Việc phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em vẫn còn một số bất cập

Những bất cập đã được ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về nhân quyền do Bộ TT&TT tổ chức ngày 19/9.

Trẻ em ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ giáo dục, an sinh xã hội có nguy cơ trở thành lao động trẻ em. (Ảnh minh họa - Nguồn: nhandan.vn)

Trẻ em ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ giáo dục, an sinh xã hội có nguy cơ trở thành lao động trẻ em. (Ảnh minh họa - Nguồn: nhandan.vn)

Theo đó, lao động trẻ em ở khu vực phi chính thức khó kiểm soát và phát hiện. Tác động của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu làm suy giảm điều kiện kinh tế, đe dọa sinh kế của các hộ gia đình, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thiếu việc làm, thất nghiệp, gia đình bị mất trụ cột kinh tế khi có người tử vong; xuất hiện tình trạng dụ dỗ lừa đảo qua môi trường mạng làm gia tăng nguy cơ trẻ em và người chưa thành niên trở thành lao động trẻ em, bị mua bán và bóc lột sức lao động. Trẻ em ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ giáo dục, an sinh xã hội có nguy cơ trở thành lao động trẻ em.

Ngoài ra, cũng có nguyên nhân do nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ cơ sở, người sử dụng lao động, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về phòng ngừa lao động trẻ em chưa đầy đủ. Đội ngũ cán bộ các cấp, ngành, đặc biệt tại địa phương còn thiếu, hạn chế về năng lực phát hiện các trường hợp lao động trẻ em tại cộng đồng. Thiếu cán bộ thanh tra nên việc tiến hành các cuộc thanh, kiểm tra về lao động gặp khó khăn, nhất là khu vực phi chính thức, nơi có nhiều trẻ em tham gia lao động. Hạn chế về tài chính trong triển khai các mô hình phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em.

Ngày 18/8, thông tin tại Diễn đàn “Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, bảo vệ và nâng cao kỹ năng nghề cho lao động trẻ” ngày 18/8, ở Việt Nam, số liệu năm 2018 cho thấy ước tính có trên 1 triệu trẻ dưới 17 tuổi tham gia lao động. Trong đó, có trên 500.000 trẻ em làm công việc nặng nhọc độc hại, có 20,1% lao động trẻ em làm trên 42 giờ/tuần.

Điều tra quốc gia về lao động trẻ em năm 2018 cho thấy, có 20,9% số trẻ em trong độ tuổi 15 - 17 ở nông thôn không còn đi học, có 77% thanh, thiếu niên từ 15 - 19 tuổi làm việc ở khu vực phi chính thức với những việc được trả lương thấp hơn 55% so với làm việc ở khu vực chính thức. Mỗi năm có khoảng 1,5 đến 1,6 triệu thanh niên bước vào độ tuổi lao động, nếu không được đào tạo nghề, dự kiến đến năm 2026 sẽ có khoảng 30% lao động phải chuyển đổi nghề.

Hiến pháp năm 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em; nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.

Đồng thời, các nội dung nghiêm cấm hành vi bóc lột trẻ em, cấm trẻ em lao động trái quy định của pháp luật đã được quy định cụ thể trong các Luật Trẻ em năm 2016, Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2015, Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019...

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 841/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 về việc ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030; phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030…

Ngày 25/1/2024, Bộ LĐ-TB&XH cùng các Bộ NN&PTNT, GD&ĐT, Công an; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ký Quy chế phối hợp về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030. Căn cứ vào quy chế phối hợp, đã có 20 địa phương ban hành kế hoạch phối hợp giữa các sở, ngành tại địa phương/công văn của UBND tỉnh phân công các sở, ngành thực hiện công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện chính sách về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức triển khai các chương trình về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và các chương trình liên quan… Cùng đó, nâng cao năng lực về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; triển khai các dịch vụ, mô hình hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em; tiếp tục củng cố hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá, thanh, kiểm tra về lao động trẻ em; tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em...

H. Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/viec-phong-ngua-giam-thieu-lao-dong-tre-em-van-con-mot-so-bat-cap-post526009.html
Zalo