Việc giảng dạy môn tích hợp ở bậc THCS được thực hiện thế nào?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập huấn giáo viên dạy hai môn học mới ở bậc trung học cơ sở.
Trước ý kiến kiến nghị xem xét điều chỉnh việc dạy môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở nhằm đảm bảo hiệu quả trong dạy, học và đồng bộ với chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có phản hồi.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông xác định rõ về nội dung đổi mới, trong đó: “Ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học".
Cụ thể hóa Nghị quyết số 88/2014/QH13, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư về Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp trung học cơ sở có môn khoa học tự nhiên được tích hợp từ các môn vật lý, hóa học và sinh học; môn lịch sử và địa lý được tích hợp từ các các môn lịch sử, địa lý nhằm tạo thuận lợi cho việc khai thác các nội dung dạy học cụ thể một cách toàn diện từ nhiều khía cạnh.
Xác định đây là những môn học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các nhà trường tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Từ chương trình hiện hành, việc khai thác các nội dung bài học từ nhiều khía cạnh theo hướng tích hợp (kiến thức địa lý trong các bài lịch sử và ngược lại; kiến thức hóa học, sinh học trong các bài vật lý và ngược lại) đã được triển khai từ nhiều năm qua.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn và tập huấn tới tất cả các giáo viên dạy hai môn học này trên toàn quốc. Trong đó, việc phân công giáo viên dạy học môn khoa học tự nhiên, môn lịch sử địa lý bảo đảm sự phù hợp về năng lực chuyên môn được đào tạo của giáo viên với nội dung dạy học được phân công.
Ví dụ, ở môn khoa học tự nhiên, giáo viên được phân công theo các mạch nội dung, không bắt buộc một giáo viên khi chưa được chuẩn bị sẵn sàng về năng lực chuyên môn phải dạy cả chương trình môn học.
Việc phân công giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đảm nhận dạy học từ 2 mạch nội dung hoặc toàn bộ chương trình môn học phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về năng lực chuyên môn để bảo đảm chất lượng dạy học. Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học; giáo viên dạy học nội dung nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá đối với nội dung đó.