Việc khó không được làm qua loa
Xây dựng báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ ở những xã sáp nhập là việc khó. Càng là việc khó càng phải dụng tâm, xây dựng báo cáo với chất lượng tốt nhất, không được làm qua loa, hình thức.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Cao An (Cẩm Giàng) lần thứ 25 - Đại hội điểm Đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2025 – 2030 của tỉnh Hải Dương (ảnh tư liệu)
Những ngày này, theo tinh thần Chỉ thị 45- CT/TW, không khí chuẩn bị Đại hội Đảng ở các địa phương đang sôi động lại. Cán bộ cấp xã - nơi gần dân nhất, nơi chịu nhiều áp lực nhất - cũng đang bước vào giai đoạn quan trọng, đó là xây dựng báo cáo chính trị.
Theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy tại Công văn 2764- CV/BTCTU ngày 29/4/2025, đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ cấp ủy huyện có trách nhiệm chỉ đạo đảng ủy xã, phường, thị trấn nơi được chọn đặt trụ sở đảng ủy (sau hợp nhất, sáp nhập) chủ trì, phối hợp với các đảng ủy xã, phường, thị trấn còn lại xây dựng báo cáo chính trị trình đại hội của đảng bộ mới, thời gian hoàn thành trước 30/6/2025.
Báo cáo chính trị là một trong những văn kiện trung tâm, là “gương mặt nhiệm kỳ” phản ánh kết quả lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ và mở ra định hướng cho 5 năm tới. Với những xã sáp nhập, việc tích hợp báo cáo chính trị còn khó hơn. Ba, bốn hệ thống số liệu, cách viết, bối cảnh phát triển khác nhau - tất cả cần được hài hòa trong một bản báo cáo duy nhất. Trong khi đó, tâm lý ngại “ngồi chung một bàn”, sợ đụng chạm hoặc thiếu sự phân công rõ ràng trong phối hợp có thể xuất hiện.
Điều này không chỉ làm chậm tiến độ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng văn kiện, những mục đích tốt đẹp của đại hội cấp xã cũng không đạt được. Nếu không thống nhất được từ khâu đề cương, bố cục, cách dùng thuật ngữ, đơn vị đo, cách nêu mô hình hiệu quả… thì rất dễ xảy ra tình trạng “báo cáo nửa nọ nửa kia”, các mảnh ghép rời rạc, thiếu mạch lạc, thiếu thuyết phục.
Trong bối cảnh sáp nhập xã, khi xây dựng báo cáo chính trị, thiết nghĩ các cấp ủy và cá nhân được giao phụ trách cần lưu tâm đến những điều sau:
Đầu tiên, cần nhìn nhận đúng vị trí, vai trò của văn kiện này. Báo cáo không phải là sản phẩm của văn phòng, của cán bộ biên tập, thường trực tiểu ban, càng không phải “việc giao cho một người viết”. Đây là công việc của cả tập thể - cần sự tham gia của Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, công chức chuyên môn, những chủ thể tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở địa phương… để có được cái nhìn đầy đủ, khách quan, không lệch trọng tâm.
Thứ hai, hãy bắt đầu từ những điều đã rõ, những thành quả cụ thể, những mô hình có người dân đồng thuận và đặc biệt là những bài học sâu sắc, từ những việc thành công và cả những việc chưa thành công, những trăn trở còn dang dở. Làm báo cáo không phải để “trình diễn thành tích” mà để thẳng thắn nhận diện thực tế và đề ra giải pháp sát với thực tiễn ở địa phương.
Thứ ba, cần có cách viết, mạch văn theo cấu trúc “bối cảnh, hành động, kết quả, bài học; tầm nhìn, mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp mới”. Dữ liệu cần chọn lọc, không đưa tràn lan. Nên đính kèm phụ lục số liệu, bảng biểu minh họa để giúp người đọc và cả đại biểu dự đại hội dễ hiểu và dễ nhớ hơn.
Nhìn lại nhiệm kỳ trước, báo cáo chính trị của nhiều cấp ủy xã được chuẩn bị nghiêm túc, đánh giá đúng tình hình. Báo cáo so sánh kết quả thực hiện với kế hoạch đề ra trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 với nhiệm kỳ 2010 - 2015 trên cơ sở đó đề ra phương hướng, mục tiêu, kế hoạch nhiệm kỳ 2020 - 2025. Các đơn vị đều đã sớm ban hành và tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các chi bộ trực thuộc.
Tuy vậy, không ít báo cáo chính trị có nội dung dàn trải, nhiều đánh giá chung chung, thiếu địa chỉ, con số, việc làm… Do đó không xác định được trách nhiệm, cũng như đề ra được những giải pháp có tính đột phá, có tính khả thi để giải quyết.
Kinh nghiệm đã qua cũng cho thấy, báo cáo càng được chuẩn bị sớm, càng có thời gian thảo luận, góp ý, điều chỉnh. Càng làm sớm, càng dễ phát hiện điểm thiếu, điểm chưa thống nhất. Không chờ “đủ dữ liệu mới viết”, hãy viết phần có trước, để từ đó xác định tiếp những thông tin cần bổ sung.
Vậy nên xây dựng báo cáo chính trị không phải là việc của riêng ai, cũng không nên, không được phép coi là thủ tục. Đây là dịp để Đảng bộ mỗi xã tổng kết hành trình phát triển, khẳng định bản lĩnh tập thể và đề ra định hướng mới bằng chính những thành tựu và bài học đã qua.
Báo cáo là để dẫn đường, để đồng hành cùng nhân dân vững bước vào nhiệm kỳ mới.