'Viên ngọc của Ngân Hà' đặt ra câu hỏi mới về sự sống

Các nhà khoa học vừa phát hiện điều bất thường từ hệ 6 hành tinh 'đẹp' nhất Ngân Hà, nơi được cho là ẩn giấu thế giới sự sống 8 tỉ năm tuổi.

Theo Space.com, một nhóm nghiên cứu quốc tế đã quyết định tìm hiểu sâu hơn về về HD 110067, một hệ sao gồm 6 hành tinh được ca ngợi là "viên ngọc ẩn giấu" của Ngân Hà (tức thiên hà chứa Trái Đất Milky Way) và có thể có sự sống trước cả hệ Mặt Trời.

Nằm cách Trái Đất 105 năm ánh sáng trong chòm sao Hậu Phát (Coma Berenices), các hành tinh bên trong HD 110067 gây chú ý vì quay quanh sao mẹ với nhịp điệu đồng bộ, chặt chẽ như đang khiêu vũ.

Sáu hành tinh này quay quanh sao mẹ với quỹ đạo 13,6 - 20,5 - 30,8 - 41 - 54,7 ngày, tức có tỉ lệ cộng hưởng quỹ đạo giữa các cặp gần nhau lần lượt là 3:2, 3:2, 3:2, 4:3, 4:3.

HD 110067, hệ sao gồm 6 hành tinh cộng hưởng quỹ đạo, bị nghi ngờ rằng có thêm vài hành tinh ẩn nấp xa ngôi sao mẹ hơn và có sự sống - Ảnh đồ họa: NCCR PlanetS

HD 110067, hệ sao gồm 6 hành tinh cộng hưởng quỹ đạo, bị nghi ngờ rằng có thêm vài hành tinh ẩn nấp xa ngôi sao mẹ hơn và có sự sống - Ảnh đồ họa: NCCR PlanetS

Tính toán trước đó dựa trên phân tích bước sóng của canxi ion hóa cho thấy hệ HD 110067 khoảng 8 tỉ năm tuổi, tức già hơn nhiều so với hệ Mặt Trời hơn 4,6 tỉ tuổi của chúng ta.

Khi từ trường của một ngôi sao tạo ra năng lượng và làm nóng các lớp bên ngoài của nó, các nguyên tử canxi trở nên kích thích và phát ra một màu ánh sáng riêng biệt. Ngôi sao càng trẻ, các nhà nghiên cứu sẽ phát hiện ra phát xạ càng mạnh.

Nghiên cứu đó cũng chỉ ra rất có thể còn một số hành tinh xa hơn 6 hành tinh nói trên ẩn nấp ở vùng không gian tăm tối nhưng thuộc "vùng sự sống" của sao mẹ.

Với tuổi đời 8 tỉ năm, các nhà khoa học cho rằng sự sống rất có thể đang hiện hữu trên các hành tinh ẩn có khí hậu ôn hòa đó.

Nhưng nghiên cứu mới vừa được đăng tải trên tạp chí Astronomy & Astrophysics, dẫn đầu bởi nhà thiên văn Maddie Loupien từ Đại học Sorbonne ở Paris (Pháp) chỉ ra rằng HD 110067 có thể mới 2,5 tỉ tuổi.

Nhóm này phân tích sự quay chậm lại của ngôi sao. Các ngôi sao trẻ luôn quay nhanh rồi chậm lại dần trong vòng đời, kể cả Mặt Trời của chúng ta.

HD 110067 mất khoảng 20 ngày Trái Đất để hoàn thành một vòng quay. Dựa trên các thông số khác về ngôi sao này, các nhà nghiên cứu chỉ ra nó đang ở giai đoạn đầu của quá trình quay chậm lại.

Điều này giúp họ tính toán ra một độ tuổi mới là 2,5 tỉ năm.

Tuổi trẻ bất ngờ của HD 110067 cũng có thể chiếu một luồng ánh sáng mới vào môi trường ngoại hành tinh.

Điều này cho thấy các hành tinh trong một hệ sao có thể trải qua quá trình "luyện tập" để đồng bộ với nhau nhanh hơn nhiều so với những gì chúng ta từng nghĩ.

Tuy vậy, tuổi trẻ này cũng mang đến một tin buồn: Một ngôi sao trẻ thường cuồng nộ và nhấn chìm các hành tinh quanh nó trong bức xạ dữ dội.

Điều này có thể hạn chế khả năng tồn tại sự sống tiềm năng của các hành tinh trong hệ sao, hoặc ít ra là giảm khả năng chúng có sự sống trong thời điểm hiện tại.

Mặc dù vậy, các nghiên cứu về "viên ngọc của Ngân Hà" mới chỉ bắt đầu.

Các nhà khoa học hy vọng với các phương tiện ngày một mạnh mẽ hơn, họ có thể tìm hiểu sâu hơn về các hành tinh của hệ sao này, tìm thêm các hành tinh bên ngoài và tất nhiên là cả manh mối của sự sống.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vien-ngoc-cua-ngan-ha-dat-ra-cau-hoi-moi-ve-su-song-196250101092109182.htm
Zalo