Việt Nam bình luận về việc Campuchia rút khỏi Tam giác Phát triển CLV

Người phát ngôn Phạm Thu Hằng cho biết Việt Nam đã, đang và sẽ tham vấn với Lào và Campuchia nhằm thúc đẩy hợp tác giữa ba nước vì lợi ích nhân dân ba nước và vì cộng đồng ASEAN, vì hợp tác phát triển khu vực.

Chiều 17/10, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, bình luận về việc việc Campuchia rút khỏi cơ chế hợp tác Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV-DTA), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh:

“Mối quan hệ đoàn kết, gắn bó hữu nghị và tin cậy giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia là tài sản quý báu đối với cả ba dân tộc. Giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia có khá nhiều các cơ chế hợp tác, trong đó có CLV-DTA. Mỗi cơ chế đều có giá trị và đóng góp riêng cho quan hệ hợp tác hữu nghị cũng như sự phát triển của cả ba nước”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN

Theo bà Phạm Thu Hằng, trong 25 năm qua, hợp tác giữa ba nước theo cơ chế CLV-DTA đã góp phần thúc đẩy quan hệ truyền thống, hợp tác kinh tế, thương mại, giao lưu nhân dân và góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao đời sống người dân ở khu vực biên giới cũng như tại ba nước.

“Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tham vấn với Lào, Campuchia để tiếp tục thúc đẩy các hợp tác giữa ba nước sâu rộng, thực chất, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, vì lợi ích của người dân ba nước, vì Cộng đồng ASEAN và vì ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực,” Người phát ngôn Phạm Thu Hằng nhấn mạnh.

Sáng kiến thành lập Tam giác Phát triển Campuchia – Lào - Việt Nam (CLV-DTA) được Thủ tướng Campuchia Hun Sen đưa ra tại cuộc họp cấp cao ba Thủ tướng Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ nhất tại Vientiane, Lào năm 1999.

CLV-DTA được triển khai ở khu vực ngã ba biên giới của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Phạm vi của CLV-DTA bao gồm 13 tỉnh là Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri và Kratíe (miền Đông Campuchia); Attapu, Salavan, Sekong và Champasak (miền Nam Lào); Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước (khu vực Tây Nguyên, Việt Nam).

Ngày 20/9, Campuchia đã thông báo chính thức về quyết định rút khỏi CLV-DTA. Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Sok Chenda Sophea đã gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Lào để thông báo quyết định trên.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/viet-nam-bi-nh-luan-ve-viec-campuchia-rut-kho-i-tam-giac-phat-trie-n-clv-34544.html
Zalo