Vị tướng nào từ người huấn luyện chó trở thành khai quốc công thần?

Với biệt tài huấn luyện chó, vị tướng này chỉ huy đạo quân chó săn nhiều lần làm quân giặc kinh hồn bạt vía.

Người được nhắc đến chính là Nguyễn Xí, sinh năm 1397, tại làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc (nay là xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Mồ côi cha từ nhỏ, lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan nên Nguyễn Xí sớm có tinh thần quật cường và lòng căm thù giặc sâu sắc.

Mùa Xuân năm 1418, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa ở núi rừng Lam Sơn (Thanh Hóa) đánh đuổi quân Minh xâm lược. Trong những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa, hai anh em ruột Nguyễn Biện, Nguyễn Xí đã có mặt trong hàng ngũ nghĩa quân.

Theo sách Đại Việt thông sử, Nguyễn Xí rất thông minh, nhanh nhẹn, tỏ rõ là người có tài, vì thế Lê Lợi rất quý, giao cho chăm sóc đàn chó săn lớn.

Tướng Nguyễn Xí huấn luyện chó săn tại núi rừng Lam Sơn, Thanh Hóa (Tranh vẽ của tác giả Sỹ Hoan)

Tướng Nguyễn Xí huấn luyện chó săn tại núi rừng Lam Sơn, Thanh Hóa (Tranh vẽ của tác giả Sỹ Hoan)

Đại Việt thông sử chép: "Vua sai Nguyễn Xí nuôi đàn chó săn hơn 100 con. Sớm chiều chia cơm cho chó ăn ông đều dùng chuông làm hiệu. Bầy chó theo sự điều khiển của ông, tiến thoái răm rắp. Trong bước đường chiến chinh, đàn chó của Nguyễn Xí trở thành đội quân đặc biệt, do được huấn luyện chu đáo, điều khiển bằng tiếng nhạc nên từ ăn, ngủ, tấn công chúng đều theo hiệu lệnh phát ra.

Những lúc bị vây hãm tuyệt lương thì đàn chó được lệnh đi săn thú, bắt chim về làm thức ăn cho nghĩa quân. Khi xung trận, Nguyễn Xí điều khiển bầy chó lăn xả vào cắn xé làm quân giặc rất hoảng sợ; tên tướng Minh là Mã Kỳ mỗi khi nghe đến đội quân khuyển của ông lại kinh hãi.

Có lần Nguyễn Xí cho buộc vào cổ đàn chó những chiếc đạc ngựa, khi chó chạy sẽ phát ra tiếng kêu như tiếng đoàn kị mã. Đến đêm, ông dẫn quân đến vây trại giặc Minh rồi cho đánh trống reo hò ầm ĩ, lại xua chó chạy quanh trại. Quân Minh nghe tiếng đạc ngựa, lại thấy tiếng trống thúc, quân reo rất hốt hoảng tưởng bên ta đến cướp trại nhưng không rõ binh lực thế nào nên không dám ra đánh.

Chúng đành dùng cung nỏ bắn ra như mưa, một chốc Nguyễn Xí lại cho dừng, bọn giặc thấy yên thì ngừng bắn, ông lại thả chó ra, trống lại đánh, quân lại reo, giặc lại bắn ra. Đến gần sáng, sau khi thu nhặt thì được hàng vạn mũi tên quân ta rút đi, còn bọn giặc cả đêm hoảng loạn, mất ngủ lại tổn thất rất nhiều tên. Nghĩa quân Lam Sơn và dân chúng hết lời ca ngợi Nguyễn Xí, xem việc lập kế lấy tên của giặc không kém gì mưu của Gia Cát Lượng dùng người rơm “mượn tên” của quân Tào trên sông Xích Bích thời Tam Quốc".

Trong suốt những năm tháng kháng chiến gian khổ, Nguyễn Xí cùng đàn chó tham gia nhiều trận đánh quan trọng như cuộc vây hãm thành Đông Quan, hạ thành Xương Giang, tiêu diệt và bắt sống gần 10 vạn quân Minh sang tăng viện năm Đinh Mùi (1427).

Khi sự nghiệp kháng chiến thành công, đất nước sạch bóng xâm lăng, năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, Nguyễn Xí được xếp vào hàng khai quốc công thần. Ông được vua phong tước Huyện hầu, đứng vào bậc thứ 5 trong 9 bậc và sau 14 người trong số 99 người được phong cấp, giữ chức Long hổ thượng tướng suy trung bảo chính công thần.

Với tấm lòng trung quân ái quốc, Nguyễn Xí đã phục vụ dưới trướng 4 vị hoàng đế triều nhà Lê: Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi), Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông, đóng góp nhiều công lao to lớn đối với quốc gia.

Năm 1465, Nguyễn Xí tạ thế, thọ 69 tuổi. Thi hài ông được vua Lê Thánh Tông cho lưu giữ, bảo quản tại Điện Kính Thiên trước khi đưa về an táng tại quê nhà. Ghi nhớ công lao của Nguyễn Xí, nhà vua truy tặng ông tước Thái sư Cương Quốc Công đặc ân khai quốc.

Kim Nhã

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vi-tuong-nao-tu-nguoi-huan-luyen-cho-tro-thanh-khai-quoc-cong-than-ar902591.html
Zalo