Việc tuyên truyền bình đẳng giới cho người có uy tín, chức sắc các tôn giáo là rất quan trọng
Ngày 19/7, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức Hội thảo 'Phát huy vai trò của người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo, cá nhân tiêu biểu trong tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi', khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đình Văn chủ trì Hội thảo.
Đây là 1 trong chuỗi 3 Hội thảo khu vực miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam, do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy 3 tỉnh: Hòa Bình, Lâm Đồng và Trà Vinh tổ chức. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I, từ năm 2021-2025.
Đổi thay tích cực trong "nếp nghĩ, cách làm"
Chia sẻ tại Hội thảo, già làng Y Ghi Du, xã Đắk Liêng (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, bản thân là người uy tín ở buôn nên ông đã tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc M'nông trên địa bàn tuân thủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời "thay đổi nếp nghĩ, cách làm" để có cuộc sống tốt hơn.
Đánh giá cao các hoạt động của Hội LHPN tại địa phương, nhất là thông qua Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", già làng Y Ghi Du cho hay, tư tưởng, cách làm của đồng bào đã có những thay đổi tích cực; tập tục thách cưới của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn không còn nặng nề như trước, thậm chí có nơi đã bỏ được tập tục này.
Chị Kiều Thị Lâm Viên, Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Hải (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) cho biết, bản thân là người Chăm, am hiểu được phong tục và tập quán của dân tộc mình nên chị có nhiều thuận lợi trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào Chăm, cũng như dễ dàng tiếp cận với hội viên, phụ nữ. Qua đó đã góp phần triển khai các nội dung, hoạt động của Hội, tuyên truyền giúp đồng bào thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", có cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Bà Cil Bri, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng, khẳng định, người uy tín có vai trò quan trọng đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số, vì vậy trong những năm qua, việc phát huy vai trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành. Trong đó Hội LHPN các cấp thực hiện công tác vận động người có uy tín tham gia các hoạt động Hội, đặc biệt trong tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số, miền núi tại địa phương.
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng, đối với đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh, người có uy tín cao được cộng đồng kính phục là những người có khả năng vận dụng những phong tục tập quán để giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh trong đời sống cộng đồng.
"Các cấp Hội tích cực phối hợp với chính quyền, các ban ngành, đoàn thể ở địa phương và tranh thủ phát huy tiếng nói, sự ảnh hưởng của người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo, cá nhân tiêu biểu trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, phụ nữ chấp hành chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo; nâng cao cảnh giác "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, phòng ngừa, tố giác tội phạm, không nghe, không tin, không theo kẻ xấu xúi giục", bà Cil Bri nhấn mạnh.
Kịp thời động viên, khen thưởng người có uy tín, chức sắc các tôn giáo
PGS.TS Đặng Thị Hoa, Quyền Viện trưởng Viện Tâm lý, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết, vai trò của người có uy tín, chức sắc tôn giáo rất rõ nét trong cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng Trung bộ và Tây Nguyên. Những người có uy tín rất am hiểu phong tục tập quán và giúp cho việc điều hành trong buôn làng rất tốt, mạnh.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Đặng Thị Hoa, cũng có thực tế là chưa chắc nhận thức của những người có uy tín về bình đẳng giới hiện nay đã đầy đủ. Do vậy, việc tuyên truyền nhận thức cho người có uy tín, chức sắc các tôn giáo về bình đẳng giới là hết sức quan trọng. Phải làm sao để giúp cho họ hiểu được đầy đủ về vấn đề bình đẳng giới trên địa bàn chứ không phải là những vấn đề chung chung, trên lý thuyết.
"Việc vận động người uy tín, chức sắc các tôn giáo tùy vào từng thôn bản, buôn làng, tùy từng vùng… phải rất khác nhau; phải cố gắng linh hoạt để có sự tuyên truyền, vận động phù hợp", PGS.TS Đặng Thị Hoa nhấn mạnh.
Thiếu tướng Bùi Thanh Hà, Thành viên Ban Nghiên cứu chuyên đề giúp việc Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết, ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, người có uy tín, già làng, trưởng buôn được đồng bào tin theo, tôn trọng. Những người này không chỉ có vai trò, vị trí quan trọng với gia đình, dòng họ mà còn đối với cộng đồng, dân cư và trải đều trên các lĩnh vực trong đời sống, xã hội. Trong thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều cách làm, mô hình hay phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng buôn.
Theo ông Hà, để phát huy hơn nữa của người có uy tín, chức sắc các tôn giáo thì cần phải khai thác được thế mạnh của từng người. Đồng thời đảm bảo được tính đoàn kết, phát huy được nội lực của các dân tộc bằng chính con người, quy định của họ thì mới vững chắc. Bên cạnh đó, cần thống nhất nhận thức về công tác đối với người có uy tín trong các cấp, các ngành; có sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền. Đặc biệt, cần tiếp tục thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người uy tín, động viên và khen thưởng, tuyên dương kịp thời đối với những người có uy tín, chức sắc các tôn giáo có thành tích nổi bật.