Viết là phải luôn luôn bám lấy đời sống
Nhà văn Nguyễn Bảo là một trong những người người lấy tôi về Văn nghệ quân đội, cũng là người theo sát các sáng tác của tôi tới hôm nay. Thỉnh thoảng ông vẫn gọi điện thoại hỏi việc này việc khác. Nhất là trong các đám hiếu, nhà văn Nguyễn Bảo luôn hết sức tận tình và gương mẫu để chúng tôi nhìn vào học tập.
Nguyễn Bảo tốt nghiệp khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1971 và vào chiến trường Khu 5 chiến đấu, viết văn suốt thời kì chống Mỹ. Khi ông vào chiến trường tôi còn chưa sinh ra, vậy mà bỗng một ngày tôi may mắn được làm lính viết văn của thủ trưởng Nguyễn Bảo trong thời kì ông làm Phó tổng biên tập rồi Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội.
Những ngày tháng tôi và nhà văn Nguyễn Thế Hùng luôn được tháp tùng Tổng biên tập Nguyễn Bảo đi công tác là những tháng ngày sôi động và rất nhiều kỉ niệm. Nguyễn Bảo rất quý Nguyễn Thế Hùng, đến mức nhiều khi chúng tôi phải ghen tỵ với anh. Sau này tôi mới hiểu được thực ra với ai, nhất là cánh nhà văn trẻ lứa 7X như Nguyễn Đình Tú, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Bích Thúy, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Xuân Thủy,… nhà văn Nguyễn Bảo đều rất quý và luôn tìm cách để lứa nhà văn đàn em có đất dụng võ cả về sáng tác và quản lý. Đó cũng là một đặc tính của Tổng biên tập Nguyễn Bảo.
Nguyễn Bảo là người viết rất khỏe. Ông đã in: "Biển đêm" (Tập truyện ngắn - NXB Quân đội nhân dân, 1982); "Người ở Thượng nguồn" (Tiểu thuyết - NXB Quân đội nhân dân, 1983); "Giám định của đất" (Tiểu thuyết - NXB Quân đội nhân dân, 1987); "Những cuộc tình đã đi qua" (Tiểu thuyết - NXB Thanh niên, 1989); "Khoảng sáng không mất" (Tiểu thuyết - NXB Quân đội nhân dân, 1992); "Những người sẽ vào thành phố" (Tập truyện ngắn - NXB Quân đội nhân dân, 1996); "Quà tặng" (Tập truyện ngắn - NXB Quân đội nhân dân, 1999); "Điều bất ngờ" (Tiểu thuyết - NXB Hà Nội, 1999); "Ảo ảnh" (tập truyện ngắn - 2004), "Thượng Đức" (tiểu thuyết - 2005); "Phía sau người lính" (tập truyện ngắn - 2009); "Đỉnh máu" (tiểu thuyết - 2012)... đã cho thấy sự lao động cật lực của Nguyễn Bảo với nghề văn bút vốn không phải dễ dàng.
Phải đến "Đỉnh máu", ngòi bút Nguyễn Bảo mới khiến mọi người phải sững sờ. Vẫn là một Nguyễn Bảo đó với sự chân chất, mộc mạc, trung thực trong từng câu văn, những cốt truyện dường như luôn được lập thành đề cương từ trước, song sự tinh luyện, nhất là sự cao cường của ngòi bút đã thể hiện rất rõ ràng, bắt mắt và bắt rễ vào người đọc. Những trang văn trong "Đỉnh máu" là những trang văn sâu sắc nhất cũng là ám ảnh nhất mà Nguyễn Bảo dành cho bạn đọc. Cá tính của các nhân vật đã được thể hiện đến tận cùng cung bậc cảm xúc cũng là sự trưởng thành của ngòi bút nhà văn.
Nhận định về nghề, Nguyễn Bảo đã từng cho rằng: "Trừ những người có năng khiếu đặc biệt, nghề văn đòi hỏi sự kiên trì, khổ hạnh. Sáng tác để được in, đã khó, được khen, càng khó biết bao! Để không bị đứt gánh giữa đường, tôi tự nhủ: "Phải luôn luôn bám lấy đời sống. Đời sống sẽ cho người viết những trang sách hay, sẽ là nguồn cảm hứng nuôi dưỡng niềm say mê của người viết…".
Viết phải luôn luôn bám lấy đời sống chính là hành trình và văn nghiệp của Nguyễn Bảo. Ông viết cái gì, làm việc gì đều hết sức nghiêm túc. Đó chính là phẩm chất có được từ trong khói lửa chiến tranh và ngày càng tỏa sáng, nhất là ở cương vị lãnh đạo luôn đòi hỏi sự nghiêm túc, thậm chí là nghiêm khắc với chính mình để có thể sáng tác và thực hiện các công việc quản lý được phân công.
Trong các cuộc đi công tác, nhất là mở các trại viết của Văn nghệ quân đội, nhà văn Nguyễn Bảo luôn xây dựng và thực hiện các kế hoạch rất khoa học, chặt chẽ, nhưng cũng có những khoảng mở linh hoạt bởi các nhà văn, nhà thơ đến với trại viết còn là để giao lưu, thậm chí là tìm sự tự do trong đời sống và sáng tác.
Tôi rất nhớ một cuộc, khi đó trại viết được mở ở Tây Nguyên, đơn vị đăng cai là Binh đoàn 15 - một đơn vị làm kinh tế nổi tiếng của quân đội với hàng chục ngàn hộ chủ yếu là bà con các dân tộc Tây Nguyên trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su, hạt cà phê, làm giàu cho gia đình và làm giàu cho Tây Nguyên, yên ổn vành đai biên giới. Tôi trước đó đã có 10 năm công tác ở Truyền hình Quân đội nhân dân từng đi khắp các đội sản xuất của Binh đoàn nên được thủ trưởng Nguyễn Bảo giao cho làm công tác tổ chức, lên kế hoạch cụ thể từng nhà văn sẽ đến đội sản xuất nào, viết cái gì, ai sẽ đi cùng với ai… Làm việc với ông mới thấy Nguyễn Bảo không chỉ chặt chẽ mà còn rất tinh tế, thậm chí hiểu chân tơ kẽ tóc đường ăn nét ở, thế mạnh văn bút của từng người. Tôi đã học được từ Nguyễn Bảo nhiều điều thông qua Trại viết Văn nghệ quân đội mở tại Tây Nguyên.
Ở cơ quan Văn nghệ quân đội làm thủ trưởng thường vất vả hơn anh em, phải thức khuya dậy sớm hơn, chỉ riêng chuyện họp hành có tuần lịch dày đặc luôn là thử thách của các thủ trưởng. Đâu riêng chỉ chuyện họp hành, mà chuyện chăm sóc các thế hệ đàn anh, điều hòa và chăm lo sáng tác cho nhà văn các thế hệ đội ngũ các nhà văn quân đội luôn là câu chuyện không dễ dàng. Nhà văn ai cũng cá tính mạnh, nếu không khéo léo và biết nhường nhịn, hiểu và tôn trọng lẫn nhau sẽ lập tức gặp khó khăn.
Nguyễn Bảo có tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Bảo. Ông sinh ngày mùng 2 tháng 4 năm 1948. Quê gốc của ông ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Vùng đất quê hương đã làm nên phẩm cách và tính cách Nguyễn Bảo. Rất quyết liệt nhưng rất trung thực. Rất nguyên tắc nhưng cũng rất linh hoạt trong sáng tác và công tác. Rất biết lo lắng cho anh em đồng đội và vị thế của cơ quan. Không ưng việc gì sẵn sàng đỏ mặt tía tai tới tận cùng kể cả là cấp trên.
Nguyễn Bảo tính nóng như vậy nhưng là người rất nghĩa tình. Thời kì ông làm thủ trưởng, tôi đã nhiều lần tháp tùng ông đi đám hiếu. Có một cuộc đi đám hiếu gia đình nhà văn Nguyễn Quốc Trung ở Hà Tĩnh trời mưa gió sấm chớp đùng đùng rất vất vả. Đêm đã khuya đoàn viếng mới dời vùng quê miền núi để ra Cửa Lò tìm nơi nghỉ. Thủ trưởng Nguyễn Bảo đã giao cho tôi điện thoại với Tư lệnh quân khu - Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng để bố trí chỗ ăn nghỉ cho đoàn. Khi đó vị Tư lệnh đang công tác ở bên Lào nhưng vẫn kịp thời điện về xử lý. Với anh em văn nghệ sĩ quân đội, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng luôn là một người bạn tâm giao.
Nhà văn Nguyễn Bảo là người hết sức đáng tin cậy với anh em viết trẻ. Ông đánh giá và nhận xét vừa chân tình vừa sâu sắc để đội ngũ trẻ sớm trưởng thành, sẵn sàng gánh vác mọi việc của thế hệ đi trước một cách rành mạch, khang trang. Về sự xây dựng và phát triển của đội ngũ nhà văn quân đội các thế hệ, nhà văn Nguyễn Bảo, nhà văn Nguyễn Trí Huân và đội ngũ nhà văn chống Mỹ luôn là tấm gương sáng để chúng tôi nhìn vào đó mà học tập và nhất là thực hành tốt công việc của mình.
Nhà văn Nguyễn Bảo và nhà văn Dũng Hà có mối quan hệ khá đặc biệt. Hai ông đều là thủ trưởng cơ quan các khoảng thời gian khác nhau nên rất hiểu tâm tư, thậm chí là cung cách lãnh đạo với giới văn nghệ sĩ đầy cá tính. Khó nhất là lãnh đạo những người nổi tiếng, vậy mà các thủ trưởng thực hiện cứ nhẹ như không. Điều này đã được truyền thừa từ thời Văn Phác, Thanh Tịnh, Vũ Cao đến Dũng Hà, Nguyễn Trí Huân và Nguyễn Bảo. Học tập lớp đàn anh đi trước, nhà văn Nguyễn Bảo trong việc quản lý ở cơ quan đều hết sức nhẹ nhàng.
Tôi luôn rất biết ơn các nhà văn Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy và Nguyễn Bảo. Các ông như người cha chú luôn chăm sóc và động viên, tin tưởng lứa chúng tôi. Nào dám nghĩ một ngày, mình cũng có chức vụ sánh ngang với các ông nên luôn hiểu rằng phải cố gắng hết mình trong sáng tác và công tác. Khi được ngồi chấm chung khảo Giải thưởng nhà văn Lê Lựu cùng với các bậc đa đề lại được các ông trọng thị, lắng nghe, tôi hiểu được rằng các ông không chỉ tìm mọi cách vinh danh những tài năng đã khuất như Lê Lựu mà còn khẩn trương bồi dưỡng thế hệ chúng tôi mau chóng trưởng thành. Chính từ những việc như vậy, đã cho chúng tôi thêm niềm tin và sức mạnh để vững bước trong trường văn trận bút.
Nhà văn Nguyễn Bảo - một đại biểu của lứa nhà văn chống Mỹ vẫn luôn như ngày nào, tươi cười và quyết liệt, luôn quan tâm tới mọi người, nhất là những người đã khuất cũng chính là lứa các ông đang tiếp tục khẩn trương rèn luyện chúng tôi trong đời sống và đời viết.