Viện Tự động hóa Kỹ thuật quân sự: Nghiên cứu phát triển công nghệ mới, nâng tầm lĩnh vực tự động hóa

Viện Tự động hóa Kỹ thuật quân sự (KTQS) thuộc Viện Khoa học và Công nghệ quân sự (Bộ Tổng Tham mưu) có chức năng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tự động hóa phục vụ quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế-xã hội.

35 năm kể từ khi thành lập, Viện đã lớn mạnh không ngừng, đạt được những kết quả quan trọng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Đại tá, TS Trần Ngọc Bình, Viện trưởng Viện Tự động hóa KTQS trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về những thành tích nổi bật và định hướng nhiệm vụ trọng tâm của Viện.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, khi nói về Viện Tự động hóa KTQS, điều gì khiến đồng chí tâm đắc nhất?

Đại tá, TS Trần Ngọc Bình: Điều tôi tâm đắc nhất là suốt quá trình 35 năm xây dựng và phát triển, bằng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, khát khao cống hiến, các thế hệ cán bộ của Viện luôn chủ động khắc phục khó khăn, tích cực học hỏi, nghiên cứu, đủ sức đảm nhận chủ trì các đề tài, dự án lớn cấp Bộ, cấp Nhà nước, một số đồng chí trở thành chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ tự động hóa, các kết quả nghiên cứu khoa học của Viện đã góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng như sức mạnh chiến đấu của Quân đội.

 Đại tá, TS Trần Ngọc Bình.

Đại tá, TS Trần Ngọc Bình.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Viện Tự động hóa KTQS đã bảo vệ thành công đề tài cấp Nhà nước “Đảm bảo khoa học kỹ thuật tự động hóa cho các công nghệ sử dụng khí mỏ và hóa dầu”. Hai đồng tác giả của một số sản phẩm đề tài đã được tặng giải nhất Giải thưởng khoa học thanh niên năm 1992. Thành công đó đã khích lệ, động viên đội ngũ cán bộ khoa học của Viện tiếp tục say mê nghiên cứu, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Điển hình như từ năm 1996, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Viện bắt đầu triển khai nhiệm vụ cải tiến đại đội pháo phòng không 37mm-2 nòng đánh đêm. Năm 2012, cụm công trình “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống SCADA đặc thù, diện rộng” và “Xây dựng hệ thống pháo 37mm-2 nòng tác chiến ngày và đêm” của Viện đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học-công nghệ (KHCN).

5 năm gần đây, Viện đã thực hiện thành công hàng chục nhiệm vụ, đề tài lớn, nổi bật như các đề tài cấp quốc gia: “Nghiên cứu, thiết kế, tích hợp và chế tạo tổ hợp phóng tên lửa phòng không tầm thấp tác chiến ngày và đêm”, “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo và tích hợp hệ thống điều khiển hỏa lực cho đại đội pháo phòng không 57mm tác chiến ngày và đêm”... Nhiều sản phẩm của các đề tài đã được nghiệm thu, đưa vào chương trình sản xuất loạt “0”... Với những thành tích đạt được, Viện đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.

PV: Đâu là nguyên nhân mang lại những kết quả nổi bật của Viện, thưa đồng chí?

Đại tá, TS Trần Ngọc Bình: Trước hết, đó là sự đoàn kết, nhất trí cao trong đơn vị, sự sáng tạo không ngừng của đội ngũ cán bộ nghiên cứu với các giải pháp KHCN phù hợp với nền tảng công nghệ hiện có, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành nhiệm vụ.

 Lãnh đạo, chỉ huy Viện Khoa học và Công nghệ quân sự kiểm tra sản phẩm máy chỉ huy K59-03 do Viện Tự động hóa Kỹ thuật quân sự nghiên cứu cải tiến. Ảnh: VIẾT THỌ

Lãnh đạo, chỉ huy Viện Khoa học và Công nghệ quân sự kiểm tra sản phẩm máy chỉ huy K59-03 do Viện Tự động hóa Kỹ thuật quân sự nghiên cứu cải tiến. Ảnh: VIẾT THỌ

Cùng với đó là công tác xây dựng và phát triển nguồn lực-đây là nguyên nhân cốt lõi, gắn với định hướng nghiên cứu và định hướng sản phẩm rõ ràng, cụ thể. Điển hình như với định hướng nghiên cứu hệ thống điều khiển hỏa lực trên phương tiện cơ động, nhờ sự quan tâm của cấp trên, Viện được đầu tư “Phòng thiết kế, chế thử các hệ thống điều khiển hỏa lực trên phương tiện cơ động”. Đây là công cụ trợ giúp đắc lực cho các nghiên cứu chuyên sâu của Viện.

Bên cạnh đó, Viện chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu vừa có kiến thức cơ bản, vừa có thực tiễn, đủ năng lực hoàn thành những nhiệm vụ mới, khó, kết hợp với củng cố tiềm lực khoa học. Hiện nay, đội ngũ cán bộ khoa học của Viện hầu hết được đào tạo cơ bản cả trong và ngoài nước, tỷ lệ có trình độ sau đại học chiếm gần 69%...

PV: Đề nghị đồng chí cho biết định hướng nhiệm vụ trọng tâm của Viện trong thời gian tới?

Đại tá, TS Trần Ngọc Bình: Những năm tới, Viện Tự động hóa KTQS tiếp tục xây dựng những định hướng mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Viện Khoa học và Công nghệ quân sự; tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phục vụ nhiệm vụ cải tiến, chế tạo mới các hệ thống vũ khí, khí tài; đồng thời nghiên cứu, giúp khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo đảm kỹ thuật cho các loại vũ khí trang bị mới, hiện đại.

Đối với nghiên cứu cơ bản, Viện đẩy mạnh nghiên cứu trong lĩnh vực tự động hóa, điều khiển thông minh và các lĩnh vực có liên quan, làm cơ sở cho việc phát triển công nghệ mới nhằm nâng cao trình độ KHCN của ngành tự động hóa; nghiên cứu, phát triển các thuật toán và giải pháp công nghệ chế tạo các hệ thống tính toán, điều khiển chuyên dụng ứng dụng trong các tổ hợp vũ khí hiện đại; triển khai các giải pháp ứng dụng các thành tựu KHCN vào lĩnh vực quân sự-quốc phòng; làm chủ và phát triển các loại vũ khí công nghệ cao, vũ khí thông minh; tập trung vào các công nghệ tiên tiến, các thuật toán điều khiển hiện đại đáp ứng các tiêu chí về độ tác động nhanh, tính chính xác, ổn định, bền vững.

Đối với nghiên cứu ứng dụng, Viện tiếp tục bám sát thực tiễn để triển khai các đề tài khoa học nhằm bảo đảm kỹ thuật, nghiên cứu cải tiến, phát triển các loại vũ khí, trang bị, đẩy mạnh triển khai định hướng tích hợp các hệ thống điều khiển hỏa lực trên các phương tiện cơ động... đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

VIỆT PHÚ (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/vien-tu-dong-hoa-ky-thuat-quan-su-nghien-cuu-phat-trien-cong-nghe-moi-nang-tam-linh-vuc-tu-dong-hoa-770937
Zalo