Viện Vật lý địa cầu hướng dẫn người dân Kon Tum kỹ năng ứng phó động đất

Trước diễn biến phức tạp của động đất tại huyện Kon Plông, đoàn công tác của Viện Vật lý địa cầu đã có mặt tại vùng tâm chấn, hướng dẫn người dân những kỹ năng ứng phó khi có động đất xảy ra.

Ngày 3/8, thông tin với Người Đưa Tin, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết: "Trong ngày 3/8, trên địa bàn huyện Kon Plông xảy ra 4 trận động đất, trận lớn nhất vào lúc 5h44, độ sâu khoảng 8,1km, độ mạnh (M=3.8). 4 chuyên gia của Viện Vật lý Địa cầu và 1 cán bộ của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam đã có mặt tại tâm chấn để khảo sát tình hình".

Theo Tiến sĩ Anh, trước tình hình diễn biến phức tạp của động đất tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), đoàn công tác của Viện đã có mặt tại huyện Kon Plông, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho người dân tại khu vực tâm ,chấn, nhằm giảm thiểu những rủi ro do động đất gây ra.

Đoàn công tác đã khảo sát, tuyên truyền, hướng dẫn và phát tờ rơi cho người dân về kỹ năng ứng phó với động đất tại địa điểm bị tác động của động đất như các xã: Đắk Tăng, Đắk Nên, Đắk Ring, Măng Bút và Măng Càng.

Theo Tiến sĩ Anh, trong ngày 1/8 và 2/8, Đoàn công tác của Viện Vật lý địa cầu đã đi vào các buôn làng tại xã Đăk Tăng và xã Măng Bút, gần khu vực xảy ra động đất để phát tờ rơi, tài liệu hướng dẫn.

Cán bộ của Viện Vật lý địa cầu hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó khi có động đất xảy ra. (Ảnh: Thiều Vân).

Cán bộ của Viện Vật lý địa cầu hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó khi có động đất xảy ra. (Ảnh: Thiều Vân).

Đồng thời, trực tiếp trao đổi cho người dân các giải pháp phòng tránh động đất, cách ứng phó với các tình huống cụ thể để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Từ nay đến ngày 5/8, đoàn sẽ tiếp tục đến các thôn làng tuyên truyền cho người dân trong vùng động đất để ổn định tâm lý, đời sống bà con.

Tiến sĩ Bùi Thị Nhung (thành viên trong đoàn) cho biết: "Có một số tài liệu hướng dẫn xây dựng cho khu vực đô thị, nên một số tình huống cụ thể không phù hợp với đồng bào miền núi. Bởi vậy, đoàn đi sâu vào các tình huống cụ thể tại địa phương bà con vùng núi hay gặp phải để mổ xẻ, giải đáp từng tình huống. Như đang trên rẫy cần tránh những sườn núi dốc, khi đang nấu ăn thì cần dập lửa trước khi rời khỏi nhà".

Trước đó, như Người Đưa Tin đã phản ánh, trận động đất trưa ngày 28/7 với độ lớn 5.0 độ, gây rung chấn mạnh, các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung như: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đều cảm nhận được rung lắc. Trong thời gian từ ngày 28/7 đến nay, cả trăm trận động đất xảy ra ở khu vực này, bao gồm các tiền chấn và dư chấn sau trận động đất chính.

Huyện Kon Plông liên tục xảy ra động đất trong nhiều ngày liên tiếp.

Huyện Kon Plông liên tục xảy ra động đất trong nhiều ngày liên tiếp.

Dữ liệu của Viện Vật lý địa cầu cho thấy, trong hơn một thế kỷ (từ năm 1903 đến 2020), khu vực này chỉ ghi nhận trên 30 trận động đất, trong đó trận mạnh nhất 3.9 độ.

Tuy nhiên, số trận động đất tại huyện Kon Plông và vùng lân cận xảy ra thường xuyên, có xu hướng mạnh dần từ tháng 4/2021 đến nay.

Năm 2021, khu vực này ghi nhận 169 trận động đất lớn hơn 2,5 độ. Tháng 4/2022, địa bàn xảy ra trận lớn nhất 4,5 độ. 4 tháng sau cấp độ động đất nâng lên 4,7 độ.

Viện Vật lý địa cầu đã lắp đặt 11 trạm quan trắc động đất ở địa phương. Số liệu cập nhật của trạm tương đối tốt, có thể kịp thời cảnh báo động đất.

Hồ Hải Nam

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vien-vat-ly-dia-cau-huong-dan-nguoi-dan-kon-tum-ky-nang-ung-pho-dong-dat-204240803182655342.htm
Zalo