Việt kiều Australia tin tưởng đất nước trở thành hình mẫu phát triển bền vững
Ở nước ngoài, cộng đồng người Việt ngày càng đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động, quảng bá hình ảnh Việt Nam và kết nối với quê hương.

Tiến sỹ Trần Nam Nghiệp – giảng viên cao cấp tại Khoa Kỹ thuật Hóa học thuộc Đại học Adelaide; Phó Trưởng Khoa Hợp tác Quốc tế, đặc trách khu vực Đông Nam Á thuộc Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ; Chủ tịch Chi hội Nam Australia của Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Australia (VASEA). (Ảnh: Thanh Tú/TTXVN)
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Australia, Tiến sỹ Trần Nam Nghiệp – giảng viên cao cấp tại Khoa Kỹ thuật Hóa học thuộc Đại học Adelaide; Phó Trưởng Khoa Hợp tác quốc tế, đặc trách khu vực Đông Nam Á thuộc Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ; Chủ tịch Chi hội Nam Australia của Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Australia (VASEA) – bày tỏ sự vui mừng khi được chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước Việt Nam cả về kinh tế, xã hội lẫn địa chính trị.
Theo Tiến sỹ Trần Nam Nghiệp, từ mô hình kinh tế kế hoạch tập trung, Việt Nam đã chuyển mình sang nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa - một quá trình đầy thách thức nhưng cũng đầy bản lĩnh.
Các chính sách cải cách hành chính, đầu tư vào giáo dục, hạ tầng, chuyển đổi số, cũng như sự chủ động trong hội nhập quốc tế đã đưa Việt Nam từ một nước nghèo trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và là điểm đến đầu tư uy tín trong mắt bạn bè quốc tế như hiện nay.
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Australia, với các sáng kiến như Viện Chính sách Australia-Việt Nam và các chương trình trao đổi giáo dục, là minh chứng sống động cho sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam.
Tiến sỹ Trần Nam Nghiệp chia sẻ, với vai trò phụ trách hợp tác quốc tế trong giáo dục, ông có cơ hội được đi nhiều nơi trên “dải đất hình chữ S,” tiếp xúc và làm việc với nhiều đối tác trong và ngoài nước.
Điều ông nhận thấy rõ là sự cầu thị, năng động và chính sách mở cửa của Việt Nam đang tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các dự án hợp tác chiến lược. Chính điều đó đã giúp Việt Nam từng bước khẳng định vị thế trong khu vực và vươn tầm quốc tế một cách bền vững.
Tiến sỹ Trần Nam Nghiệp cho rằng tinh thần đoàn kết dân tộc chính là giá trị cốt lõi xuyên suốt lịch sử và tiếp tục giữ vai trò then chốt trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hôm nay và mai sau.
Trong một thế giới bị chia rẽ bởi xung đột địa chính trị và khủng hoảng kinh tế, đoàn kết không chỉ là sức mạnh nội tại mà còn là chiến lược để Việt Nam vượt qua thách thức và khẳng định vị thế.
Người Việt Nam trong và ngoài nước cần sát cánh cùng nhau, không chỉ để bảo vệ lợi ích chung mà còn để cộng hưởng sức mạnh từ tri thức, mạng lưới hợp tác, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi các mô hình thành công như Hàn Quốc – nơi tinh thần “người Hàn dùng hàng Hàn” góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế thần kỳ.
Với quy mô dân số trên 100 triệu người và lực lượng lao động trẻ, nếu phát huy tốt sức mạnh đoàn kết, Tiến sỹ Trần Nam Nghiệp cho rằng Việt Nam sẽ có một nội lực to lớn để phát triển thị trường trong nước và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ở nước ngoài, cộng đồng người Việt ngày càng đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động, quảng bá hình ảnh Việt Nam và kết nối với quê hương.
Tiến sỹ Trần Nam Nghiệp cho rằng, việc thành lập Chi hội Nam Australia của VASEA là minh chứng cho tinh thần đoàn kết xuyên biên giới đó, với cam kết tiếp tục xây dựng một cộng đồng người Việt gắn bó, hội nhập và có trách nhiệm, góp phần vào sự phát triển bền vững của cả hai quốc gia.
Trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tiến sỹ Trần Nam Nghiệp cho rằng rất nhiều yếu tố từ sự nghiệp đấu tranh, thống nhất đất nước có thể được vận dụng để giải quyết những vấn đề hiện nay trong bối cảnh nền kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ nhất là tinh thần “cần, kiệm, liêm, chính,” những giá trị đạo đức làm nên sự bền vững. Trong thời kỳ chuyển đổi số, khi công nghệ ngày càng chi phối cuộc sống, sự liêm chính trong quản trị, minh bạch trong dữ liệu và tiết kiệm nguồn lực là điều kiện tiên quyết để xây dựng niềm tin và hiệu quả trong phát triển.
Thứ hai là tinh thần chủ động và kiên cường như cách dân tộc Việt Nam đã vượt qua khó khăn trong chiến tranh. Trong thời đại ngày nay, người Việt Nam cần vận dụng tinh thần đó để làm chủ công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và tự động hóa.
Các chương trình đào tạo STEM, kết hợp với hợp tác giáo dục với các nước tiên tiến sẽ giúp Việt Nam chuẩn bị lực lượng lao động cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời ứng phó với những biến động toàn cầu.
Thứ ba là đoàn kết dân tộc. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, sự kết nối không còn giới hạn bởi địa lý. Người Việt khắp nơi trên thế giới có thể cùng xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và nghiên cứu, từ đó đóng góp trở lại cho quê hương.
Các tổ chức như VASEA đang kết nối trí tuệ Việt Nam toàn cầu, thúc đẩy khởi nghiệp và nghiên cứu. Việc khai thác sức mạnh của trí tuệ tập thể, của một Việt Nam toàn cầu chính là bước đi khôn ngoan trong kỷ nguyên mới.
Theo nhận định của Tiến sỹ Trần Nam Nghiệp, chiến thắng lịch sử 30/4/1975 đã để lại nhiều bài học quý giá cần được nhìn nhận và phát huy trong bối cảnh hiện tại.
Một là sức mạnh nội lực. Không có nội lực, khó có thể phát triển một cách mạnh mẽ và bền vững. Với những chính sách mang tính chiến lược và không kém phần quyết liệt mới đây về cải cách hành chính, đổi mới sáng tạo, phát triển giáo dục, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực trọng yếu, Việt Nam đang xây dựng một tiền đề vững chắc cho sự bức phá trong tương lai gần.
Tiến sỹ Trần Nam Nghiệp cho rằng Việt Nam cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, khoa học công nghệ và nhân lực chất lượng cao để làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài.
Hai là tầm nhìn chiến lược. Theo ông, để đi trước một bước, cần có tầm nhìn xa, và Chính phủ Việt Nam đã cho thấy những bước hoạch định chiến lược đúng đắn, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế chính trị của khu vực và thế giới.
Những chính sách như phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sẽ góp phần xây dựng tiềm lực cho sự vươn mình của Việt Nam, tuy nhiên cần có sự đồng bộ, lâu dài, không nên mang tính phong trào.
Ba là chính sách mở cửa và ngoại giao khôn khéo. Là một đất nước vừa phát triển vừa hội nhập, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức.
Một chính sách ngoại giao khéo léo, linh hoạt và minh bạch sẽ là chìa khóa để bảo vệ lợi ích quốc gia và góp phần giữ gìn hòa bình khu vực.
Sau cùng là cải cách hành chính và quản trị hiện đại. Việc tinh gọn bộ máy hành chính, thúc đẩy chính phủ số và đặt người dân, doanh nghiệp làm trung tâm là bước đi cần thiết để nâng cao năng lực cạnh cạnh tranh quốc gia.
Những nỗ lực này, kết hợp với sự đóng góp của kiều bào trong xây dựng mạng lưới toàn cầu, sẽ giúp Việt Nam khẳng định vị thế trong nền kinh tế thế giới.
Tiến sỹ Trần Nam Nghiệp tin tưởng rằng với tinh thần quyết tâm, đổi mới và sự đồng lòng của người Việt ở trong và ngoài nước, cùng với các mối quan hệ đối tác chiến lược, ví dụ như với Australia, Việt Nam không chỉ vươn mình mà còn trở thành hình mẫu phát triển bền vững trong thế giới đầy thách thức ngày nay./.