Việt Nam cải thiện về chỉ số Tự do kinh tế thế giới

Cuộc cải cách kinh tế Việt Nam từ năm 2011 đến nay được ghi nhận thông qua chỉ số Tự do kinh tế thế giới gợi suy cho chúng ta những bài học chính sách quan trọng.

Viện Fraser (Canada) đã công bố Báo cáo thường niên 2024: Tự do kinh tế thế giới vào ngày 16/10 vừa qua. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Việt Nam cải thiện về điểm số và thứ hạng trong chỉ số Tự do kinh tế thế giới.

Cụ thể, điểm số đã tăng từ 6,17 điểm năm 2019 lên 6,23 điểm năm 2022. Xét về thứ hạng, Việt Nam tăng từ thứ 123/165 lên 99/165 trong cùng thời kỳ. Đây cũng là lần đầu tiên, vị trí xếp hạng của Việt Nam nằm trong nhóm 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đứng đầu.

Điểm số và thứ hạng của Việt Nam cải thiện từ năm 2020-2022 là quãng thời gian thế giới chống chọi với đại dịch Covid-19. Để phòng chống dịch, nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp ảnh hưởng đáng kể đến quyền tự do kinh tế của người dân, dẫn đến điểm số tự do kinh tế trung bình thế giới đã suy giảm mạnh, từ 6,8 điểm năm 2019 xuống còn 6,56 điểm năm 2022.

Lần đầu tiên, vị trí xếp hạng của Việt Nam nằm trong nhóm 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đứng đầu. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Lần đầu tiên, vị trí xếp hạng của Việt Nam nằm trong nhóm 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đứng đầu. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Những ghi nhận về điểm số và thứ hạng của Việt Nam trong chỉ số Tự do kinh tế thế giới phản ánh Chính phủ Việt Nam đã có những điều chỉnh chính sách kinh tế kịp thời thân thiện với thị trường để hỗ trợ phục hồi kinh tế trong giai đoạn đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, xét về các chỉ số thành phần, quy mô chính phủ là lĩnh vực có điểm số và thứ hạng suy giảm nhiều nhất so với năm trước. Cụ thể, năm 2022, điểm số của lĩnh vực này là 6,28 - giảm từ mức điểm 6,51 của năm 2021, dẫn đến thứ hạng giảm từ 87 xuống 106.

Nguyên nhân chính là do mức thuế thu nhập và lương bổng cận biên cũng như tỷ lệ sở hữu tài sản nhà nước của Việt Nam còn quá cao, không có sự cải thiện so với các quốc gia khác trên thế giới.

Lĩnh vực Hệ thống pháp lý và quyền tài sản không có sự thay đổi về điểm số so với năm trước là 5,15; dẫn đến thứ hạng sụt giảm 1 bậc, từ 77 xuống 78 so với năm trước.

Lĩnh vực Đồng tiền vững mạnh đã có sự cải thiện đôi chút về điểm số (tăng từ 6, 95 lên 6,98) nhưng cũng đủ để giúp thứ hạng tăng mạnh từ 116 lên 105. Kiểm soát tăng trưởng cung tiền và lạm phát tiếp tục là điểm sáng ở lĩnh vực này.

Ở lĩnh vực Tự do thương mại quốc tế, điểm số của Việt Nam đã tăng từ 6,43 điểm lên 6,57 điểm từ năm 2021 đến năm 2022. Tuy thế, thứ hạng ở lĩnh vực này lại giảm từ 101 xuống 113. Việt Nam đạt kết quả tốt ở các tiểu thành phần liên quan đến mức thuế quan và tỷ giá chợ đen, đã được ghi nhận có sự cải thiện về rào cản pháp lý trong thương mại quốc tế.

Trong lĩnh vực cuối cùng, về quy định kinh doanh, Việt Nam tiếp tục ghi nhận những cải thiện về điểm số, từ 6,16 điểm năm 2021 lên 6,20 điểm năm 2022, giúp thứ hạng của Việt Nam tăng từ 103 lên 99 trong cùng thời kỳ. Đánh giá tích cực được ghi nhận đối với tiểu thành phần Kiểm soát tín dụng, nhưng tiêu cực với các tiểu thành phần Quy định kinh doanh.

Thay đổi tư duy điều hành kinh tế

Quan sát điểm số và thứ hạng chỉ số Tự do kinh tế thế giới của Việt Nam từ năm 2000 đến nay cho thấy, năm 2011 là năm đánh dấu sự chuyển mình của Việt Nam về tư duy điều hành kinh tế thông qua các chương trình tái cơ cấu kinh tế sâu rộng.

Về cơ bản, đó là sự từ bỏ tư duy chính sách kích cầu dễ dãi thông qua khu vực doanh nghiệp nhà nước vì mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn.

Công tác điều hành chính sách kinh tế của Chính phủ hàng năm luôn đặt ổn định vĩ mô làm ưu tiên hàng đầu, do vậy, nền kinh tế dần bộc lộ một loạt điểm nghẽn cản trở sự vận hành của thị trường.

Từ đó, Chính phủ đã kiên định tìm kiếm các giải pháp mở rộng tự do kinh tế cho người dân và doanh nghiệp thông qua các giải pháp như giảm gánh nặng thuế khóa cho doanh nghiệp, cắt giảm gánh nặng quy định hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh, mở cửa thương mại quốc tế, thu hút nhà đầu tư nước ngoài, cải thiện chất lượng đầu tư công… Tất cả các giải pháp này đã tạo ra tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững trong hơn một thập kỷ vừa qua.

Công tác điều hành chính sách kinh tế của Chính phủ hàng năm luôn đặt ổn định vĩ mô làm ưu tiên hàng đầu. Ảnh: Hoàng Hà

Công tác điều hành chính sách kinh tế của Chính phủ hàng năm luôn đặt ổn định vĩ mô làm ưu tiên hàng đầu. Ảnh: Hoàng Hà

Chỉ số Tự do kinh tế thế giới đã ghi nhận những thay đổi tích cực này của Việt Nam, với sự cải thiện thứ hạng liên tục từ thứ 141/165 năm 2011 lên thứ 99/165 năm 2022. Tuy trong 4 năm, 2019-2022, thứ hạng của Việt Nam đã tăng đáng kể, nhưng điểm số lại tăng khá chậm, một phần do đại dịch Covid-19.

Điều đó đặt ra những thách thức đối với Việt Nam trong “kỷ nguyên vươn mình” cũng như thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước vào năm 2045.

Bài học chính sách

Những bài học cải cách kinh tế của Việt Nam từ 2011 đến nay và được ghi nhận thông qua chỉ số Tự do kinh tế thế giới gợi suy cho chúng ta những bài học chính sách quan trọng sau đây:

Thứ nhất, ổn định vĩ mô phải luôn là ưu tiên hàng đầu trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Việt Nam đã làm được điều này ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Nhờ đó, chúng ta đã có dư địa để phục hồi kinh tế nhanh chóng so với nhiều nền kinh tế khác hiện vẫn đang phải loay hoay chống lạm phát.

Thứ hai, cắt giảm chi tiêu Chính phủ nhờ đó có dư địa giảm thuế và giảm nợ công góp phần quan trọng vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Từ đó, thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển, tạo ra nguồn thu bền vững cho ngân sách Chính phủ.

Trong những năm tới, Việt Nam sẽ phải đầu tư nhiều để phát triển cơ sở hạ tầng. Điều quan trọng, Chính phủ cần kiên trì chính sách coi vốn đầu tư công là “vốn mồi” để thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài vào phát triển cơ sở hạ tầng.

Thứ ba, mở rộng thương mại quốc tế cho nhiều quốc gia và khu vực luôn mang lại nhiều điều tốt hơn xấu cho nền kinh tế. Khi mở cửa, một bộ phận doanh nghiệp và người dân trong nước sẽ gặp khó khăn do chịu áp lực cạnh tranh từ nước ngoài. Nhưng kèm theo đó là sự học hỏi từ các đối tác giúp cho người dân và doanh nghiệp trong nước điều chỉnh và dịch chuyển cơ cấu ngành nghề.

Trong thời gian tới, Chính phủ cần tập trung rà soát, loại bỏ các rào cản thương mại phi thuế quan không thực cần thiết để giúp các doanh nghiệp trong nước tận dụng tốt hơn cơ hội kinh doanh từ các hiệp định thương mại quốc tế.

Thứ tư, đã đến lúc Việt Nam mạnh dạn mở cửa hơn nữa thị trường vốn, giao dịch ngoại tệ cũng như thu hút khách nước ngoài. Tất cả các bài toán đặt ra liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế, thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ… đều đòi hỏi phải mở cửa thị trường vốn.

Bài học từ việc mở rộng visa điện tử cũng như kéo dài thời gian lưu trú đã thu hút được khách nước ngoài quay trở lại trong hai năm vừa qua gợi mở cho việc, chúng ta có nên đơn phương miễn thị thực cho công dân của nhiều quốc gia khác hay không, như cách mà nhiều nước trong ASEAN đã làm.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước cần mạnh dạn rút khỏi những ngành nghề mà các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã có đủ năng lực cung ứng hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực: nông nghiệp, chế biến thực phẩm, hóa chất, sản xuất thép, xây dựng, vận tải, logistics, cung cấp điện (ngoại trừ một số nhà máy thủy điện lớn), bán lẻ, tài chính - ngân hàng.

Việc nhà nước rút khỏi những ngành nghề đó sẽ tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển năng lực sản xuất, làm tiền đề vươn ra bên ngoài trong kỷ nguyên mới.

Thứ sáu, nhanh chóng điều chỉnh các mức thuế thu nhập cũng như nghiên cứu thay đổi chính sách đóng bảo hiểm xã hội theo hướng thị trường để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước và bảo đảm nguồn trả lương hưu bền vững trong tương lai. Đây là những bất cập đã được dư luận nhắc đến trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có giải pháp cụ thể.

Cuối cùng, đẩy mạnh hệ thống tư pháp theo hướng độc lập, liêm chính và công bằng hơn.

Cần chuyển giao một phần nhiệm vụ rà soát, cắt giảm các quy định, văn bản dưới luật vi phạm các bộ luật hoặc hiến pháp được Quốc hội phê chuẩn sang cho các thẩm phán thay vì các cơ quan Chính phủ.

Đây nên được coi là giải pháp căn cơ để chống tham nhũng bền vững, đồng thời bảo vệ doanh nhân yên tâm làm ăn, kinh doanh và cán bộ nhà nước làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình.

Lan Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/viet-nam-cai-thien-ve-chi-so-tu-do-kinh-te-the-gioi-2333052.html
Zalo