Việc chất vấn của đại biểu HĐND sẽ chỉ tập trung vào UBND
Khi bỏ cấp huyện và tổ chức lại bộ máy, việc chất vấn của đại biểu HĐND sẽ chỉ tập trung vào UBND cùng cấp.

Đồng chí Phùng Văn Diện, Phó Chủ tịch HĐND huyện Nam Sách (Hải Dương)
Tại Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân có đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2 điều 115 Hiến pháp năm 2013 thành: "Đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND".
Tại khoản 2 điều 115 của Hiến pháp năm 2013 đang quy định: "Đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và thủ trưởng cơ quan thuộc UBND".
Như vậy, dự thảo lần này đã bỏ quyền chất vấn của đại biểu HĐND với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân. Việc sửa đổi quy định này là hợp lý, cần thiết, phù hợp, bảo đảm sự đồng bộ với chủ trương, lộ trình tinh gọn bộ máy.
Bởi hiện nay, việc chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân chỉ thực hiện tại HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.
Sắp tới, đơn vị hành chính cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động và không tổ chức tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân cấp huyện mà thay thế bằng các tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân khu vực. Các tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân không gắn với một đơn vị hành chính cụ thể nên sẽ không có HĐND ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn.
Vì vậy, sửa đổi Hiến pháp năm 2013 theo hướng quy định Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân không thuộc phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu HĐND là cần thiết.
Khi đó, việc chất vấn của đại biểu HĐND cấp tỉnh và cấp xã sẽ tập trung vào UBND, cụ thể là Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND và người đứng đầu các cơ quan thuộc UBND.
Việc này sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động, tập trung vào chất vấn các vấn đề bất cập, vướng mắc, công tác quản lý nhà nước của UBND, tập trung vào những công việc sát sườn, bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của cử tri, nhân dân và nâng cao phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tiễn thời gian qua, hoạt động chất vấn của đại biểu HĐND đối với chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân có lúc chưa đạt hiệu quả cao.
Mặc dù đại biểu HĐND không còn thẩm quyền chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân nhưng HĐND vẫn thực hiện giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, trong đó có bao gồm giám sát hoạt động của tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân và của các cơ quan nhà nước khác trên địa bàn.
Đại biểu HĐND vẫn có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương, trong đó có các đơn vị này. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu và vẫn bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ở địa phương.