khả năng thích nghi và phát triển để phù hợp với xu hướng vận động chung.

"Bằng cách tăng cường hiểu biết về vai trò và thủ tục của ITLOS, củng cố các nguyên tắc của UNCLOS và bảo đảm tính phù hợp của Công ước trước những thách thức toàn cầu mới, chúng ta có thể góp phần giữ cho đại dương mãi là không gian của hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững", Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.

Diệp Thảo/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-cam-ket-tham-gia-xay-dung-moi-truong-hoa-binh-on-dinh-tren-bien-post1197116.vov
Zalo