Việt - Lào đồng lòng 'vượt sóng'
Hôm nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Trong bối cảnh thế giới vừa trải qua giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch Covid-19, xung đột vũ trang và căng thẳng địa chính trị diễn ra tại nhiều điểm nóng khắp toàn cầu, việc củng cố và phát triển toàn diện mối quan đặc biệt Việt - Lào để hai quốc gia anh em gắn kết, tương trợ, cùng phát triển càng có ý nghĩa. Khi đối diện với một tương lai kinh tế - chính trị nhiều biến động và khó đoán định của địa chính trị và kinh tế thế giới, tình cảm đặc biệt Việt - Lào trở thành tài sản vô giá cho tương lai của hai quốc gia.
Châu Á - Thái Bình Dương đang là tâm điểm toàn cầu; là tương lai phát triển của nền kinh tế thế giới trong thế kỷ XXI. Vị trí địa lý đặt Việt - Lào trở thành trung tâm điểm của toàn khu vực. Nhưng cơ hội rộng mở không có nghĩa là quên đi những thách thức lớn lao hiện nay, khi Đông Nam Á cũng là trung tâm điểm cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc. Xung đột dai dẳng ở khu vực Bắc Phi, Trung Đông nhắc nhở cho hai quốc gia thấy rằng, hòa bình và ổn định là tài sản vô giá, nhưng tài sản đó cần đặc biệt được giữ gìn và vun đắp. Châu Âu, sau hơn bảy thập kỷ hòa bình tưởng như đã đứng trước ngưỡng cửa của một tương lai bình yên vĩnh viễn, tuy nhiên xung đột vũ trang ở lục địa này gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng không thể ngủ yên trên ảo tưởng hòa bình mãi mãi. Vẫn cần đặc biệt cảnh giác với chính trị cường quyền, với chủ nghĩa nước lớn và lối hành xử dựa trên sức mạnh để chèn ép các nước nhỏ hơn. Việt - Lào, vì vậy, cần trao đổi và chia sẻ nhiều hơn, để thống nhất những hiểu biết chung, đạt được tầm nhìn chung và gắn kết trong hành động chung để bảo vệ lợi ích quốc gia tối thượng của cả hai nước.
Trong bối cảnh hẹp hơn của khu vực, Việt - Lào, hai nước chia sẻ dòng Mekong vốn là nguồn sống nuôi dưỡng nền văn minh, văn hóa ngàn đời của người dân, cũng đối diện với những thách lớn đến từ biến đổi khí hậu. Các hoạt động trên sông Mekong ngay từ bây giờ sẽ định đoạt tương lai hàng chục năm, hàng trăm năm về mai sau của các thế hệ con em hai nước.
“Việt - Lào hai nước anh em” - di sản và mối quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia là không cần nhắc lại. Nhưng với bối cảnh mới, rõ ràng càng đòi hỏi hai quốc gia nỗ lực và hành động nhiều hơn để vun đắp hợp tác toàn diện các lĩnh vực, từ an ninh, quốc phòng đến tăng trưởng kinh tế, văn hóa và phát triển bền vững. Kiến tạo lợi ích để chia sẻ các mục tiêu phát triển và tối ưu hóa lợi ích quốc gia trong hành trình đi đến tương lai, đó chính là tầm nhìn cần đạt được, hướng đến mục tiêu cuối cùng là làm cho người dân hai nước Việt - Lào được sống trong hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Xét trên bình diện đó, chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đương nhiên không gói gọn trong phạm vi quan hệ nghị viện mà là đại diện lãnh đạo Đảng, đại diện quốc gia để tăng cường và phát triển thực chất quan hệ toàn diện hai quốc gia. Vì vậy, nghị trình thảo luận của lãnh đạo hai nước tại thời điểm đặc biệt nhạy cảm và quan trọng này có ý nghĩa dài hạn. Việt Nam, với tư cách là nước nhiều kinh nghiệm hơn trong phát triển kinh tế thị trường, có lợi thế giáp biển và mạng lưới giao thông thuận tiện hơn, chắc chắn cần chia sẻ nhiều hơn với Lào, từ kinh nghiệm phát triển, vốn đầu tư và tạo thuận tiện cho Lào sử dụng hạ tầng giao thông - cảng biển để phát triển kinh tế. Một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào kinh doanh văn minh, tôn trọng văn hóa tập tục của người dân địa phương cũng sẽ góp vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế nước bạn. Sau tất cả, sự hài hòa và vững mạnh của cộng đồng người Việt tại Lào sẽ là nền tảng đặc biệt để vun đắp hơn nữa mối quan hệ hai nước.
Với những ý nghĩa trên, chắc chắn có nhiều điều đáng chờ đợi từ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.