Vị vua duy nhất trong sử Việt gả vợ cho cận thần là ai?
Lịch sử phong kiến Việt Nam từng có một vị vua gả chính vợ của mình cho cận thần, người có công cứu giá trước giặc xâm lăng.
Đó chính là vua Trần Thái Tông (1218 - 1277) - vị vua đầu tiên của triều đại nhà Trần.
Năm 1225, dưới sự sắp đặt của Thái sư Trần Thủ Độ, ông được vợ - tức vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho. Cơ nghiệp nhà họ Trần bắt đầu từ đây.
Sau khi lên ngôi, vua Trần Thái Tông phong cho Lý Chiêu Hoàng làm Chiêu Thánh hoàng hậu. Nhưng vì sống chung với nhau 10 năm vẫn không có con nên Trần Thủ Độ lại ép vua phế truất Chiêu Thánh hoàng hậu xuống làm công chúa.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, trong trận giao chiến chống quân Mông Cổ (1258), vua Trần Thái Tông chẳng may rơi vào thế phục kích, bị quân địch bắn tên như mưa. Chính trong tình thế nguy nan ấy, Lê Tần - một danh tướng của triều đại nhà Trần lấy ván thuyền che cho vua thoát nạn.
Nhờ có công hộ giá này, Lê Tần được đổi sang mang quốc tín (họ vua), có tên mới là Lê Phụ Trần. Sau lại được vua Trần Thái Tông đem vợ cũ là Chiêu Thánh công chúa gả cho. Với việc ban thưởng này, vua nói: “Trẫm không có khanh, thì đâu có ngày nay. Khanh hãy cố gắng để cùng được trọn vẹn về sau".
Nhiều nhà sử gia nhận định, đây là quyết định vô cùng khó khăn và đầy ý nghĩa nhân văn của vua Trần Thái Tông, khi muốn tái sinh hạnh phúc và cũng là để thể hiện mối tình sâu kín của nhà vua với người vợ cũ dấu yêu.
Và đúng như những gì vị vua này mong ước, Lý Chiêu Hoàng có được người chồng dũng mãnh, văn võ toàn tài. Nhà sử học thời Lê sơ Ngô Sĩ Liên từng nhận xét: "Lê Phụ Trần dũng lược đứng đầu ba quân, một mình một ngựa xông pha trong lúc gian nguy, mà tài văn học của ông đủ để dạy bảo thái tử".
Hai người sau đó có hai con, một trai, một gái, gia đình hạnh phúc viên mãn. Cuộc hôn nhân tuy gượng ép nhưng lại giúp cho Lý Chiêu Hoàng được hưởng sự yêu thương, hạnh phúc.