Viện Lúa ĐBSCL lai tạo hàng trăm giống lúa chất lượng cao cho khu vực

Chiều 20/1, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Ảnh: VGP/LS

Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Ảnh: VGP/LS

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, TS. Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long cho biết: Kế thừa những kết quả đạt được năm qua, năm 2025, Viện tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất, tích cực đổi mới trong công tác chọn tạo giống nhằm chọn tạo ra các giống lúa mới mang tính đột phá được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận.

Đồng thời, Viện đã xây dựng các gói kỹ thuật thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm giá thành, hướng tới nền nông nghiệp sạch, an toàn, bền vững đáp ứng nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu; tăng cường thực thi tác quyền giống lúa, đẩy mạnh hợp tác sản xuất kinh doanh giống lúa, tăng cường các hoạt động dịch vụ khoa học công nghệ, nâng cao đời sống cho cán bộ viên chức, đẩy lùi tình trạng chảy máu chất xám.

Đặc biệt, năm 2024, kết quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ của Viện đạt nhiều thành tích đáng khích lệ. Viện đã triển khai tổng số 9 nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp (1 cấp Quốc gia, 4 cấp Bộ, 3 cấp tỉnh, 1 cấp quốc tế) với tổng kinh phí 8,4 tỷ đồng và 61 hợp đồng dịch vụ khoa học công nghệ với tổng kinh phí là 6,7 tỷ đồng.

Công tác đăng ký quyền sở hữu trí tuệ với 11 giống lúa đã được cấp bằng bảo hộ, đã có quyết định chấp nhận đơn bảo hộ cho 12 giống và đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ cho giống OM68.

TS. Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: VGP/LS

TS. Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: VGP/LS

Đặc biệt, Viện đã thực hiện Đề tài cấp Quốc gia về "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật công nghệ sinh học trong chọn tạo giống lúa tích hợp đa gen kháng (rầy nâu, đạo ôn, mặn…) thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và phục vụ xuất khẩu cho vùng đồng bằng sông Cửu Long". Qua đó, Viện đã lai tạo 8 tổ hợp lai mang nền di truyền của giống lúa OM4900 được tích hợp 5 gen quy định tính chống chịu sâu bệnh hại chính là: Pita và Pik-h có nguồn gốc từ giống lúa Tẻ Tép kháng với các chủng bệnh đạo ôn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Với Đề tài cấp Bộ về "Nghiên cứu chọn tạo giống lúa Japonica năng suất chất lượng cao thích nghi với điều kiện canh tác lúa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long", Viện đã chọn tạo 1 giống lúa Japonica mới OM46 được công nhận lưu hành sản xuất; 2 dòng lúa triển vọng OM80 và OM79 đã gửi khảo nghiệm quốc gia VCU.

Bên cạnh đó, xây dựng quy trình canh tác và phòng trừ sâu bệnh cho giống lúa OM46 và mô hình trình diễn giống lúa OM46 kết hợp áp dụng quy trình canh tác và phòng trừ sâu bệnh cho giống lúa OM46 (tại 3 điểm trình diễn, quy mô 2 ha/điểm x 2 vụ) tăng hiệu quả kinh tế 10-15% so với giống đối chứng tại địa phương.

Với Đề tài "Nghiên cứu chọn tạo giống lúa nếp năng suất, chất lượng cao cho vùng đồng bằng sông Cửu Long", Viện đã lai tạo 150 tổ hợp lai mới, xử lý đột biến phóng xạ 10 giống lúa nếp và nuôi cấy túi phấn 10 tổ hợp lai F2; chọn được 880 cá thể lúa nếp từ 1.850 dòng lúa nếp kế thừa và 1.430 cá thể lúa nếp từ 3.000 dòng vật liệu mới.

Lê Sơn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/vien-lua-dbscl-lai-tao-hang-tram-giong-lua-chat-luong-cao-cho-khu-vuc-102250120175350008.htm
Zalo