Việc xác định giới tính VĐV nữ ở Olympic phức tạp như thế nào?

Các quy định về giới tính tại Olympic Paris đã được chú ý hơn sau khi các vận động viên như võ sĩ quyền anh Imane Khelif và Lin Yu-ting bị lăng mạ về giới tính và bị nghi là người chuyển giới.

Sự phức tạp của quy định giới tính đối với các môn thể thao dành cho nữ đã trở thành tiêu điểm sau khi môn quyền anh nữ tại Olympic Paris kết thúc, cũng như vụ việc các vận động viên như Imane Khelif của Algeria và Lin Yu-ting của Đài Loan bị lăng mạ về giới tính và bị nghi là người chuyển giới.

Từ trước đến nay, các vận động viên nữ da màu luôn phải đối mặt với sự soi mói và phân biệt đối xử khi xét nghiệm giới tính và những cáo buộc sai sự thật rằng họ là nam hoặc chuyển giới.

Dưới đây là cái nhìn về các xét nghiệm giới tính trong thể thao và sự phức tạp của chúng trong bối cảnh thái độ đối với bình đẳng giới đang thay đổi.

 Imane Khelif của Algeria ăn mừng sau khi đánh bại Janjaem Suwannapheng của Thái Lan trong trận bán kết quyền anh hạng 66 kg nữ tại Olympic Paris, ngày 6/8. Ảnh: AP

Imane Khelif của Algeria ăn mừng sau khi đánh bại Janjaem Suwannapheng của Thái Lan trong trận bán kết quyền anh hạng 66 kg nữ tại Olympic Paris, ngày 6/8. Ảnh: AP

Tiêu chí xác định một nữ VĐV là gì?

Mức testosterone, chứ không phải nhiễm sắc thể XY, mới là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá một nữ VĐV đủ điều kiện tham gia các sự kiện Olympic mà cơ quan quản lý môn thể thao này đã xây dựng và phê duyệt.

Đó là vì một số phụ nữ, là nữ từ khi sinh ra nhưng mắc tình trạng rối loạn phát triển giới tính (DSD), khiến testosterone tự nhiên cao hơn phạm vi điển hình của phụ nữ. Một số cơ quan quản lý thể thao cho rằng điều đó giúp họ có lợi thế hơn so với những phụ nữ khác cùng tham gia thi đấu, đồng thời cho rằng điều này không công bằng.

Vận động viên Caster Semenya, nhà vô địch Olympic ở nội dung chạy 800 mét vào năm 2012 và 2016, mắc chứng DSD. Cô bị cấm tham gia thi đấu ở Paris trừ khi can thiệp y tế để giảm testosterone. Tuy nhiên, cô ấy vẫn đang tham gia vào một vụ kiện pháp lý về các quy tắc của đường đua, hiện đã bước sang năm thứ 7.

Testosterone là một loại hormone tự nhiên làm tăng khối lượng và sức mạnh của xương và cơ sau tuổi dậy thì. Mức testosterone của nam giới trưởng thành tăng cao gấp nhiều lần so với nữ giới, lên đến khoảng 30 nanomole trên một lít máu (nmol/L) so với dưới 2 nmol/L ở nữ giới.

Năm 2019, tại phiên điều trần của Tòa án Trọng tài Thể thao, cơ quan quản lý điền kinh đã lập luận rằng các vận động viên nữ mắc bệnh DSD là "nam giới về mặt sinh học". Semenya cho biết cô bị tổn thương sâu sắc vì điều đó.

Semenya đã dùng thuốc tránh thai đường uống từ năm 2010 - 2015 để giảm mức testosterone và cho biết chúng gây ra vô số tác dụng phụ không mong muốn: tăng cân, sốt, buồn nôn liên tục và đau bụng, tất cả những điều này cô đã trải qua khi chạy tại giải vô địch thế giới năm 2011 và Thế vận hội năm 2012.

 Nữ vận động viên Caster Semenya người Nam Phi tại Giải vô địch điền kinh thế giới, ngày 20/7/2022. Ảnh: AP

Nữ vận động viên Caster Semenya người Nam Phi tại Giải vô địch điền kinh thế giới, ngày 20/7/2022. Ảnh: AP

Mỗi môn thể thao có quy định riêng

Mỗi cơ quan quản lý từng môn thể thao Olympic có trách nhiệm soạn thảo các quy tắc riêng, từ sân thi đấu cho đến những ai đủ điều kiện tham gia.

Kể từ Olympic Tokyo năm 2021, Liên đoàn Điền kinh Thế giới đã thắt chặt các quy tắc đủ điều kiện cho các vận động viên nữ mắc chứng DSD. Bắt đầu từ tháng 3/2023, họ phải giảm mức testosterone xuống dưới 2,5 nmol/L trong 6 tháng, thường thông qua phương pháp điều trị ức chế hormone, để đủ điều kiện tham gia thi đấu. Con số này chỉ bằng một nửa mức 5 nmol/L được đề xuất vào năm 2015 đối với các vận động viên thi đấu ở cự ly từ 400 mét.

Với Liên đoàn Bơi lội Thế giới, Liên đoàn Điền kinh đã cấm phụ nữ chuyển giới tham gia các cuộc đua dành cho nữ nếu họ đã trải qua tuổi dậy thì là nam. Liên đoàn Xe đạp Thế giới cũng đã thực hiện động thái này vào năm ngoái.

Các quy định của tổ chức bơi lội cũng yêu cầu các vận động viên chuyển giới nữ phải duy trì mức testosterone dưới 2,5 nmol/L.

Các quy định vẫn chưa đồng nhất

Nhiều tổ chức thể thao cố gắng tạo sân chơi cân bằng cho tất cả các vận động viên. Họ cũng lập luận rằng trong các môn thể thao đối kháng và tiếp xúc như quyền anh, sự an toàn về thể chất là một cân nhắc quan trọng.

Trong vụ án của Semenya, các thẩm phán tại Tòa án Trọng tài Thể thao thừa nhận rằng việc phân biệt đối xử với một số phụ nữ là "một biện pháp cần thiết, hợp lý và tương xứng" để bảo vệ sự công bằng.

Đôi khi IOC rất có quyền lực, nhưng đôi khi lại không có quyền lực gì cả. Tổ chức có trụ sở tại Thụy Sĩ này quản lý bộ luật "Hiến chương Olympic", sở hữu thương hiệu Olympic, lựa chọn nước chủ nhà và hỗ trợ tài trợ thông qua hàng tỷ USD kiếm được từ việc bán bản quyền phát sóng.

Vì vậy, khi các môn thể thao Olympic xem xét và cập nhật cách xử lý các vấn đề về điều kiện giới tính, bao gồm cả các vận động viên chuyển giới, IOC đã công bố lời khuyên vào năm 2021 về một "môi trường an toàn, không quấy rối", tôn trọng danh tính của các vận động viên để đảm bảo các cuộc thi diễn ra công bằng. Song, đó cũng không phải là các quy tắc ràng buộc.

Tuy nhiên, các quy định về điều kiện tham gia môn quyền anh không theo kịp các môn thể thao khác và các vấn đề này không được giải quyết trước Olympic Paris.

Tại giải vô địch thế giới năm 2023, Khelif và Lin đã bị Hiệp hội Quyền anh Quốc tế loại và bị từ chối trao huy chương vì không vượt qua các bài kiểm tra đủ điều kiện tham gia cuộc thi dành cho nữ.

Ngọc Ánh (theo AP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viec-xac-dinh-gioi-tinh-vdv-nu-o-olympic-phuc-tap-nhu-the-nao-post307055.html
Zalo